1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những người nối “tơ hồng” cho đồng bào Chứt

(Dân trí) - Có thời điểm, tộc người Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) rơi vào tình trạng “báo động đỏ” suy thoái nòi giống vì nạn hôn nhân cận huyết thống. Nhưng, hơn một năm nay, những mối tình “vượt biên giới” đang là tín hiệu báo mừng cho cuộc “phục sinh” của tộc người này.

Ngoài sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh thì người Tổ trưởng công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), Trung tá Dương Thanh Tịnh được xem như là “ông tơ” cho những đám cưới đặc biệt ấy…

Những người nối “tơ hồng” cho đồng bào Chứt - 1

Trung tá Dương Thanh Tịnh căn dặn “các con” trong đám cưới của Nhân – Duyên.

Vấn nạn hôn nhân cận huyết

Vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt - Lào nên đã đưa về giúp họ xây nhà, lập bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Tộc người này được gọi chung là họ Hồ, tới nay đã có 38 hộ gia đình với 138 nhân khẩu. Đây được xem là tộc người nguyên sơ nhất Việt Nam.

Từ khi được phát hiện đến nay đã gần nửa thế kỷ, tộc người Chứt vẫn duy trì nếp sống nguyên sơ, chưa có ý thức tự giác lao động và tích lũy. Người Chứt không tiếp xúc với môi trường văn hóa bên ngoài. Họ suốt ngày quanh quẩn bên căn nhà, ít lao động sản xuất, bởi mọi thứ như gạo, phụ cấp đều được Nhà nước hỗ trợ tối đa. Và khi lập gia đình, họ thường lấy người trong họ hàng.

“Thanh niên ở bản nếu muốn lấy vợ, lấy chồng thì phải sang Quảng Bình, vì ở đó có người Chứt sinh sống. Nhưng do đường sá xa xôi, hơn nữa dân tộc có tục bảo vệ gái làng nên khi nhiều thanh niên người Chứt của bản Rào Tre đi kiếm vợ, sang đó bị thanh niên làng đuổi đánh, đành phải quay về. Và rồi họ lại lấy người ở trong bản, từ đó tạo nên những cặp hôn nhân cận huyết”, một cán bộ công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng cho biết.

Chính vì vậy mà thế hệ con cái sinh ra ở bản Rào Tre thường phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ vấn nạn hôn nhân cận huyết thống này.

Những người nối “tơ hồng” cho đồng bào Chứt - 2

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh).

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Hương Liên cho biết, hiện trong bản có 3 cặp vợ chồng là con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác. Trong ba gia đình này, có 3 cháu nhỏ bị ảnh hưởng bởi hôn nhân cận huyết, có cháu bị teo và dị tật chân, cháu thì thiểu năng trí tuệ.

Hoa thơm kết trái trên bản Rào Tre

Để tránh nguy cơ suy thoái nòi giống cho tộc người Chứt, chính quyền xã Hương Liên đã cử cán bộ xã cùng Bộ đội Biên phòng đồn Bản Giàng cắm bản, phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ tuyên truyền, tập cho đồng bào nơi đây sản xuất, học văn hóa.

Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đề xuất lãnh đạo tỉnh xem xét lập dự án đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường khoảng 15 km nối bản Rào Tre với huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nơi có một số hộ người Chứt và các dân tộc khác sinh sống. Mục đích là tạo điều kiện cho đồng bào Chứt ở bản Rào Tre sang giao lưu, cưới vợ lấy chồng, khắc phục tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Và có lẽ người có công đầu tiên cho công cuộc giải cứu đồng bào dân tộc Chứt là Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng công tác cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh).

Trung tá Dương Thanh Tĩnh đã lên đây công tác được hơn 6 năm. Trong khoảng thời gian đó, ông luôn trăn trở, day dứt một nỗi niềm, đó là làm sao có thể xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống, cứu lấy tộc người này.

Thế rồi, bằng tình yêu, sự kiên trì, nhiệt huyết cùng sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh, những “trái ngọt” đầu mùa cũng đã đơm hoa kết trái trên bản Rào Tre.

Ngày 10/4/2015, một cái đám cưới đặc biệt đã diễn ra, cô dâu Hồ Thanh Mai, người con gái dân tộc Chứt (SN 1992, trú tại bản Rào Tre, xã Hương Liên) và chàng rể là Lê Xuân Công, (SN 1992, ở xã Phúc Đồng, cùng huyện Hương Khê). Sau đó không lâu, 3 đám cưới “đặc biệt” tương tự đã tiếp tục diễn ra trên bản Rào Tre.

Không giấu nổi niềm vui xúc động, Thượng tá Dương Thanh Tịnh nở nụ cười hiền hậu: “Mỗi một đám cưới là một câu chuyện tình đẹp như chuyện cổ tích. Đến nay đã có 4 đám cưới đặc biệt diễn ra trên bản. Đó thực sự là tín hiệu mừng”.

Quá trình làm “ông tơ”, Trung tá Tịnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, những tình huống khó xử.

Những người nối “tơ hồng” cho đồng bào Chứt - 3

Đường vào bản Rào Tre.

“Xưa nay đồng bào Chứt vốn giữ nếp sống nguyên thủy, việc khuyên họ từ bỏ thói quen để học theo người Kinh là rất khó”, ông Tịnh chia sẻ

Trong cả 4 cái đám cưới “đặc biệt ấy”, người ta đều nhìn thấy hình ảnh Trung tá Tịnh cầm tay cô dâu chú rể đặt chồng lên nhau, ông dặn dò các cháu phải nhường nhịn nhau, sống hòa thuận, ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ…. Những hình ảnh đó khiến ai cũng thêm quý mến, trân trọng ông.

Trung tá Tịnh chia sẻ, nhiều lần các đôi uyên ương gặp khó khăn, trắc trở, họ tìm tới ông nhờ tư vấn. Ông đã đặt mình vào vị trí những người bố, người mẹ, nói nhẹ nhàng, phân tích cho các nam nữ thanh niên hiểu việc được gắn bó với nhau dù ít hay nhiều cũng là duyên trời ban, nên trân trọng.

Nói về Trung tá Tịnh, Thượng tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết: “Trung tá Tịnh là một người tuyệt vời, nhiệt tình trong công việc, đặc biệt là có tình thương với đồng bào Chứt, luôn ngày đêm trăn trở, lo lắng cho sự sinh tồn của họ”.

Xuân Sinh