1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TP.HCM:

Những người lính biệt động Sài Gòn qua hồi ký của một cô giáo

(Dân trí) - Gần 20 năm qua, nữ giáo viên ấy đã tìm gặp hàng trăm chiến sĩ biệt động Sài Gòn để viết về cuộc đời họ. Nhân vật trong tác phẩm của bà giản dị nhưng kiên cường bất khuất dù ai cũng từng phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian” của quân thù.

Tình yêu thiêng liêng với người lính

2-069e1
Nhà văn Mã Thiện Đồng, người đã ghi chéo lại cuộc đời hoạt động cách mạng của hàng trăm người lính biệt động Sài Gòn

Từ khi còn nhỏ, cô gái Mã Thiện Đồng (SN 1950, quê Hải Dương) đã có niềm yêu thích đặc biệt với lịch sử dân tộc. Cô mong muốn trở thành một nhà giáo để truyền đạt cho học trò lòng yêu nước cũng như sự bất khuất của người lính trong chiến tranh. Trong thời làm giáo viên dạy văn tại Long An, bà luôn tìm cách thu thập thông tin về những nhân vật lịch sử để lắng nghe họ kể về quá khứ của dân tộc rồi viết lại. Sau khi nghỉ hưu, bà tìm đến với hàng trăm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, ăn ở, sinh hoạt với họ suốt từ năm 1996 đến nay để viết về sự anh dũng của họ.

“Tôi rất thích viết về đề tài chiến tranh. Tôi có thể viết ở bất kỳ địa điểm nào, thời gian nào. Năm 1996 tôi về hưu, lúc bấy giờ tôi mới thật sự có quỹ thời gian để viết. Tôi liền lên kế hoạch cho cuốn sách đầu tay mà mình ấp ủ bấy lâu. Cuốn sách đầu tay của tôi là Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể. Một lần vô tình tôi nghe được câu chuyện thế thái nhân tình, nỗi oan khiên chất chứa ngập tràn trong lòng của người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa. Tôi lắng nghe, đồng cảm và hứa với lòng sẽ không để những con người, những câu chuyện lịch sử như vậy bị chìm vào quên lãng. Nhiều người khi đọc tác phẩm của tôi viết về họ, họ như được sống lại những ngày lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhiều người lại khóc vì trong sự vẻ vang đó chứa không ít gian khổ và nhiều người thân, bạn bè, đồng chí của họ đã vĩnh viễn ra đi” – Nhà văn Mã Thiện Đồng tâm sự.

 

5-c2320
Chiến sĩ tình báo Nguyễn Văn Thương khi đang hoạt động cách mạng
4-ae5ff
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương ngày hôm nay

Trong tác phẩm của bà, toàn bộ những trận đánh của Biệt đội Sài Gòn như được sống lại với độc giả. Những câu chuyện xung quanh các trận cường tập vào rạp Kinh Đô, trận đánh tàu “Cạc” Mỹ ở cảng Sài Gòn, đột nhập tổng nha cảnh sát Mỹ… cùng hàng loạt những hoạt động gian khổ nhằm chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sư được mô tả một cách chân thực như chính bà tham gia kháng chiến. Nhiều câu chuyện cảm động của Đại tá Nguyễn Đức Hùng(tức Tư Chu), người trực tiếp chỉ huy các đội Biệt động Sài Gòn, đồng chí Bảy Bê, anh hùng Lâm Sơn Náo, Huỳnh Phi Long… được khắc họa một cách giản dị nhưng đầy sự hy sinh bất khuất.

Nhân vật trong tác phẩm của bà khiến độc giả vô cùng kính phục là Thiếu tá Nguyễn Văn Thương, người bị CIA cưa chân 6 lần, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, người phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, chịu muôn vàn đau khổ về thể xác, tinh thần khi bị địch tra tấn nhưng vẫn không khai ra đồng đội, tổ chức cách mạng…

Khơi lại lịch sử hào hùng

3-7e1f6
Những tác phẩm khắc họa lại cuộc đời hoạt động cách mạng của những người lính biệt động Sài Gòn

Mấy chục năm qua, hàng ngàn chiến sĩ Biệt động Sài Gòn với đủ mọi tầng lớp nay chỉ lại một phần rất nhỏ. Sau hòa bình, nhiều người đã hy sinh, nhiều người cũng ra đi vì tuổi già những người còn lại thì bị bệnh tật hoành hành. Nếu không ghi lại những câu chuyện thần kỳ của họ trong lịch sử thật là quá đáng tiếc.

Nhà văn Mã Thiện Đồng chia sẻ: “Tôi may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân chứng lịch sử. Nhiều người trong họ chưa từng được nhắc đến vì một lý do nào đó. Tuy vậy, khi tiếp xúc với họ tôi cảm nhận được lòng quả cảm, anh dũng của họ trong chiến tranh gian khổ. Nghe họ kể về cuộc đời của họ phải lầm lũi mưu sinh khi cuộc chiến đã lùi xa mà tôi rơi nước mắt. Qua đó, tôi nhận ra rằng mình có một tâm hồn đồng điệu, cảm nhận sâu sắc về họ. Và họ trở thành người anh, người bạn của tôi. Tôi muốn tôn vinh những con người đã làm nên lịch sử, tôn vinh truyền thống lịch sử bằng chính ngòi bút của mình. Tôi tự hào vì việc mình làm được xã hội nhìn nhận tích cực. Mục đích của những cuốn sách tôi viết còn để khẳng định người làm nên lịch sử là “tài sản tinh thần” vô giá của dân tộc không bị mờ phai theo năm tháng”.

Với mục đích đó, trong suốt 20 năm qua nhà văn Mã Thiện Đồng luôn lặn lội trên những chuyến đi xa để tìm đến với những nhân chứng lịch sử. Bà viết vì lòng đam mê và sự kính trọng những người anh hùng. Những con người đã làm nên một phần lịch sử dân tộc.

6-f2d78
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai, người đã chịu cảnh tra tấn hết sức dã man, tàn độc của địch

“Qua mỗi tác phẩm, tôi muốn bạn đọc cảm nhận được những hy sinh và mất mát của những người lính. Tôi muốn nhắn nhủ những bạn trẻ về lòng tự hào dân tộc. Muốn họ nhìn lại những gì các bậc cha anh đi trước đã phải đổ bằng máu và nước mắt để cho họ có được như ngày nay. Qua mỗi tác phẩm các bạn trẻ cũng hiểu hơn về lịch sử dân tộc để họ luôn tự hào về đất nước, con người Việt Nam” – Nhà văn Mã Thiện Đồng nói.

Đến nay, bà đã viết hơn 10 tác phẩm về những người lính nhưng những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm: Biệt động Sài Gòn - chuyện bây giờ mới kể, Ký ức tàu không số, Đoàn cảm tử quân trên biển… Hiện nhà văn Mã Thiện Đồng chuẩn bị cho ra mắt những cuốn sách với hàng trăm câu chuyện cảm động trong chiến tranh cũng như đời thường của các nữ du kích, những người lính biệt động năm xưa.

Trung Kiên – Xuân Hinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm