1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Gia Lai:

Những người kiếm tiền sắm Tết nhờ… người chết

(Dân trí) - Đã 25 Tết nhưng trong nhà họ chưa có gì gọi là "đồ Tết". Họ đang chầu chực tại nghĩa trang, chờ các gia đình có người đã khuất đến thuê “tân trang” lại mồ mả để có tiền sắm Tết.

Những ngày cuối năm này, trong không khí nhộn nhịp của ngày Tết, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn sống ven TP Pleiku, Gia Lai, kéo nhau về khu nghĩa trang mưu sinh. Họ là những người sống bằng nghề nương rẫy, thợ hồ, thợ quét vôi. Vào tháng cuối năm, hầu hết các công trình xây dựng đều ngừng thi công, họ trở thành những người thất nghiệp. Trong khi Tết đến, xuân về, giá cả các mặt hàng đều tăng vùn vụt, không tiền mua sắm, họ đành rủ nhau ra nghĩa trang thành phố chờ người đến thuê kiếm vài đồng “mua” Tết về cho gia đình.

 
Những người kiếm tiền sắm Tết nhờ… người chết - 1
Vì hoàn cảnh khó khăn, cuối năm những người như chị Hương lại tìm về khu vực nghĩa trang thành phố để kiếm tiền sắm Tết

Và “đội ngũ” những người làm nghề “tân trang” mồ mả này ở nghĩa trang TP Pleiku có đến hơn 50 người. Từ 7 giờ sáng, với lỉnh kỉnh đủ thứ đồ đạc, nào thùng, chổi quét vôi, bàn chải… họ đã có mặt tại nghĩa trang và ngồi chờ đợi. Họ cho biết, không giống như những năm trước, năm nay rất ít người thuê trong khi lượng người làm nhiều nên thu nhập rất hạn hẹp.
Những người kiếm tiền sắm Tết nhờ… người chết - 2
Sẵn sàng chờ để "bám" theo khách xin được "tân trang" mộ thuê

Năm nay 39 tuổi nhưng chị Võ Thị Hương, nhà trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Pleiku đã có “thâm niên” làm nghề “tân trang” mộ... 29 năm. Khi mới lên 10 chị đã theo cha mẹ làm công việc này mỗi khi Tết đến. Nay có gia đình, gia cảnh cũng chẳng khá hơn, vợ chồng chị có 2 đứa con, đứa lớn năm nay 12 tuổi, còn đứa nhỏ thì lên 8. “Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi phải chạy ăn từng bữa, tôi thì làm rẫy, còn chồng tôi làm nghề thợ hồ. Cuối năm, cả hai vợ chồng chúng tôi đều thất nghiệp, không có tiền mua gạo, sắm Tết cho con nên chúng tôi rủ nhau ra đây chờ người thuê làm. Mỗi ngôi mộ, tùy lớn nhỏ chúng tôi nhận được thì lấy công từ 50- 100 nghìn đồng, không chỉ dọn cỏ, chà sạch mộ mà chúng tôi phải bỏ tiền để mua vôi ve quét lại theo ý muốn của thân nhân họ”.
Những người kiếm tiền sắm Tết nhờ… người chết - 3
Mỗi ngôi mộ từ dọn cỏ, bỏ tiền ra mua vôi hoặc ve quét người lao động lấy giá từ 50- 100 nghìn đồng

Người chờ làm thuê thì đông, còn người đến thuê thì ít, nhưng không vì thế mà họ tranh giành nhau, ngược lại họ rất trật tự với quan niệm “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cả “đội” sẽ ngồi chờ tại khu vực đầu nghĩa trang, khi có thân nhân người đã khuất lái xe đến, lần lượt từng người phân chia nhau “bám” theo “khách” để xin nhận việc làm. Cứ như vậy, ai cũng có thu nhập đều.
Những người kiếm tiền sắm Tết nhờ… người chết - 4
Trước khi quét vôi, họ cẩn thận chà hết lớp rong rêu bám bên ngoài mộ

“Năm nay không hiểu sao người đến thuê sửa mộ ít hơn các năm trước, công việc ít nên mọi người đều phải đoàn kết lại để kiếm sống. Hôm nay ít việc, ai được nhận thuê trước thì ngày mai phải ưu tiên cho người chưa được thuê. Chúng tôi khổ quá mới về đây làm nghề này kiếm thêm vài đồng về sắm Tết. Ngày nào may mắn thì mỗi người chúng tôi kiếm được vài ba trăm nghìn, nhưng có ngày cũng không được đồng nào. Nghèo thì cũng đã nghèo rồi, có khổ thêm một chút nữa cũng không sao, quan trọng là mình giữ được cái tình của anh em khi sống với nhau”, anh Hiếu tâm sự.

Cực nhọc quanh năm, cả năm có 3 ngày Tết để vui nghỉ, nhưng với họ đó lại là một gánh nặng. Nhắc đến Tết ai ai cũng cười buồn. Chị Lan tâm sự: “Mình lớn rồi sống như thế nào cũng được, quan trọng là mấy đứa nhỏ ở nhà thôi. Cuối năm người ta đi mua sắm nhộn nhịp, còn chúng tôi ra đây làm cỏ, quét vôi dành dụm ít đồng về “mua” Tết cho lũ nhỏ, không có nhiều thì cũng ít nhất cũng phải mua cho chúng vài cái kẹo để cho có không khí ngày Tết cũng được. Chứ chúng tôi thì sống thế nào cũng được, ngày Tết cũng như ngày thường, cứ có cơm vào bụng cho no là thích rồi”.

Và năm nào cũng vậy, công việc của họ kết thúc vào chiều muộn của ngày cuối năm. Hỏi lúc nào mới có thể sắm Tết, họ cười: Chỉ sợ không có tiền mà sắm thôi!

Thiên Thư