Những người gác hầm đón Tết giữa đèo cao
(Dân trí) - Những người gác hầm dường như chưa có năm nào được đón Tết trọn vẹn bên gia đình. Khi những chuyến tàu còn đi xuyên Tết thì người gác hầm vẫn còn tiếp tục công việc của mình như những ngày bình thường…
Chúng tôi đến nơi những người gác hầm trên đèo Hải Vân vào một buổi sáng cuối năm, cái sương mù cuối năm kèm thêm hơi lạnh ở trên đỉnh núi. Ở đây không khí Tết dường như chưa cảm nhận rõ, chỉ có tấm lịch đã thay mới cùng cái radio cũ cập nhật thời sự.
Vì tính chất của công việc mà những người gác hầm dường như chưa có năm nào được đón Tết trọn vẹn bên gia đình của mình. Để có chuyến tàu qua núi thông suốt, những người gác hầm vẫn còn tiếp tục công việc của mình như những ngày bình thường.
Chú Kiều Viết Sanh (55 tuổi) là một trong những người lớn tuổi nhất gác hầm số 12 ở đỉnh đèo Hải Vân. Hầm số 12 dài 592m, chưa phải là hầm dài nhất tại đèo Hải Vân, nhưng là hầm ở vị trí cao nhất. Ở đây những ngày cuối năm rất lạnh, sóng điện thoại khá yếu, việc liên lạc với mọi người tương đối khó khăn.
Chú Sanh kể mình không còn nhớ đã đón giao thừa trên đỉnh Hải Vân bao nhiêu lần trong quãng đời làm việc của mình. Cứ đến gần giao thừa, chú sẽ đi bộ qua hầm để đến ga Hải Vân. Tại đây, chú với những ở lại cùng đón giao thừa, xem những chương trình đầu năm trên tivi. Sau đó, tất cả lại về vị trí cũ, bảo đảm tốt công việc, bảo đảm an toàn đường ray để chuẩn bị đón chuyến tàu đầu năm mới.
“Công việc của chú đã quen rồi, những người gần nhà như bọn chú có trực trên này thì hôm sau còn nhảy tàu hàng về nhà, tranh thủ thăm Tết người quen, gia đình. Thương là thương mấy người ở xa quê, không thể về được thôi”, chú Sanh giọng chậm chậm nói.
Năm nay, cũng là năm cuối cùng chú Sanh làm việc tại đây, năm sau chú sẽ nghỉ hưu theo chế độ. Và chú sẽ chia tay công việc mà mình đã gắn bó cả đời, lúc đó mới có dịp được đón Tết trọn vẹn cùng với gia đình.
“Chia tay nơi mà mình đã gắn bó suốt 25 năm qua, chú buồn vì phải rời nơi này. Chỉ mong những người trẻ khi thay chú làm việc tại đây, cố gắng làm vì tình yêu công việc rồi, từ đó mọi thứ sẽ trở nên gần gữi”, chú Sanh bồi hồi chia sẻ.
Đã 25 năm làm công nhân tuần hầm ở đây, có nhiều câu chuyện xảy ra trong cuộc đời của mình mà chú Sanh và cả các đồng nghiệp tại vọng gác không thể nhớ hết được.
Năm trước, do mưa lớn kéo dài, có điểm sạt lở nhiều lần lấp vùi đường ray. Ngay khi nhận được thông báo từ đồng nghiệp, tất cả công nhân tuần hầm đều nhanh chóng lên lại khu vực phụ trách để khẩn trương khắc phục sự cố, trong điều kiện mưa lớn, trời bắt đầu tối, tất cả đã phải thực hiện xuyên đêm, vận chuyển hành khách qua khu vực sạt lở bằng đường bộ, đảm bảo việc đi lại của hành khách an toàn.
Đang nói, có tiếng tàu từ xa, chú Sanh nhanh chóng đội mũ, cầm cờ ra đứng trước cửa nhà gác để đón tàu vào hầm. “Cách cầm cờ là để báo hiệu cho các lái tàu biết tình hình. Cầm cờ đứng: báo đường thông suốt, an toàn; hạ ngang cờ: tàu cần đi chậm lại, giảm tốc độ. Nếu cầm cờ đỏ, báo hiệu có nguy hiểm hoặc sự vụ phía trước, tàu phải dừng”, chú giải thích.
Đèo Hải Vân có tất cả sáu hầm, 24 công nhân làm việc tại đây. Chặng đường từ ga Kim Liên lên đến ga Hải Vân (đỉnh đèo) khoảng 11km. Mỗi hầm có một trạm gác, ba người thường trực tuần canh. Hầm dài nhất là 944,6m, có hai trạm gác hai đầu với tám người trực.
Anh Nguyễn Minh Nga, phân đội phó phân đội Hải Vân cho biết, công việc chính của những người gác hầm là kiểm tra đường tàu, dọn vệ sinh, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, báo cáo kịp thời, bảo đảm an ninh trật tự, đón- tiễn tàu ra vào hầm, báo hiệu cho tàu những thông tin quan trọng trong quá trình lưu thông.
Và để có những chuyến tàu qua đèo thông suốt dù là những ngày Tết, những người gác hầm vẫn đang thầm lặng và miệt mài làm việc trên đèo dù ngày cũng như đêm.
Thành Vân