1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người "đặc biệt" sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy

(Dân trí) - Không chỉ giữ vững bình yên nơi miền biên giới, những cán bộ chiến sĩ ở Tổ cắm bản Rào Tre còn như người cha, người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho đồng bào người dân tộc Chứt nơi đây.

“Chọc sàn” đánh thức dân bản

Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 1

Thiếu tá Phạm Tuấn Anh (áo khoác màu sẫm) đang nói chuyện với dân bản

Cứ đều đặn 6h30 đến 7h hằng ngày, những cán bộ, chiến sĩ ở Tổ cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) lại thay phiên nhau đi gọi từng người dân, từng hộ gia đình trong bản.

Người "thổi lửa" cho sức sống bản Rào Tre

“Người Chứt ở đây rất lười lao động, họ thích uống rượu và thích ngủ, nên phải đi đánh thức họ mới chịu dậy”, vừa đi từng nhà, Thiếu tá Phạm Tuấn Anh công tác tại Tổ cắm bản Rào Tre vừa chia sẻ.

Gần 30 năm kể từ ngày hòa nhập với cộng đồng, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, đời sống của đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã có sự đổi thay rõ rệt.

Thế nhưng, nhiều thói quen, lối sống của nhiều người vẫn chưa được thay đổi, đó là họ rất lười lao động.

Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 2
Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 3
Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 4

Thiếu tá Phạm Tuấn Anh đi "chọc sàn" từng nhà để đánh thức từng người dân

Trong cái tiết trời se lạnh, sương mù dày đặc của những ngày đầu xuân, Thiếu tá Phạm Tuấn Anh dẫn chúng tôi đi “chọc sàn”, để hiểu hơn về một phần công việc của họ, cũng như về người Chứt nơi đây.

“Nhiều người không hiểu từ chọc sàn là thế nào, nhưng thực chất là đi gọi người dân thức dậy”, Thiếu tá Anh cười cho biết.

Ở tổ cắm bản Rào Tre có một chiếc loa phát thanh, một trong những chức năng của nó là để gọi đánh thức người dậy mỗi buổi sáng. Thế nhưng, đối với nhiều hộ dân thì chừng ấy vẫn chưa đủ để “đẩy” họ ra khỏi chiếc giường của mình. Do đó, những cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải thay phiên nhau đến từng nhà để đánh thức người dân.

“Ở đây họ có thể ăn gói mì tôm cả ngày rồi tiếp tục nằm ngủ, thậm chí việc đi vệ sinh cũng được thực hiện ngay trên sàn nhà. Việc đánh thức họ dậy để tạo thành thói quen, thay đổi lối sống cũ trong người dân”, vị cán bộ này chia sẻ thêm.

Nỗ lực để thanh niên bản có vợ, có chồng

Hiện tại người Chứt ở bản Rào Tre có 16 thanh niên đến tuổi dựng xây dựng gia đình nhưng có đến 14 nam. Đây là chuyện đang khiến những người làm công tác cắm bản nơi đây “đau đầu”.

Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 5

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre thăm hỏi người dân

Đời sống của người Chứt nơi đây đang thay đổi từng ngày theo hướng tích cực, song nhóm người này vẫn đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi vấn đề hôn nhân cận huyết thống.

“Cái chúng tôi lo nhất là vấn đề hôn nhân cận huyết thống. Đây là yếu tố quyết định đến sự sinh tồn của người Chứt nơi đây”, Trung tá Dương Thanh Tịnh, Tổ trưởng tổ cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Hà Tĩnh) chia sẻ.

Từ ngày đặt chân đến mảnh đất này, Trung tá Tịnh đã nghĩ ra nhiều "kế" để giúp những thanh niên bản có vợ, có chồng.

Những người đặc biệt sáng sớm đi từng nhà... gọi dân dậy - 6

Các cán bộ chiến sĩ biên phòng cùng lao động với dân bản

“Chúng tôi biến ngày lễ của người Chứt là Tết Lấp Lỗ và Tết Chăm Cha Bới trở thành những phiên chợ tình. Vào những ngày này thì người Chứt ở bản và người Chứt ở tỉnh Quảng Bình có cơ hội gặp nhau, thậm chí có cả người Kinh ở những khu vực gần đó. Nhờ vậy mà đến nay đã có 8 mối tình "vượt biên" đơm hoa kết trái”, Trung tá Tịnh vui mừng cho biết.

Tuy nhiên, theo Trung tá Tịnh thì những cách đã áp dụng từ trước thì đến nay không còn nhiều tác dụng.

“Tôi đang lên kế hoạch để đi xin việc cho những thanh niên ở bản ra ngoài làm việc, việc gì cũng được miễn có việc làm, được tiếp xúc, gặp gỡ với mọi người là được. Chỉ có vậy thì nhận thức của họ mới thay đổi và phát triển được”, vị Tổ trưởng Tổ cắm bản Rào Tre tâm sự.

Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, những cán bộ chiến sĩ nơi đây lại thay bộ đồng phục màu xanh của người người chiến sĩ biên phòng để ra cùng lao động, hướng dẫn bà con dân bản sản xuất.

Với người Chứt, những người cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây không chỉ là người lính mà đã trở nên thân thương gắn bó như người nhà.

Trọng Tùng - Xuân Sinh