Những người bạn Nga trong “nhiệm vụ đặc biệt” (Kỳ 1)
LTS: Ngày 29-8-2015, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tượng đài của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, tròn 40 năm khánh thành và đi vào hoạt động. Đến nay, đã có gần 50 triệu lượt nhân dân trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và khách quốc tế vào Lăng viếng Người.
Để có được những phút giây thiêng liêng đó, các nhà khoa học y tế Liên Xô và Liên bang Nga đã gắn bó với cán bộ, bác sĩ Việt Nam trong gần nửa thế kỷ, kể từ ngày 2-9-1969, khi trái tim Bác Hồ vừa ngừng đập… Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu loạt bài dưới đây của Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền về tình cảm hữu nghị gắn bó đặc biệt nói trên.
Kỳ 1: Những tháng, năm gian khổ trong chiến tranh
Các nhà khoa học y tế Liên bang Nga, mặc dù tuổi đã cao, có người đã hơn 90 tuổi như Giáo sư, Viện sĩ Iu.M.Lô-pu-khin, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2, nhà phẫu thuật tạo hình hàng đầu của Liên Xô; Giáo sư, Viện sĩ Iu.I.Đê-ni-xốp-ni-côn-xki và nhiều nhà khoa học khác đã hơn 80 tuổi…, song trong tâm khảm của mỗi người, những kỷ niệm, ký ức về Việt Nam, về “nhiệm vụ đặc biệt” mà họ được nhận từ gần 50 năm trước vẫn còn giữ nguyên như ngày nào. Viện sĩ, Giáo sư Iu.M.Lô-phu-khin, một trong 5 chuyên gia y tế Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 28-8-1969 để triển khai “nhiệm vụ đặc biệt”, đã kể lại: “Vào cuối tháng 8-1969, cố Viện sĩ Đê-bốp Xéc-gây Xéc-gây-ê-vich, nguyên Viện trưởng Viện Lăng Lê-nin, gọi điện thoại cho tôi và nói: “Anh chuẩn bị đi cùng với chúng tôi sang Việt Nam”. Hồi đó thì khó có thể giữ bí mật được, bởi tất nhiên là chúng tôi biết vì được thông báo là sang Việt Nam công tác. Chúng tôi bay qua Calcuta, Taskent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn. Trong mấy ngày đầu, chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép. Chúng tôi hiểu hoàn cảnh buộc phải như vậy. Chúng tôi không rõ Chính phủ Việt Nam sẽ quyết định ướp thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam hay tại Mát-xcơ-va”...
Sau những ngày tiến hành Lễ Quốc tang tại Hội trường Ba Đình, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô anh em đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, bạn đã đề nghị chúng ta đưa thi hài Bác sang Liên Xô để có điều kiện giữ gìn và bảo quản tuyệt đối an toàn, khi nào giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bạn sẽ đưa Bác của chúng ta trở lại Việt Nam. Biết được tin này, từ các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến mọi cán bộ, bác sĩ và y tá, ai nấy đều cảm động về tình cảm đồng chí anh em của những người cộng sản Xô-viết. Song cũng từ tình cảm kính yêu Bác, mong muốn của chúng ta là hằng ngày, hằng giờ được nhìn thấy Bác, được chăm sóc Bác và Bác sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết sớm đưa ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Người về đến đích thắng lợi.
Từ những lý do chính đáng đó, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta lúc đó đã trực tiếp trao đổi với Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, đề nghị bạn giúp đỡ chúng ta giữ gìn thi hài Bác tại Việt Nam và cũng rất may mắn, bạn đã đồng ý, chấp thuận đề nghị của chúng ta. Sau quyết định quan trọng đó, bạn đã dành hẳn một chuyên cơ đặc biệt chở thiết bị và cử các chuyên gia y tế sang giúp ta thực hiện nguyện vọng giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam. Đây là một biểu hiện cao đẹp của tình cảm đồng chí anh em giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Liên Xô. Bạn sẵn sàng chia sẻ khó khăn với chúng ta trong điều kiện chiến tranh ác liệt và thời tiết khắc nghiệt không thuận lợi cho việc giữ gìn lâu dài thi hài Bác.
Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trực tiếp chỉ huy hành quân di chuyển thi hài Bác lần đầu tiên từ Viện Quân y 108 lên Khu di tích K84 (K9 ngày nay), đã nhớ lại: “Quyết định di chuyển thi hài Bác từ 75A lên K84 là một quyết định chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, nhưng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, ta và chuyên gia Liên Xô đều chưa có kinh nghiệm”. Song với tinh thần “cái khó, ló cái khôn”, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Ban chỉ đạo Nhà nước về giữ gìn thi hài Bác, chúng ta đã cùng với các chuyên gia y tế Liên Xô di chuyển thi hài Bác đến K84 bảo đảm tuyệt đối an toàn. Thời điểm này, K84 là một địa danh tuyệt đối bí mật, cán bộ, chiến sĩ của quân đội và các chuyên gia y tế Liên Xô không được ra ngoài và không được tiếp xúc với nhân dân trong khu vực. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Các chuyên gia Liên Xô đã "đồng cam cộng khổ" với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam về điều kiện vật chất và tinh thần. Không quen với môi trường, thời tiết, khẩu vị ăn uống, nên một số chuyên gia đã bị ốm. Những lúc như thế, bạn rất lo lắng, không chỉ lo cho sức khỏe của mình mà còn lo cho nhiệm vụ của chúng ta. Số lượng chuyên gia ít, một người ốm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công việc. Biết các đồng chí chuyên gia xa nhà, các cán bộ y tế và đối ngoại của ta đã thường xuyên quan tâm đến sinh hoạt của bạn. Song bao giờ bạn cũng từ chối để không gây khó khăn, phiền hà cho chúng ta.
Sau này, khi nước nhà thống nhất, có dịp trao đổi, trò chuyện với các nhà khoa học y tế Liên Xô, chúng ta mới thấy hết sự hy sinh thầm lặng của bạn đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta. Và cũng thông qua những câu chuyện của các chuyên gia hồi tưởng lại, thế hệ cán bộ sau như chúng tôi mới thấy được suy nghĩ, tình cảm của chuyên gia bạn đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội đối với nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác và tình cảm của cán bộ, chiến sĩ quân đội đối với chuyên gia bạn. Giáo sư, Viện sĩ Iu.I.Đê-ni-xốp-ni-côn-xki, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và y sinh Liên bang Nga, người đã có 24 lần sang Việt Nam, tâm sự: “Chúng tôi hoàn thành được nhiệm vụ trong những năm chiến tranh ác liệt, trong đó có phần rất quan trọng là sự chỉ đạo, quan tâm trực tiếp của các đồng chí trong Ban chỉ đạo như: Phùng Thế Tài, Lê Quang Đạo, Vũ Văn Cẩn, Phạm Ngọc Mậu, Trần Kinh Chi; các cán bộ y tế Việt Nam như bác sĩ Nguyễn Gia Quyền, bác sĩ Lê Điều và rất nhiều cán bộ chỉ huy các cấp trong quân đội”. Cũng trong dòng chảy của niềm tâm sự đó, Giáo sư, Viện sĩ Iu.I.Đê-ni-xốp-ni-côn-xki đã xúc động nói: “Những năm chiến tranh ác liệt, mỗi khi các bác sĩ của chúng tôi sang Việt Nam được xác định như đi ra mặt trận. Họ để lại gia đình, vợ con ở hậu phương, chấp nhận sự khó khăn vất vả, nhưng ai nấy đều sẵn sàng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Vào thời điểm những năm 70 của thế kỷ trước, Liên Xô đang trên đà phát triển, các nhà khoa học của bạn được quan tâm đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đối với các bạn, chiến tranh đã lùi xa 25 năm, giờ lại lên đường ra mặt trận, điều đó càng khẳng định tình cảm to lớn mà các chuyên gia nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung đã dành cho Việt Nam. Trong 6 năm chiến tranh (1969-1975), các chuyên gia y tế Liên Xô đã cùng với cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Những kiến thức và kinh nghiệm được các chuyên gia truyền thụ lại thực sự là nền tảng, tiền đề cơ bản vững chắc cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Đây cũng là cơ sở cốt lõi nhất để đội ngũ các nhà khoa học y tế của Việt Nam vươn lên từng bước làm chủ nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống như thực tế đã xảy ra vào các năm sau này.
Ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, nhân dân trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bầu bạn quốc tế đến viếng Bác, được tận mắt chiêm ngưỡng dung nhan của Người, đó chính là chiến công thầm lặng và tình cảm đặc biệt của các nhà khoa học y tế Liên Xô và Việt Nam trong những tháng năm đầy gian khổ hy sinh của đất nước.
Tại Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể ở Hội trường Ba Đình, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh trong lời khai mạc buổi lễ đã thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt biểu dương tinh thần lao động quên mình của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của chuyên gia Liên Xô đã cùng với nhân dân Việt Nam hoàn thành công trình Lăng Bác đúng thời gian quy định. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành vào đúng thời điểm lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Xô-lô-men-xép, Trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên Xô sang dự lễ khánh thành Lăng Bác đã phát biểu ca ngợi tư tưởng, đạo đức tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định: “Toàn thể loài người tiến bộ đều tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu người ở tất cả các nước và ở khắp năm châu đánh giá cao Người, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam bách chiến, bách thắng”. Sau lễ khánh thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, khách quốc tế và đại biểu các tầng lớp nhân dân đã lặng lẽ, lần lượt vào Lăng viếng Bác. Khi trở về với mỗi công việc của mình, mọi người đều cảm thấy rất yên tâm bởi Bác đang ở rất gần họ, luôn ở bên họ trong mọi thử thách, mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống. “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”, câu thơ ấy cứ vẳng mãi bên tai của mỗi người khi chia tay Bác…
--------
Kỳ 2: Tình hữu nghị thủy chung sống mãi
Trung tướng, PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN - Chính ủy Học viện Hậu cần, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh