1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Những người ăn Tết muộn

Trong lúc nhà nhà đang chuẩn bị đón giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới, thì nhiều người khác lại tất bật với công việc. Họ là giám đốc, nhà quản lý, nhân viên... nhưng đều có điểm chung là chấp nhận ăn Tết muộn để mang lại niềm vui cho cộng đồng.

Hãy tưởng tượng giờ phút giao thừa bạn gọi điện, nhắn tin chúc mừng năm mới đến người thân, bạn bè, nhưng điện thoại cứ ò í e... Chắc hẳn lúc đó ai cũng bực mình, thất vọng. Để đảm bảo cho đường truyền được thông suốt, các nhân viên ngành dịch vụ viễn thông vào lúc này vẫn phải căng mình trước hệ thống tổng đài, máy tính... theo dõi chất lượng mạng.

"Chưa năm nào, chúng tôi được đón giao thừa cùng với người thân", đại diện Ban giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty VinaPhone thừa nhận. Lo nghẽn mạch di động, những ngày giáp Tết, từ giám đốc phụ trách kỹ thuật đến các nhân viên trực tổng đài đều căng lên với hàng núi công việc, nào là bố trí xe lưu động, xử lý sự cố, phân luồng thuê bao... nhằm giảm tối đa các sự cố để khách hàng được đón cái Tết vui vẻ với những lời chúc tốt lành.

Theo Giám đốc VinaPhone Hoàng Trung Hải, những ngày Tết, các nhân viên hay lãnh đạo được giao nhiệm vụ "túc trực" bên hệ thống phải "gồng" gấp hai ba ngày thường. Lưu lượng cuộc gọi tin nhắn những ngày này cũng tăng 2-3 lần. Nếu xử lý không tốt, không phân luồng kịp... thì nguy cơ "sập" mạng có thể xảy ra bất kể lúc nào.

Ông Hải cho biết, năm nào cũng vậy, đúng giờ khắc giao thừa, lời chúc năm mới của Chủ tịch nước vừa kết thúc cũng là lúc nhu cầu gửi tin nhắn hoặc gọi điện tăng lên đột biến. Do vậy, những nhân viên chuyên phụ trách kỹ thuật không được phép vắng mặt. Họ chỉ kịp cùng nhau cụng ly và chúc một năm mới bình yên, rồi quay về với công việc.

Năm nay, để giảm sự cố nghẽn mạch đầu năm, Viettel cũng tăng cường thêm 200 luồng kết nối với VNPT, trong khi nguyên năm 2005 chỉ kết nối được hơn 300 luồng. Một quan chức của Viettel cũng thừa nhận, chưa năm nào ông được đón giao thừa cùng gia đình. Nghĩ đến vợ con, nhiều lúc cũng cảm thấy "tồi tội" nhưng dần thành quen. Để bù đắp, ông luôn dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại để đưa vợ con đi chơi, hỏi thăm anh em bè bạn và không quên mua tặng vợ và 2 đứa con một món quà thật ý nghĩa.

Những người làm trong mảng dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch còn tất bật hơn nữa. Lễ Tết, cũng là lúc hoạt động giải trí nhộn nhịp hơn hết. "Tết của chúng tôi là sau tháng Giêng, thời điểm mà người ta hết đi chơi", Phó giám đốc Khu du lịch Suối Tiên Huỳnh Đồng Tuấn cho biết. 10 năm nay, ông Tuấn luôn túc trực tại Suối Tiên trong suốt những ngày Tết để điều hành mọi việc ở đây. "Nếu không chuẩn bị tốt mọi chuyện như bảo vệ, an ninh, ăn uống, đảm bảo an toàn trò chơi, vệ sinh... để đón lượng khách dịp Tết tăng gấp 4-5 lần ngày thường thì khách sẽ không trở lại nữa, chưa kể có thể xảy ra những sự cố đáng tiếc", ông Tuấn nói.

Giám đốc Công ty dã ngoại Lửa Việt Nguyễn Văn Mỹ thì thú nhận rằng, ông đã tổ chức ăn Tết với gia đình từ 23-29, để dành thời gian cho công tác điều hành tour. "Năm nào cũng vậy, thời khắc giao thừa, tôi đều mang rượu cần, bánh mứt đến chung vui và chúc Tết các bác sĩ, nhân viên trực Bệnh viện Từ Dũ, Chợ Rẫy", ông Mỹ cho biết. Rồi ông bộc bạch, ở nhiều ngành nghề như y tế, công an... nhân viên phải hy sinh những giây phút nghỉ Tết để trực chiến, tạo sự an vui cho xã hội thì cộng đồng cần có chia sẻ, cảm thông trong lúc này. Mùng 2 Tết, ông Mỹ lại lên đường đưa khách du lịch tham quan Campuchia. "Tôi sẽ ăn Tết chính thức sau rằm tháng Giêng", ông Mỹ nói. 

Với Minh Tiến, hướng dẫn viên của Công ty du lịch Hà Nội, những ngày này đang bận rộn với đoàn khách là phóng viên Mỹ tham quan kết hợp với làm phim về Tết cổ truyền Việt Nam. "29 Tết đón giao thừa với khách tại đường hoa Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Mùng 1 lại đưa họ đến mục kích những phong tục tập quán ngày đầu năm ở một nhà dân ở Củ Chi", và Minh Tiến nói gọn: "Rất tuyệt vời".

Công nhân trên công trình thuỷ điện Sesan ở Gia Lai năm nay sẽ không nghỉ Tết. Công trình mới khởi công, dự kiến sẽ ngăn dòng vào đầu tháng 2. Các cán bộ, kỹ sư và công nhân trên công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm, TPHCM, cũng vậy, chỉ nghỉ hoạt động vào mùng 1 Tết rồi bước vào giai đoạn thi công nước rút ngay từ mùng 2.

Ông Nguyễn Minh Đức, kỹ sư công trình thủy điện Đá Đen, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tỏ vẻ tiếc nhưng xem như chuyện phải làm: "Phải ăn Tết xa gia đình cũng rất buồn, nhưng vì phải thi công xong công trình đúng thời hạn nên chấp nhận". Theo ông Đức, cái Tết ở công trình có đủ cả bánh mứt, rượu bia, hoa mai và không khí đầm ấm đón xuân của anh em công nhân.

Theo Phan Anh, Hồng Anh
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm