Hà Nam:
Những ngôi biệt thự kiến trúc Pháp gần 100 năm tuổi ở làng lụa "Á hậu"
(Dân trí) - Trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, ở làng Nha Xá, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên ngày nay vẫn còn lưu giữ hơn 10 ngôi biệt thự cổ được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp.
Vào những năm 1920 - 1945, nhiều nơi trên đất Việt cơm ăn, áo mặc hàng ngày còn là nỗi lo lớn thì ở Nha Xá, xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên đã có những ngôi biệt thự xây dựng theo lối kiến trúc Pháp sang trọng. Trải qua thăng trầm lịch sử 100 năm qua, hiện nay vẫn còn hơn 10 ngôi biệt thự còn hiện diện - dấu tích của một thời kỳ vàng son rực rỡ.
Làng Nha Xá được biết đến là làng lụa "Á hậu" lâu đời của tỉnh Hà Nam. Ngôi làng nằm cách thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) gần 30km về phía Bắc. Theo lịch sử của làng Nha Xá trước đây, làng được Nhân Huệ vương - Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Khánh Dư, là võ tướng thời nhà Trần, có công đánh giặc, nên được vua Trần Thánh Tông lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi của vua), truyền nghề nuôi cá, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Nhờ vậy, Nha Xá đã trở thành làng nghề phát triển.
Vào những năm 1920 - 1930, làng dệt lụa của Nha Xá rất hưng thịnh và phát triển, người dân đây đưa vải lụa đi khắp nơi cả trong và ngoài nước giao thương. Nhiều thương gia còn mở đại lý cung cấp vải lụa Nha Xá ở các tỉnh như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Phú Yên, Nha Trang... Đối tượng khách hàng chủ yếu là các gia đình quyền quý. Mỗi tấm vải lụa được họ mua với giá cao. Thị trường hấp dẫn nhất thời đó là Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Buôn bán thuận lợi, những người lái buôn mau chóng đổi đời trở thành những người giàu có. Những ngôi biệt thự cũng bắt đầu được xây dựng. Kiến trúc sư người Pháp được mời về để thiết kế nhà. Sắt, thép xây dựng cũng được nhập từ Pháp và sau đó thuê thợ rèn về làm hàng tháng trời để hoàn thiện.
Ngôi biệt thự Pháp cổ của gia đình ông Phạm Khắc Tiệp được xây dựng trên diện tích rộng 300m2 là một trong những minh chứng rõ nét. Ông Tiệp cho biết, căn biệt thự này được ông nội của ông thuê kiến trúc sư người Pháp về xây dựng vào năm 1930.
Thời ấy, sắt thép khan hiếm, trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập từ Pháp về. Thép cây, thép dầm, xi măng được vận chuyển theo sông Hồng, rồi thuê thợ rèn đến làm hàng tháng trời.
Căn biệt thự 2 tầng này cho đến nay vẫn giữ nguyên vẹn chưa xáo trộn. Căn biệt thự có mái ngói, kết cấu sàn nhà là dầm gỗ, bộ cửa và bộ mái, ban công lan can sắt và cầu thang gỗ… là kiến trúc cổ điển Pháp.
Vào giai đoạn chiến tranh, bom đạn thả nhiều, sợ nhà sập nên ông nội của ông đã cho tháo mấy cánh cửa bằng gỗ lim mang xuống ao chôn sâu chống cháy. Sau này, trước lúc lâm chung ông cụ còn nhắc nhở con cháu lúc nào hòa bình thì mang cửa lên lắp lại nguyên trạng.
Phía trước nhà ông Tiệp còn có một chiếc sân nhỏ vẫn giữ nguyên gạch lát từ đầu và một cây cổ thụ bên lối ra vào. Ngôi nhà này cũng được nhiều khách du lịch và đoàn làm phim ghé thăm.
Theo người dân cho biết, vào những năm 1980, làng Nha Xá vẫn còn rất nhiều những ngôi biệt thự Pháp cổ, nhưng dần dần do những ngôi biệt thự này không được tu bổ, nâng cấp thường xuyên nên đã xuống cấp nghiêm trọng nên phải đập đi xây dựng nhà mới. Đến nay chỉ còn hơn 10 ngôi biệt thự Pháp cổ trong làng, nhưng những ngôi nhà này cũng đang bị xuống cấp, điều kiện một số gia đình không có nên không thể tu sửa lại.
Ông Tiệp, chủ nhân thừa kế ngôi biệt thự được xe to nhất vùng này cho biết: "Căn nhà này do ông nội tôi xây dựng, những năm chiến tranh ác liệt, ngôi nhà này phải tháo cửa gỗ bỏ xuống ao để tránh việc quân địch lấy cửa làm bot. Hiện nay căn nhà cũng đã xuống cấp, nhưng do điều kiện khó khăn nên tôi cũng chỉ tu sửa được một ít. Hoặc có một số đoàn làm phim về họ đóng rồi họ cũng tu sửa. Dù khó khăn mấy, nhưng bằng mọi giá tôi cũng sẽ giữ lại căn nhà này".
Tuy vẫn không còn được vẻ đẹp như khi ban đầu mới xây dựng, nhưng những ngôi biệt thự cổ này cũng là niềm tự hào của người dân Nha Xá về một thời kỳ vàng son thịnh vượng.