1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những nét Tết xưa vẫn còn lưu giữ

(Dân trí) - Trời se lạnh. Cây trái đâm chồi nảy lộc, phố phường thêm sắc màu với những cành mai, khóm cúc báo xuân sang. Nhịp sống, nhịp đời hối hả giữa thời buổi công nghệ thông tin, nhưng người miền Tây vẫn giữ được những thuần phong mỹ tục của ngày Tết cổ truyền.

Hương bánh ngày Xuân

Cố nhà văn Sơn Nam từng viết: "Bàn thờ là thể diện của chủ nhà ngày Tết. Tết mà nhà không thắp nhang, không trang hoàng trên bàn thờ thì chẳng còn gì là Tết". Mâm ngũ quả hay những chiếc bánh dâng cúng tổ tiên ngày Xuân thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và cũng không đơn thuần là món ăn mà còn là cái gì đó rất thiêng liêng kết nối quá khứ và hiện tại.

Ở miền Bắc, chiếc bánh chưng không thể thiếu trên mâm cúng ngày tết, thì ở miền Nam - đặc biệt là người dân ĐBSCL, bánh tét là loại bánh không thể thiếu. Người Nam Bộ dù khó khăn vất vả đến mấy, cuối năm vẫn gói 5 - 7 đòn bánh tét cúng giao thừa và dâng lên ông bà tổ tiên. Chiều cuối năm, nhà bà Sáu Trọng, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ - chủ nhân của thương hiệu nổi tiếng "bánh tét lá cẩm Cần Thơ" rộn ràng hẳn lên. Mới đến đầu ngõ, hương thơm từ nồi bánh tét lá cẩm bốc lên ngào ngạt. Tết Đinh Dậu này, bà Sáu Trọng đã 88 tuổi, vẫn đẹp lão và minh mẫn, đôi tay thoăn thoắt xào nếp, cuốn lá… cùng con cháu.

Ở miền Tây Nam bộ, thường thì ngày Tết người mẹ, người chị trong gia đình lo gói bánh vào ngày 28 và 29 tháng chạp để kịp có bánh rước ông, bà ngày 30. Gạo nếp gói bánh phải chuẩn bị cả tuần trước đó, lá chuối phải róc ra phơi sẵn cho héo, dây lạt phải tước từ thân chuối tươi. Nhân bánh có thể ngọt hoặc mặn tùy theo sở thích của mỗi gia đình. Ngày gói bánh, từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc để làm, người khéo tay nhất lo xào nếp, làm nhân, người còn lại lau lá, tước lạt, người thì chuẩn bị nồi nước to để nấu bánh.

Bánh gói xong đòn nào sẽ chuyền tay cho người canh giữ nồi nước. Khâu cuối cùng này rất quan trọng, nếu nước ít không sắp mặt bánh, nếp chín không đều coi như mẻ bánh hỏng và theo quan niệm dân gian thì năm mới nhà ấy lận đận, kém may mắn. Đòn nào đẹp, gói khéo sẽ dành biếu cha mẹ và cúng ông bà. Chuyện gói và nấu bánh tét của mỗi ngôi nhà ở Nam Bộ là sợi dây kết nối nhiều thế hệ trong mỗi gia đình. Những đêm nấu bánh tét bên bếp lửa hồng là khởi nguồn của những câu chuyện các bậc tiền bối “ôn cố tri tân” về gia đình, về truyền thống dân tộc cho thế hệ nối tiếp.

Những nét Tết xưa vẫn còn lưu giữ - 1

Bà Sáu Trọng tâm sự, trong nhà bà ngày nào cũng có bánh tét để bán và đãi khách, nhưng cứ đêm 30, sáng mùng 1 Tết, trong trang phục chỉnh tề, bà và các con cháu dâng mâm bánh tét lên bàn thờ gia tiên, lòng lại dâng trào cảm xúc thiêng liêng đến lạ. "Tết mà không có đòn bánh tét cúng ông bà thì thấy thiếu mất cái gì đó thiêng liêng!"- bà Sáu cười hiền rồi nói.

Ngoài chiếc bánh tét, ở Nam Bộ ngày Tết còn phải có đĩa bánh phồng cúng rước ông bà. Nhiều bậc cao niên kể lại, trước đây, bánh phồng chỉ có trong những ngày Tết và kèm với bánh tét để làm món quà biếu ý nghĩa trong ngày Tết.

Để làm ra chiếc bánh phồng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ ủ nếp, rửa sạch, để ráo, nấu thành xôi và đưa vào cối giã. Khi giã xong phải ngắt bột, cán bánh… Bánh phồng khi gặp lửa than đỏ thì nở phồng to, thơm lừng. Bánh ngon, đẹp đều nhờ vào sự khéo tay, tỉ mỉ của người phụ nữ trong gia đình. Vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dừa hoặc vị bùi của đậu và mùi thơm của lá chuối… Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị rất ngon, đặc sắc, giống như tính cách gần gũi, hào sảng của con người Nam Bộ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, bánh trong ngày Tết là "bánh thiêng". Trong đó, thiêng nhất và tiêu biểu nhất là bánh tét - một loại bánh mà người Nam Bộ quý trọng. Loại bánh thiêng ngày Tết này còn mang tính nhân văn sâu sắc: Dù giàu hay nghèo thì bàn thờ ông bà 3 ngày Tết phải có đòn bánh tét. Các loại khác dẫu đắt tiền, nếu có, cũng chỉ là phụ.

Nét chữ ngày xuân

Từ bao đời, tục xin chữ và cho chữ là một nét đẹp, là dấu hiệu của niềm tin, là món quà mang ý nghĩa xã hội. Đó cũng là một minh chứng về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Cùng với vạn vật hòa vào sắc xuân của trời đất thì những nét chữ “như phượng múa rồng bay” vào câu chúc Tết để đón chào năm mới, cũng là món quà tinh thần để biểu thị cho những ước vọng ngày xuân. Vì vậy, phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc nói chung và của người dân ĐBSCL nói riêng.

Ca dao từng có câu: “Chẳng ham ruộng cả, ao liền/ Chỉ ham cái bút, cái nghiên ông đồ”. Vì thế, ở TP Cần Thơ, tục lệ này vẫn được tôn vinh, duy trì và phát triển với hàng chục điểm dọc theo các tuyến phố, trường học... Hàng năm, từ ngày 16 tháng chạp các thầy đồ ở nhiều độ tuổi đã tụ hội về “Phố Ông đồ” trước Bảo tàng TP Cần Thơ để cho chữ khách tham quan.

Những nét Tết xưa vẫn còn lưu giữ - 2

Cầm trên tay chữ “Tâm” chưa ráo mực ở “Phố Ông Đồ”, chị Phan Minh Hạnh ở Bình Thủy, Cần Thơ vui mừng nói: “Mấy năm nay khi có phố ông đồ, Tết nào cũng vậy, dù bận bịu bao nhiêu cũng phải ghé đây để xin chữ. Tôi từng nhớ như in, Truyện Kiều của Nguyễn Du từng có câu: “Thiện căn ở tại lòng ta/Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài” nên năm nay tôi quyết xin chữ “Tâm” bởi khi nhắc đến “Tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, tội lỗi”.

Theo quan niệm xưa, mỗi bức thư pháp còn thể hiện tâm - ý - khí - lực của người viết. Chị Danh Thị Hồng Đào, có hơn 5 năm viết thư pháp khắp phố phường Cần Thơ ngày Tết, nói: “Viết chữ Tâm, Nhân, Nghĩa... mà tấm lòng trống rỗng thì chữ vô nghĩa lắm. Chỉ riêng cách trao chữ cũng phải học: Đứng dậy, trao hai tay cúi đầu là điều người viết thư pháp phải học. Đó là cái đạo của người “chơi chữ”!”.

Rộn ràng Lân – Sư – Rồng

Múa lân – sư – rồng tồn tại hàng trăm năm qua đang được người dân phương Nam gìn giữ, phát huy với ước nguyện về bình an, may mắn. Ở Cần Thơ, từ sau 23 tháng chạp, những đoàn lân rực rỡ sắc màu, với tiếng trống lân rộn ràng khắp phố phường, báo hiệu mùa mới đang đến với mọi nhà.

Trong màn trình diễn múa lân, sư, rồng, ở Nam Bộ không thể thiếu ông Địa, một người bụng phệ, mặc áo dài đen, tay cầm quạt giấy to phe phẩy, mang mặt nạ ông địa đầu hói tròn cười toe toét. Ông Địa được cho là hiện thân của Đức Di Lặc, một vị Phật lúc nào cũng tươi vui hiền lành.

Những nét Tết xưa vẫn còn lưu giữ - 3

Truyền thuyết kể rằng Đức Di Lặc đã hóa thân thành người và chế ngự được một quái vật (con lân) từ dưới biển lên bờ phá hoại. Đức Di Lặc lấy cỏ linh chi trên núi cho quái vật ăn và hàng phục được nó, biến nó thành con thú ăn thực vật. Từ đó, mỗi năm ông Địa lại dẫn nó xuống núi chúc Tết mọi người, chứng tỏ quái thú đã thành thú lành, cái ác trở thành cái thiện. Ông Địa và ông Lân đi đến đâu là giáng phúc tới đó nên nhà nào cũng hoan hỉ treo rau xanh và giấy đỏ để đón chào, từ đó, tục múa lân ngày Tết ra đời.

Theo tập tục, một đoàn lân trình diễn ngoài Lân - Địa, còn có đội đánh trống, chập chã, chiêng… Mỗi khi lân ra khỏi nhà, dù đi bằng phương tiện gì thì cũng phải khai trống, khua chiêng để "mở đường". Anh Thông một người múa lân chuyên nghiệp ở Cần Thơ, cho biết, mỗi dịp Tết, anh đều cúng Tổ vào những ngày 29, 30 hoặc mùng 1 Tết, rồi tự múa trước bàn thờ Tổ với quan niệm lân vào nhà là mang điều may mắn, tài lộc, xua đi bao rủi ro, phiền muộn của gia chủ.

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất của những nhánh sông rạch đan xen, sau 6 tháng mùa khô đất ruộng nứt nẻ chờ mưa là mấy tháng nước ngập tràn đồng. Cuộc đời của nhiều con người ở vùng đất này đã gắn bó thân thiết với những tuần trăng, con nước. Tết nguyên đán lại về, thêm một lần chịu tuổi và cuộc sống có nhiều thứ đổi thay nhưng vẫn còn những nét văn hóa xưa được con cháu đời nay lưu giữ và trân quý.

Phạm Tâm