1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những “món nợ” chưa trả được dân

(Dân trí) - Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội tại phiên chất vấn chiều 10/6, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị.

Những “món nợ” chưa trả được dân

Giấc mơ tàu lớn để vươn khơi của ngư dân và giấc mơ trồng lúa lãi 30% của nông dân vẫn là bài toán phải giải trong tương lai.

Ngư dân được vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm

Một vấn đề được tập trung thể hiện là về việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân. Đến nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ tại Quảng Ngãi; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, với mức lãi suất cho vay thấp nhất theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đã quyết định dành khoản ngân sách 16.000 tỷ đồng để hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư. Nhà nước cũng bố trí nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền, trong đó có tàu vỏ thép có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, với lãi suất 3-5%/năm; trong đó ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới được vay tối đa 90% tổng số vốn, thời hạn vay 10 năm; đóng tàu vỏ gỗ, với mức cho vay 70% tổng giá trị vốn đầu tư.

Ngư dân sử dụng tàu khai thác được cấp vốn lưu động tối thiểu 200 triệu đồng/năm và 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần cho đánh bắt xa bờ. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã công bố gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho ngư dân vay với lãi xuất thấp để đóng tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành có liên quan đã nghiên cứu, trình Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ đóng tàu mới, công suất lớn và trang bị hiện đại, giúp ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bộ NN-PTNT cũng đã xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ ngư dân phát triển mô hình tổ chức sản xuất trên biển theo mô hình tổ, đội đoàn kết để gửi xin ý kiến các bộ, ngành, các địa phương.

Qua thực tế giải quyết kiến nghị của cử tri, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ, ngành tiếp tục quan tâm, có giải pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất và đời sống của ngư dân vùng biển đảo. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng biển, đảo, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Giấc mơ trồng lúa lãi 30% vẫn là… mơ

Về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri để giải quyết khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người nông dân sản xuất có lãi trên 30%, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, các chính sách đã ban hành và triển khai thực hiện trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng và phát triển sản xuất nông nghiệp.

Qua giám sát, kết quả cho thấy, hàng năm Việt Nam sản xuất được khoảng 44 triệu tấn thóc, trong đó 1 triệu tấn làm giống, 20 triệu tấn làm lương thực cho người, 1 triệu tấn dự trữ và 15 triệu tấn thóc để xuất khẩu.

Trong năm 2013, cả nước đã gieo trồng được 7,9 triệu ha lúa, năng suất trung bình đạt 55,8 tạ/ha, với tổng sản lượng lúa thu được là 44,05 triệu tấn. Về diện tích gieo trồng và sản lượng lúa tăng hơn so với năm 2012, nhưng năng suất lại giảm hơn so với năm trước.

Canh tác manh mún, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn còn phải nhập khẩu với tỷ lệ lớn, khoảng 65% phân đạm, 35% phân lân và 100% phân kali, giá cả tăng cao, nên người dân còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Năm 2013 thu nhập bình quân của người dân nông thôn tại một số địa phương ước đạt 19,97 triệu đồng, gấp 2,18 lần so với mức 9,2 triệu đồng năm 2008 (loại trừ yếu tố trượt giá thì thu nhập của người dân nông thôn năm 2013 tăng 36% so với năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 6,4%).

Tuy nhiên, việc bảo đảm cho người nông dân sản xuất lúa có lãi mới chỉ đạt được ở một số địa phương và không đồng đều giữa các địa phương khác nhau.

Theo số liệu tổng hợp của 21 tỉnh thành cho thấy, có tới trên 42% số địa phương người nông dân sản xuất lúa có lãi dưới 30%, có địa phương chỉ lãi trên 10% và cũng còn địa phương người nông dân sản xuất lúa chưa có lãi.

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng việc tổ chức sản xuất lúa gạo vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu theo hộ gia đình, mà chưa có sự liên kết, chưa có cánh đồng lớn, nhất là tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Vì vậy, việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất còn rất hạn chế; nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và các loại vật tư nông nghiệp khác vẫn còn nhập khẩu nhiều; tình trạng tổn thất sau thu hoạch vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn dẫn tới giá thành sản xuất lúa cao, nên đời sống người nông dân sản xuất lúa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để “giấc mơ” lãi 30% từ sản xuất lúa không còn quá xa, đoàn giám sát đã nêu nhiều kiến nghị. Trong đó có việc nghiên cứu thành lập quỹ bình ổn giá nông, thủy sản nói chung và giá lúa gạo nói riêng. Đồng thời thực hiện trợ giá khi thị trường có biến động xấu, hoặc hỗ trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua dự trữ sản phẩm nông, thủy sản để tiêu thụ sản phẩm của nông dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các rủi ro gây ra.

P.Thảo