ĐBSCL:

Những làng than đang "than thở"

(Dân trí) - Nhiều năm qua, các làng than ở Sóc Trăng, Hậu Giang phát triển khá mạnh, giải quyết lượng lớn công ăn việc làm cho lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Tuy nhiên nó cũng kéo theo nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, thiệt hại sản xuất…

Lợi đi kèm với hại!

Theo thống kê năm 2014 của UBND huyện Kế Sách (Sóc Trăng), làng nghề hầm than xã Xuân Hòa hiện có 939 lò hầm than của hơn 400 hộ dân, sản lượng than mỗi năm đạt khoảng 40.000 tấn, doanh thu khoảng 300 tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động của địa phương.

Bấy lâu nay nghề làm than đang giải quyết một lượng công ăn việc làm cho người dân
Bấy lâu nay nghề làm than đang giải quyết một lượng công ăn việc làm cho người dân

Than thành phẩm ở làng nghề này không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhờ ăn nên làm ra mà số lượng lò than ở đây tiếp tục tăng về số lượng.

Còn ở Hậu Giang, thống kê hiện có khoảng 900 lò hầm than củi phân bố ở các xã Phú Tân (huyện Châu Thành), Tân Thành và Đại Thành (TX Ngã Bảy). Xã Phú Tân, là nơi tập trung nhiều lò hầm than củi nhất của tỉnh Hậu Giang, với khoảng 635 lò đang hoạt động, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300 lao động của xã và khoảng 1.000 lao động ở các địa phương khác, với thu nhập bình quân mỗi tháng hơn 4 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Phú Tân, huyện Châu Thành Trần Hoàng Vũ lo lắng: “Những năm qua, người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng than ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Tỉnh, huyện, xã đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền các hộ dân làm than ở đây không xây thêm lò mới, nhưng năm 2014 ở xã Phú Tân vẫn phát sinh thêm 35 lò hầm than được xây mới. Tuy nhiên những đóng góp của làng than cho địa phương là không nhỏ”.

Bên cạnh những mặt lợi đó thì làng nghề hầm than lại là nơi gây ô nhiễm môi trường khói bụi, ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng ngàn hộ dân, thiệt hại không nhỏ đến sản xuất. Xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách có khoảng 3.200ha diện tích cây ăn trái với các loại như cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt, xoài bị giảm 50% năng suất so với nơi trồng khác.

 Anh Nguyễn Văn Gẩm, chủ nhà vườn trồng bưởi ở xã Phú Tân, than thở: "Gia đình có khoảng 7.000 m2 trồng bưởi ở gần 2 lò than, nhiều năm bị khói bụi bám đen thân cây và lá, ảnh hưởng đến việc hô hấp, hấp thụ của cây nên các vụ bưởi đều thất thu. Tôi tính đốn bỏ bưởi để trồng loại cây khác xem có đỡ được không…".

Thay không dễ, để không xong

Theo ghi nhận của chúng tôi, số lượng các lò hầm than có chiều hướng gia tăng. Điều này bên cạnh việc chứng tỏ làng nghề phát triển ăn nên làm ra, cũng khiến cho chính quyền địa phương lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường càng nặng nề…

Bấy lâu nay nghề làm than đang giải quyết một lượng công ăn việc làm cho người dân
Mặc dù nghề làm than đem lại công ăn việc làm, lợi nhuận cho người dân nhưng cũng kéo theo nhiều hệ lụy

Ông Trần Văn Mười Một, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Phú Tân cho biết, toàn xã có trên 400 lò hầm than củi, tập trung dọc hai bên các sông Cái Côn, sông Hậu, Cây Dương, Ngã Tư. Huyện đã chỉ đạo không cho xây thêm lò mới nhưng một số người vẫn lén xây thêm lò nên lò than mọc lên ngày càng nhiều. Khói bụi ở các lò hầm than ảnh hưởng xa tới cả km. Người dân đã phản ánh tình trạng này với chính quyền gần 10 năm nay, nhiều khi gửi đơn lên tới cấp tỉnh nhưng vẫn chưa giải quyết được.

Vì nhiều năm qua, làng than không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người sản xuất, còn giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương và cho thu nhập khá cao. Mỗi lò than cần trên dưới 10 lao động, từ khâu khuân vác củi, than thành phẩm, chất củi vào lò, lấy than ra lò… Trung bình, mỗi ngày công người lao động thu về từ 200.000 -300.000 đồng. Việc làm cũng thường xuyên nên nhiều hộ có thể sống được với nghề làm thuê ở các lò than.

Tuy nhiên vấn đề bức xúc nhất khiến cho chính quyền địa phương đau đầu cần sớm giải quyết đối với các lò hầm than là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hậu Giang cũng đã tính tới chuyện hỗ trợ người dân lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Về kinh phí thực hiện tỉnh sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ 70% chi phí lắp đặt, 30% còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Chi phí lắp đặt mỗi hệ thống xử lý dùng cho 1 lò than trung bình khoảng 90 triệu đồng/lò, như vậy phải bỏ ra số tiền hơn 33 triệu đồng/lò để lắp đặt hệ thống xử lý khí thải. Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành cũng cảm thấy khó khăn trong việc vận động người dân đầu tư công nghệ mới. Việc vận động luôn gặp khó khăn, bà con đang ngán ngại việc bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện lắp đặt hệ thống xử lý. Còn nếu quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi công nghệ xử lý khói thải, thì các ngành chức năng phải hỗ trợ quyết liệt để người dân tiếp cận vốn vay chuyển đổi.

Phạm Tâm