Những “kỵ sỹ chân đất” vùng cao đua tài
(Dân trí) - Hàng ngàn đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Bắc và du khách xa gần đã nô nức kéo nhau lên thị trấn du lịch Bắc Hà xem các kỵ sỹ chân đất tranh tài trong giải đua ngựa truyền thống mở rộng năm 2012 do UBND huyện Bắc Hà tổ chức.
Giải thi đấu năm nay có 66 vận động viên vốn là nông dân thuần chất được bà con địa phương vui gọi là “kỵ sỹ chân đất” của các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai ( tỉnh Lào Cai ) và huyện Xín Mần ( tỉnh Hà Giang) cùng những chú ngựa đua tốt nhất của gia đình mình được chọn tranh tài từ 100 hồ sơ đăng ký dự thi có đủ điều kiện.
Với thể thức đấu loại trực tiếp của mỗi lượt đua có 4 con ngựa cùng tranh tài trên chặng đua có cự ly 2.000 mét để chọn lấy con ngựa về nhất và con ngựa về nhì để vào vòng thi bán kết.
Sau 16 lượt đua của vòng đấu loại trực tiếp của ngày thi đấu đầu tiên đã có 32 con ngựa cùng các “kỵ sỹ chân đất” của mình đã được chọn vào thi đấu vòng bán kết và đi tiếp vào vòng chung kết tổ chức vào sáng ngày 10/6.
Những người tới xem cuộc đua đã khâm phục tinh thần thi đấu kiên cường, dũng cảm của các "kỵ sỹ chân đất" cùng các con kỵ mã thân thiết của mình trên đường đua qua các vòng đấu loại làm cho khán giả nhiều phen thót tim vì những chặng đua đầy gay cấn
Kết thúc giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2012 , Ban tổ chức đã trao giải nhất cho "kỵ sỹ chân đất" - vận động viên Vàng Văn Huỳnh ( xã Na Hối, huyện Bắc Hà) Cúp vô địch và tiền thưởng 20 triệu đồng, giải nhì cho "kỵ sỹ chân đất" - vận động viên Sùng Seo Dùng( xã Na Hối, huyện Bắc Hà) tiền thưởng 10 triệu đồng đồng, giải ba cho "kỵ sỹ chân đất" - vận động viên Vàng Văn Quyết (xã Na Hối, huyện Bắc Hà) tiền thưởng 7 triệu đồng, giải tư cho "kỵ sỹ chân đất"- vận động viên Vàng Văn Thức (xã Tả Chải, huyện Bắc Hà) tiền thưởng 3 triệu đồng . Đồng thời Ban tổ chức cũng trao các giải nhất cho đoàn xã Na Hối (huyện Bắc Hà), giả nhì cho đoàn xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà ), giải ba cho đoàn huyện Si Ma Cai.
Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng đã được khôi phục và bảo tồn, phát triển liên tục trong 6 năm qua và đã trở thành một hoạt động văn hóa – thể thao độc đáo, hấp dẫn đồng bào các dân tộc địa phương cùng du khách trong và ngoài nước khi tới thăm vùng núi Tây Bắc.
Bài và ảnh: Phạm Ngọc Bằng