1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những kiểu "hành bệnh" của nhân viên y tế

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi có chuyện phải vào bệnh viện (BV), phần lớn người ta rất ngại. Ngại vì ở đó, nơi mà người bệnh phải trả tiền cho những dịch vụ mình mua, nhưng lại nhận được một cung cách phục vụ từ y, bác sĩ rất... tệ.

Quát nạt, ăn nói cụt lủn...

Anh Ng. là "sếp" của một cơ quan tại TPHCM đích thân dẫn mẹ của mình vào khám bệnh tại BV C.T.C.H. Một vòng qua các khâu, anh Ng. rất giận, nói: "Thương người bệnh quá, họ từ dưới quê lên không hiểu biết gì nhiều, vậy mà bị quát nạt la lối thật tội nghiệp. Kiểu phục vụ gì kỳ cục vậy?".

Ngày 3/8, tại BV B.D (TPHCM), bởi kiểu ăn nói cụt lủn, tiết kiệm lời của nhân viên y tế, khiến một chị ngoài 40 tuổi cứ chạy tới chạy lui. Chị phát cáu với nhân viên thu viện phí: "Mệt quá! Sao không nói... m. đi". Bực tức, trở lại phòng Chẩn đoán niệu động học chị hỏi đi hỏi lại cô y tá nhiều lần: "Khám rồi mới nộp tiền hở cô?". Cô y tá trả lời cụt lủn và gõ gõ lên cửa (ý bảo đọc hướng dẫn). Chúng tôi nhìn lên bảng chẳng có hướng dẫn điều mà người bệnh muốn hỏi, chỉ có lời dặn: "Khi nào bệnh nhân mắc tiểu thì mới đo được..."!

Còn nhân viên X.H ở quầy thu phiếu bệnh nặng (cũng BV B.D) hôm ấy như thiếu ngủ. Nhiều người đến hỏi đều tỏ ra e dè, anh H. chỉ nói những câu cực ngắn như: Cái gì? Ăn chưa? Phiếu đâu? Thỉnh thoảng còn cáu gắt: "Lấy phiếu lại đây nộp. Không có hỏi gì hết"! "Mình lớn tuổi, đáng cha chú, mà cũng bị lớp trẻ (nhân viên y tế tại BV) quát nạt, la lối. Tức không chứ, khám, làm xét nghiệm trả tiền chứ có xin đâu?!" - bác T.V.H làu bàu sau khi khám bệnh ở BV C.R ra.

Tại BV N.D (ở Q.10), một bác lớn tuổi đến khám, thân già một mình cứ phải chạy ra chạy vô mà vẫn chưa giải quyết được việc. Bực quá, bác chạy ra phàn nàn với cô nhân viên V.T.L: "Sao cô bảo tôi vào trong hỏi, họ lại chỉ tôi ra đây? Tôi mới vô đây khám lần đầu, cô phải hướng dẫn rõ cho tôi biết chứ. Sao cứ bắt tôi chạy vô chạy ra hoài vậy?"!

Chúng tôi đến BV T.V trong vai tìm người thân nằm viện, 6 y, bác sĩ ngồi ở phòng hành chính vẻ thờ ơ khi chúng tôi hỏi, một người lên giọng: "Đây là khoa Sản, có sinh đẻ gì không?". "Dạ không, chúng tôi tìm khoa Cấp cứu ạ". "Đã bảo là khoa Sản, đi ra mà hỏi bảo vệ" - một cô cáu!

Mới đây anh Lê Trung (ở TPHCM) đưa con đến khám tại một cơ sở y tế công ở Q.Phú Nhuận. Theo quy định, con anh được hưởng miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Anh có mang theo chiếc thẻ khám bệnh miễn phí, nhưng cô nhân viên tại đây cứ khẳng định như đinh đóng cột: "Phải có giấy khai sinh mới được miễn phí, vì ở đây quy định vậy!", khiến anh Trung phải quay về nhà lấy! Hôm ấy, một chị ở Đồng Nai cũng tương tự như anh Trung, đành móc tiền túi, vì quay về quá xa! Trong khi không có quy định nào như cô nhân viên ấy khẳng định cả!

Thờ ơ trước sự lo lắng của người bệnh

Tại TPHCM hiện đã có đến 25 BV tư bên cạnh 28 BV công. Sự cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhảy vào đầu tư ở lĩnh vực y tế. Tới đây không chỉ cạnh tranh giữa các BV tư với nhau, mà còn cạnh tranh giữa BV công và BV tư. Thấy được điều đó, một số nơi ngay cả BV công, vẫn lo nguồn bệnh sẽ "chảy" sang BV tư, nên họ bắt đầu chú tâm vào cung cách, thái độ phục vụ (là thế mạnh của BV tư). BV Chợ Rẫy vừa bỏ ra 100 triệu đồng để mời các chuyên gia tâm lý trong và ngoài nước đến bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho y, bác sĩ của BV.

Người bệnh và người thân của họ luôn trong tâm trạng lo lắng mỗi khi vào BV, nhất là những tình huống cấp cứu. Thế nhưng, sự "đủng đỉnh" của bác sĩ khiến người bệnh càng thêm sốt ruột. Tại BV N.T.P, một phụ nữ cứ thấp thỏm ngó vào trong phòng - nơi có bác sĩ và hai cô y tá đang ngồi nói chuyện với nhau. Chúng tôi hỏi: "Sao chị không đưa sổ vào?". "Đưa lâu rồi nhưng mấy ổng bả cứ ngồi nói chuyện, thảnh thơi quá, tôi nôn nóng, nhưng ngại hỏi sợ bị rầy" - chị đáp.

Bên ngoài phòng Tiểu phẫu (BV S.G), một thanh niên giọng đầy bức xúc: "Họ làm ăn vậy đó! Bạn tôi bị cây sắt đâm vào tay mà cứ nằm chờ... bác sĩ. Nó thì đau mà họ cứ cà rề, ông bác sĩ còn lo nói chuyện điện thoại, cười đùa nữa chứ"!

Một cảnh khác, làm rõ nét hơn sự thờ ơ của y, bác sĩ trước nỗi lo của người bệnh: BV N.Đ (ở Q.10) lúc giữa trưa bỗng trở nên ồn ã, một phụ nữ tay xốc đứa bé vừa chạy vừa hốt hoảng kêu người thân: "Anh ơi con bị làm sao này?". Vào đến phòng Cấp cứu, mọi thứ lại yên lặng. Trong khi người mẹ nước mắt ngắn dài lo sợ cho sức khỏe của con, thì các bác sĩ rất... từ từ. Đo nhiệt độ xong, họ để đứa bé nằm đấy. Mẹ bé cứ chườm hết khăn này đến khăn khác lên mình con.

Ông bố sốt ruột hỏi: "Sao cháu vẫn nóng vậy cô?". Cô điều dưỡng chỉ chỉ tay, như bảo rằng: "Cứ chườm nữa đi". Một lúc sau bác sĩ trực bước ra, ngó ngó và hỏi vài câu (chứ không buồn sờ vào người đứa bé). Một người thân của bệnh nhi khác cạnh bên nói: "Bây giờ nhiều bác sĩ có cách khám bệnh "tài tử " như vậy đó...!". Đứa bé thỉnh thoảng trở mình, khóc thét, hai vợ chồng cứ loay hoay bên đứa con, vẻ đầy lo lắng. Cạnh đó, các cô điều dưỡng và hộ lý chụm lại nghe nhạc chuông điện thoại rất vui vẻ...!

Vẫn hiểu rằng y, bác sĩ cũng là con người, cũng không tránh khỏi những căng thẳng đời thường, nhưng qua những "trích đoạn" mà chúng tôi ghi nhận được thì rõ ràng ngành y tế phải xem lại lực lượng nhân sự do mình quản lý. Nếu như các y, bác sĩ đều làm tốt khẩu hiệu (được treo ở khắp nơi trong BV): "Đến đón tiếp niềm nở. Ở chăm sóc tận tình. Về dặn dò chu đáo", thì người bệnh sẽ có được niềm vui rất lớn, cũng như nhẹ nhõm hơn với bệnh tật của mình.

Theo Thanh Tùng - Thuỳ Linh
Thanh Niên