Thừa Thiên - Huế:
Những khu “biệt phủ” của người chết
(Dân trí) - Đất nghĩa địa nhiều hơn đất giao thông - thủy lợi, những “thành phố người âm” tiền tỷ và những ngôi mộ đang dần “xâm lấn” đất nông nghiệp - đó là thực trạng đang tồn tại ở mảnh đất Cố đô.
Người chết “lấn” người sống!
Theo thống kê các loại đất toàn tỉnh đầu năm 2008, đất nghĩa trang - nghĩa địa chiếm tới hơn 8.200 ha (1,62%) trong tổng số 506.527 ha diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích này tương đương tổng diện tích đất giao thông (gần 5.900 ha), đất thủy lợi (hơn 3.600 ha) cộng lại và bằng 15,7% đất nông nghiệp!
Đặt trong mối tương quan với đất nông nghiệp ở các địa phương, diện tích đất dành cho người chết chiếm tỷ lệ khá “khủng khiếp”: đất nghĩa trang, nghĩa địa của TP Huế tương đương 25% diện tích đất nông nghiệp, ở Phong Điền là 14,9%. Ở một số xã thuộc huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, đất nghĩa trang chiếm tới 1/3 tổng diện tích tự nhiên và 70% đất nông nghiệp.
Con số này gấp… 80 lần diện tích nghĩa trang chính thức có quy hoạch: toàn tỉnh chỉ có 4 nghĩa trang với diện tích khoảng 100 ha, bao gồm: nghĩa trang phía Nam, phía Bắc TP Huế, nghĩa trang Tam Thai, và nghĩa trang Trường Đồng ở thị trấn Lăng Cô.
Thực tế, tình trạng lãng phí tài nguyên đất cho việc xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa đang là vấn đề nhức nhối của tỉnh Thừa Thiê - Huế. Tình trạng xây dựng các khu lăng mộ quy mô lớn của dòng họ, hay mai táng, xây mộ ngay giữa khu dân cư, trên ruộng… vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Ở xã Phú Mỹ (Phú Vang), lăng mộ được xây tràn lan từ vườn nhà, trên đồng đến ven đường một cách tùy tiện, khiến người sống dần “lép vế” trước người chết.
Mới đây nhất, người dân xã Vĩnh An (Phú Vang) xôn xao nhắc đến một ngôi mộ chiếm diện tích tới gần 600 m2. Nhưng ngôi mộ này chưa là gì khi đem so với “tòa” lăng xây trên diện tích 2.000 m2, được thiết kế cầu kỳ đủ long - ly quy - phụng ở xã này. Để có được công trình “để đời” này, khổ chủ đã phải bỏ ra hơn 2 tỷ đồng, số tiền đủ để xây cả trăm ngôi nhà tình nghĩa.
Ý thức được việc lạm dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa sẽ gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường cũng như nguồn nước sinh hoạt nhưng chính quyền các địa phương cũng “bó tay” phần vì không có chế tài, phần vì việc xây lăng, mộ “hoành tráng” cho người chết đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nên việc tuyên truyền ít phát huy hiệu quả.
Theo một lãnh đạo xã Phú Mỹ, phong trào xây lăng mộ sầm uất bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, người giàu cũng như người nghèo đều đua nhau xây nhằm báo hiếu với tổ tiên đã khuất!
Gấp rút xây lăng, mộ để “chạy” quy hoạch
Để ngăn chặn tình trạng nghĩa trang, nghĩa địa “xâm thực” đất nông nghiệp, ngày 29/7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định 1700/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa địa, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh này đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Theo quyết định này, diện tích một ngôi mộ hung tang (phần mộ cho người mới chết) không quá 5m2, còn mộ cải tang tối đa 3m2/mộ. Việc xây dựng nghĩa trang phải tuân thủ các quy định quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, khi phê duyệt các dự án này cơ quan có thẩm quyền đồng thời quy hoạch nghĩa địa, nghĩa trang.
Người dân đổ xô đi xây lăng sau quyết định của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, quyết định đã ban hành được 1 tuần nhưng người dân các huyện Phú Vang, Hương Thủy, Phong Điền… vẫn “vô tư” xây mới hoặc gấp rút hoàn thành các khu lăng mộ xây dở trong sự lúng túng của chính quyền.
Ở xã Phú Mỹ, sau khi nghe “phong thanh” về quyết định của tỉnh, người dân không ai bảo ai đã ồ ạt đi xây những khu mộ vượt quá diện tích quy định tới hàng chục lần. Trao đổi với báo giới, ông Thái Trĩ - Chủ tịch UBND xã - cho biết: do quyết định của UBND tỉnh chưa về tới địa phương nên không thể áp dụng chế tài để can thiệp.
Còn ở xã Phú Xuân, mặc dù quyết định của tỉnh đã được UBND xã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, người dân vẫn “nô nức” đi xây “lâu đài” cho người quá cố, thậm chí còn đông hơn bình thường. Theo ông Võ Văn Cho - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân: chỉ mấy ngày sau khi có quyết định của tỉnh, trên địa bàn xã đã có thêm gần 100 ngôi mộ được xây mới hết sức bề thế, chiều cao từ 10- 20m, diện tích từ 20 đến cả trăm m2/mộ.
Ở một số xã khác của huyện Phú Vang, Phong Điền… tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến trong khi chính quyền địa phương chỉ có một biện pháp duy nhất là thông báo, tuyên truyền người dân qua loa truyền thanh.
Được biết, sắp tới chính quyền các xã sẽ tổ chức họp dân, thông báo về quyết định mới và lấy đó làm căn cứ xử lý các tình trạng vi phạm. “Chứ không cứ đà này khoảng mươi năm nữa người sống cũng chẳng còn đất ở, nói gì đến chôn người chết”, ông Trĩ cho hay.
Bài và ảnh: Hồng Kỹ