1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “khoảng trống” trên đường phố và trong tâm hồn người Hà Nội

(Dân trí) - Nếu 6.700 cây đã tồn tại hàng chục năm bị chặt hạ để thay thế vào đó những cây non “phù hợp với cảnh quan phố phường” thì Hà Nội ta sẽ thêm những khoảng trống ghê gớm trên đường phố và trong tâm hồn người Hà Nội…

Chuẩn bị đón Tết Canh Tý 1960 vào ngày 28/11/1959, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân phát động tết trồng cây “để cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ đó đến nay đã 56 mùa xuân qua, tết trồng cây trở thành một phong tục độc đáo, duy nhất của Việt Nam so với hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Không chỉ phát động mà bản thân Hồ Chủ tịch cũng là một người ưa thích trồng cây. Trong vườn Phủ Chủ tịch, hàng loạt cây dừa, vú sữa đến nay vẫn đơm hoa kết trái. Những cây đa ở Đông Anh, ở Vật Cách (Ba Vì) và nhất là cây đa ở Công viên Thống Nhất đã trở thành những cây đa đẹp ở Hà Nội.

Rõ ràng với lời kêu gọi và hành động xung quanh việc trồng cây, không chỉ biểu hiện tình yêu thiên nhiên mà còn biểu hiện tầm nhìn xa trông rộng của Bác Hồ trong sự phát triển đô thị nước ta.

Năm 1992, hội nghị tại Rio de Janeiro (Braxin) đã ra một quyết định khẳng định: Để cân bằng sinh thái cho con người, khi lấy 100 mét vuông đất để làm nhà dứt khoát phải trồng xung quanh nhà 100 mét vuông cây xanh. Đáng buồn thay, quyết định này chẳng những rất ít quốc gia thực hiện mà trong quá trình phát triển, nhiều quốc gia - nhất là các quốc gia chậm và đang phát triển - đã xâm phạm một cách thô bạo vào thiên nhiên.

Năm 2006, bảo tàng Quai Braly (Pháp) đã trưng bày chủ đề “Kiến trúc xanh và hệ số sinh cảnh”, đưa ra thông điệp bình quân tỉ lệ cây xanh trên một đầu người ở một số Thủ đô, ngay cả của các nước tiên tiến, quá ít. Amxtecđam (Hà Lan) có 36m2/đầu người; Luân Đôn (Anh) 45m2; Bruxen (Bỉ) 59m2… Paris của Pháp lại càng tồi tệ hơn khi vào năm 2007, tỉ lệ này chỉ dừng ở mức 5.8m2. Những năm gần đây, tỉ lệ này ở một số nước đã tăng lên như ở Mátxcơva (Nga) là 44m2, Paris tăng vọt lên đến xấp xỉ 40m2…

Còn ở ta, chỉ căn cứ vào hai thành phố lớn thì trong khi số lượng xây nhà, xây công trình ở các đô thị mới tăng vòn vọt với bê tông và nhựa hoá; việc phá bỏ, xâm phạm cây xanh cũng đang ở mức báo động. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ cây xanh trên một đầu người toàn thành phố là 13,74 m2; trong đó ngoại thành có tỷ lệ đáng mừng là gần 473m2, nội thành chỉ 1,90m2. Còn Hà Nội tỷ lệ này dừng ở con số 2m2 từ hàng chục năm nay.

Hàng cây không hắt bóng trên các tuyến phố Hà Nội

Hàng cây rợp bóng mát trên đường phố Hà Nội bị chặt hạ, thay vào đó là những cây trơ trụi, không cành lá. (Ảnh: Quang Phong)

Cây xanh trong thành phố không chỉ tạo ra màu xanh, cảnh quan thiên nhiên mà còn có giá trị cân bằng sinh thái, triệt giảm sự ô nhiễm của không khí (50% bụi, phóng xạ, khí độc sẽ được cây hấp thụ nếu tỉ lệ cây cân bằng với số người sinh sống). Vì có tỷ lệ cây xanh ít như vậy nên vào năm 2013, khảo sát sự ô nhiễm không khí ở Thủ đô đã cho kết quả đáng sợ: Cả năm đó Hà Nội có 277 ngày chất lượng không khí kém; 1 ngày chất lượng không khí nguy hại có thể gây ra các bệnh nan y.

Vậy nhưng tình trạng xâm phạm cây xanh bằng nhiều hình thức từ ngang nhiên chặt hạ đến ngấm ngầm tiêu diệt ngày càng phổ biến mà dường như không bị xử lý. Mỗi năm hàng trăm cây gỗ quý bị chặt hạ. Hàng trăm kiểu “bức tử” cây, từ khoan lỗ, rắc muối, rắc a xít vào gốc cây… đến vô tình giết cây như đóng đinh, cuốn dây điện quảng cáo… luôn luôn diễn ra.

Như việc người dân làm chết dần chết mòn cây xà cừ trên phố Lý Nam Đế; hàng loạt cây trên đường đê La Thành bị tiêu diệt dần bằng bóc vỏ, đóng đinh, đốt gốc… Năm 2013, dân khu đô thị Định Công mới (Hoàng Mai) bất bình khi một doanh nghiệp ngang nhiên chặt trụi hàng phượng vĩ đang trổ hoa. 3 cây xà cừ cổ thụ chết khô đồng loạt trước cửa một câu lạc bộ bi a trên phố Phó Đức Chính mà cán bộ phường chỉ trả lời đơn giản là “không biết nguyên nhân”…

Thời sự nóng hổi nhất là kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố của Hà Nội. Không thể tin khi có những cây cổ thụ, những cây xanh đã tồn tại hàng chục năm bị cưa đổ hàng loạt trước sự tiếc nuối bất lực của người dân.

Là một người Hà Nội đã sống gần 70 năm giữa Thủ đô, tôi tin những hàng cây xanh dọc các đường phố đã được người Pháp nghiên cứu rất kĩ; loại cây nào trồng ở đường phố nào. Vì thế mới có hàng cây sấu dọc phố Trần Hưng Đạo, Bà Triệu; cây hoa sữa đường Nguyễn Du; Sao đen dọc phố Lò Đúc… Cây xanh đã trở thành một cảnh quan, vẻ đẹp thiên nhiên của Thủ đô. Phải trải qua vài ba chục năm, thậm chí hàng thế kỉ nữa mới có được bóng mát do cây xanh tạo nên.

Nếu 6.700 cây đã tồn tại hàng chục năm bị chặt hạ để thay thế vào đó những cây non “phù hợp với cảnh quan phố phường” thì Hà Nội ta sẽ thêm những khoảng trống ghê gớm trên đường phố và trong tâm hồn người Hà Nội…

Nhà văn Nguyễn Hiếu