1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Những hầm lò bí ẩn ở thung lũng Huổi Chăng

(Dân trí) - Những hầm lò bí ẩn này đã được phát hiện từ vài năm nay, nhưng hơn một tháng trở lại đây bỗng gây xôn xao dư luận, thu hút khá đông người hiếu kỳ đến với thung lũng Huổi Chăng. Nhiều người đến xem, nhưng không ai biết nguồn gốc của chúng.

Từ TP Vinh (Nghệ An) ngược quốc lộ 48 rồi đi theo tỉnh lộ 532 tới km17 tiếp tục men theo tuyến đường bản Cù, vượt qua một chặng đường rừng gập ghềnh lên dốc xuống đồi, chúng tôi đã có mặt tại bản Đồng Minh - một bản đồng bào dân tộc Thái thuộc xã Châu Thái, cách trung tâm thị trấn huyện Quỳ Hợp trên 10 km.

Những hầm lò bí ẩn ở thung lũng Huổi Chăng - 1
Một chiếc lò bên mép ao đang có nguy cơ biến mất. Người dân nơi đây cho biết họ chỉ phát hiện những cái lò này chứ không tạo ra chúng.

Sau những trận mưa rừng, con đường đất đỏ từ bản vào thung lũng Huổi Chăng trơn nhẫy, xe máy không thể đi được. Chúng tôi đành gửi xe lại một nhà dân, quyết định cuốc bộ vào thung lũng. Bà chủ nhà cho khách mượn con dao phát rẫy với lời dặn ân cần: “Trời mưa thế này đường trơn lắm đó, các chú cầm lấy cái dao này để chặt cây mà chống cho đỡ ngã...”.

Hành trình hứa hẹn nhiều khó khăn nhưng ai nấy đều hăng hái bởi nỗi tò mò muốn được tận mắt chứng kiến những hầm lò được cho là rất bí ẩn ở đây. Quãng đường rừng chừng 2 cây số đã lấy của chúng tôi khá nhiều sức lực và gần 1 tiếng đồng hồ.

Những hầm lò bí ẩn ở thung lũng Huổi Chăng - 2
Một hố đất bí ẩn mà người dân nơi đây gọi là hầm lò.

Tới Huổi Chăng, người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Ngân Thị Thắm. Biết chúng tôi tới xem lò, bà bảo: "Các anh cứ đi theo bờ ao là thấy chiếc lò nó nổi lên đó... Tại mấy hôm nay trời mưa to quá, nên nước ao lên ngập hết chỉ có thể thấy được một ít thôi. Mấy ngày trước chưa mưa, ở đây những cái lò này nhiều lắm, đến hàng chục cái đó”.

Theo sự hướng dẫn của bà Thắm, chúng tôi men theo bờ một trong những ao cá có dấu tích những hầm lò. Quan sát kỹ, những cái lò nổi lên được đắp bằng đất sét, thành lò dày khoảng 10cm, sâu khoảng 60cm, có cửa rộng phía dưới hình bán nguyệt. Lòng hầm lò rộng khoảng 60 - 70cm2, miệng lò phía trên có đường kính khoảng 60cm và có màu đỏ gạch.

Gần đó là dấu còn lại của hai chiếc lò đã bị sập sau những trận mưa vừa qua. Phía sau căn nhà sàn nhỏ của một hộ gia đình gần đó có một chiếc lò còn khá nguyên dạng cùng chung kích cỡ với chiếc lò bên bờ ao. Tại bờ ao sát chân đồi chè của gia đình bà Thắm còn lưu dấu vết của bốn năm chiếc lò đã chìm sâu dưới ao.

Bà Thắm cho biết: Khu vực này từ xưa không có người ở, ba bề bốn bên là núi... hoang vắng lắm. Năm 1998, gia đình bà và một vài gia đình khác từ ngoài bản Đồng Minh vào đây để làm vườn rừng bởi khu vực này rất sẵn nguồn nước từ dòng Huổi Chăng. Khoảng năm 2004, khi khai hoang vỡ hoá làm ruộng, đào ao thả cá, sau lớp đất đầu tiên tình cờ phát hiện những chiếc lò này. Cũng không mấy người để ý, cho là chuyện bình thường…

Những chiếc lò này tập trung trong một vùng gần nhau, không hiểu có từ bao giờ và dùng để làm gì? Có thể những cái lò này từng được dùng để nấu nướng trong sinh hoạt…

Những hầm lò bí ẩn ở thung lũng Huổi Chăng - 3

Ông Vi Văn Thanh- Một trong những người đầu tiên phát hiện ra những chiếc lò bí ẩn tại
thung lũng Huổi Chăng. Đến bây giờ nhiều người ở đây vẫn chưa biết thực hư về những cái lò này

Các lò được sắp xếp theo một trật tự nhất định, số lượng lò này đủ dùng để nấu cơm cho cả một đạo quân. Cũng có thể lò được dùng để luyện quặng thiếc, quặng vàng hay nấu diêm tiêu từ nguồn phân dơi như vẫn thấy trong các hang động.

Đối với người dân nơi đây, cho đến thời điểm này, những hầm lò nói trên vẫn là một bí ẩn.

Quan sát kỹ chúng tôi thấy những chiếc lò được đắp theo hình thức thủ công, đã qua sử dụng với nguồn nhiệt năng lớn. Bằng chứng là lớp đất sét thành lò dày cả 10cm đã thành gạch, đáy lò vẫn còn dấu than củi...
 
Từ khi có thông tin về những chiếc hầm lò bí ẩn ở thung lũng Huổi Chăng, rất nhiều người hiếu kỳ đã lặn lội tới xem nhưng chưa cá nhân hay tổ chức nào có câu trả lời thỏa đáng về nguồn gốc cũng như công dụng của những chiếc lò này.

Bà Thắm còn nhớ, hồi cuối năm 2006 có một đoàn cán bộ gồm ba người ở tỉnh Nghệ An lên, trực tiếp đến quan sát, nghiên cứu từng chiếc lò (lúc đó còn chưa bị hư hỏng và ngập trong nước ao như bây giờ) nhưng cuối cùng cũng không có ý kiến gì.

Những chiếc lò bí ẩn trong thung lũng Huổi Chăng đang có nguy cơ bị phá hủy dần bởi mưa nắng. Thực tế đã có nhiều lò biến mất do bị ngập trong nước hay do bị con người vô tình đập phá. Chỉ còn lại số ít nguyên hình dạng ban đầu, cũng đang đứng trước nguy cơ bị rã nát. Rất có thể những hầm lò này sẽ dần bị phá hủy hết, trước khi con người kịp có những kết luận đầu tiên về nguồn gốc của chúng.

Nguyễn Duy - Sông Hiếu