Bình Định:
Những đứa trẻ nghèo theo mẹ bám đường mưu sinh đêm giao thừa
(Dân trí) - Trong khi những đứa trẻ con nhà giàu được cha mẹ đưa đi du xuân thì những đứa trẻ nhà nghèo lại theo cha mẹ bám đường bán phong bao lì xi đêm giao thừa. Các em chỉ mong phụ mẹ kiếm chút lời lãi mua quần áo mới, sách vở học tập…
Những đứa trẻ không có Tết
Những ngày cận Tết ở Quy Nhơn, khi dòng người tấp nập đi sắm tết thì đâu đó trên những góc phố, chúng ta dễ nhận ra những đứa trẻ đứng, ngồi dưới lòng đường bán phong bao lì xì, có em phụ mẹ bán vài nhành hoa Tết. Tranh thủ thời gian được nghỉ Tết các em theo cha mẹ bám đường mưu sinh chỉ mong kiếm lấy chút lời lãi sắm thêm cái Tết.
Tầm 22h đêm 30 Tết, khi người du xuân đã thưa dân, họ trở về nhà để chuẩn bị đón giao thừa thì những em nhỏ vẫn còn đứng mời chào khách mua phong lì xì. Có em vì những ngày bám đường mưu sinh đã mệt nhoài ngồi bờ phờ, tay trống cằm ngáp ngủ, nhưng các em vẫn chưa được về vì giá lì xì vẫn chưa bán hết.
Ngồi dưới lòng đường, em Trần Thị Mỹ Duyên (lớp 3D, trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP Quy Nhơn), hồn nhiên cho biết: “Thấy mẹ chân bị đau mà phải cố gắng lấy hàng về bán mong kiếm tiền sắm Tết nên em xin mẹ đi theo phụ giúp mẹ. Nhiều cô chú dẫn con đi chơi thấy con nhỏ mà phải đi bán nên lại mua ủng hộ, có cô chú còn cho con tiền. Con mừng lắm nhưng giờ vẫn bán chưa hết không biết lúc nào hai mẹ con mới về đón giao thừa nữa”.
Ngồi cạnh đó không xa là chị Phạm Thị Diệp (mẹ bé Duyên), cùng với những bó hoa huệ ngồi ngay dưới lòng đường để bán. Chị Điệp cho hay, trước đây chị bán hoa quả ở chợ đầm nhưng bị tai nạn giao thông gãy chân ở nhà cả năm không kiếm được đồng nào mà chỉ chờ vào đồng tiền công nhân cơ khí của chồng.
“Năm hết tết đến, trăm thứ phải lo nên đành liều lấy hoa huệ và phong lì xi bán mong kiếm chút lời sắm Tết. Nhưng ế qua, bán bữa giờ cũng mới đủ tiền vốn và lời chút ít. Tội con nhỏ cứ đòi theo mẹ đi bán, tôi không cho theo mà cứ nằng nặc theo đi cho được. Hai mẹ con ngồi bán một lúc nữa khi không còn người nữa thì về, còn người thì bán đến đi chứ kiếm năm bảy chục ngàn cũng bán. Hoa bán không hết thì về cắm ở nhà, còn lì xì chấp nhận lỗ 20% trả lại cho cửa hàng”, chị Điệp chia sẻ.
Cách đó không xa, một cậu bé chừng 10 tuổi cũng đang ngồi chống cầm bên giá phong lì xì đang để dưới đường trong dòng người qua lại. Em là Nguyễn Vũ Hoàng Nhật (đang học lớp 6, Trường THCS Đống Đa, TP Quy Nhơn). Nhật là anh cả trong gia đình 4 anh em, cha phụ hồ, mẹ bán hàng rong, cuộc sống khó khăn nên nhiều năm em chẳng biết một cái Tết đúng nghĩa. “Thấy cha mẹ vất vả quá nên em muốn phụ giúp mẹ. Nhìn bạn bè được cha mẹ đưa đi chơi Tết em cũng thấy tủi nhưng nhà mình nghèo thì phải chịu vậy thôi”.
Đến chị lao công đón Tết ngoài đường
Đêm 30 Tết, TP Quy Nhơn chưa bao giờ lại đông vui, nhộn nhịp đến vậy. Trước thời khắc giao thừa, hàng ngàn người háo hức về Quảng trường Trung tâm tỉnh để xem chương trình văn nghệ đặc biệt và xem bắn pháo hoa mừng Xuân Ất Mùi – 2015. Sau màn pháo hoa rực trời, mọi người trở về nhà để đón giao thừa sum vầy bên gia đình thì các chị lao công, những người giữ sạch thành phố thầm lặng dọn rác làm đẹp thành phố.
Khua nhanh chiếc chổi trên vỉa hè, chị Trần Thị Trương, công nhân Cty môi trường đô thị Quy Nhơn, tâm sự: “18 năm làm công nhân là từng đấy năm tôi phải đón giao thừa ngoài đường. Dẫu biết buồn nhưng vì công việc vì một thành phố luôn sạch đẹp chị em trong đội lại cùng nhau động viên cố gắng. Do đặc thù công việc là vậy nên chị em cũng không ai phàn nàn công việc của mình mà chấp nhận đón giao thừa ngoài đường”.
Một cô lao công khác nói như hờn trách: “Đã chọn nghề này thì phải chấp nhận chứ chẳng ai kêu ca gì cả. Con hiểu công việc tụi cô là được. Thôi để cô làm nhanh còn về sớm không sếp lại la”.
Người góp phần giữ cho thành phố xanh – sạch – đẹp là các chị, các cô như chị Trương. Lẽ ra họ phải tự hào và được tôn vinh nhưng phần vì e ngại công việc của người quét rác, phần vì sợ cấp trên nên các chị, các cô vẫn thầm lặng làm đẹp cho thành phố.
Doãn Công