Những dự báo đáng lưu tâm về tình hình nắng nóng, bão lũ 6 tháng tới
(Dân trí) - Miền Bắc có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ, nhiệt độ xấp xỉ 41-42 độ C. Mưa lớn sẽ dồn dập trong các tháng 10 và tháng 11/2021 ở các tỉnh miền Trung và Nam Trung Bộ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành vừa chủ trì cuộc họp trực tuyến nhằm đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2021 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ này.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 6/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo.
Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, có ảnh hưởng đến Việt Nam có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 12-14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khoảng từ 5-7 cơn).
Dù nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020 nhưng vẫn có khả năng sẽ xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày xấp xỉ 41-42 độ C.
Ông Khiêm dự đoán, trong 6 tháng cuối năm 2021, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt mưa nhiều hơn so với trung bình nhiều năm ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ diễn ra vào tháng 7-9/2021 và tháng 10-12/2021 ở Trung và Nam Trung Bộ.
Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và tháng 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ. Mưa lớn cục bộ nhiều khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các đô thị, các thành phố lớn.
Các đợt lũ vừa và lũ lớn ở Bắc Bộ có khả năng tập trung trong các tháng 8-9. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc cũng như các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông ở Trung Bộ.
Một số vùng trũng thấp, ven sông, ven biển các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đặc biệt tại TPHCM, Cần Thơ, Vĩnh Long có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khi có lũ hoặc triều cường cao.
Từ tháng 7-8/2021, nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tại khu vực ven biển Trung Bộ, hiện tượng xói lở bờ biển tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành - Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, năm 2020 Việt Nam xảy ra nhiều thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng của nhân dân. Tương tự, trên thế giới cũng đã có những kỷ lục về diễn biến cực đoan của thời tiết được xác lập. Điều này cho thấy biến đổi khí hậu và các tác động của nó đến các điều kiện thời tiết thủy văn đang diễn biến ngoài những quy luật con người đã biết.
Vì thế, ông Thành đề nghị tất cả các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Tổng cục Khí tượng thủy văn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi mùa mưa bão sắp tới. Các đơn vị cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin, trao đổi, hướng dẫn sử dụng các thông tin của các lĩnh vực cho nhau, làm sao để công việc đang được phối hợp triển khai phải đi đến được thành quả cuối cùng.
Ông Thành yêu cầu các đơn vị làm việc trên tinh thần cởi mở, hợp tác trao đổi dữ liệu có kết quả cuối cùng là những thông tin cảnh báo, dự báo truyền được đến các cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như đến người dân, giúp công tác phòng, chống thiên tai được chủ động, giảm thiểu được thiệt hại đến mức thấp nhất, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người.