Những điểm đáng chú ý trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị
(Dân trí) - Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Về nội dung đại hội đảng bộ các cấp Chỉ thị nhấn mạnh, thực hiện 4 nội dung về tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025-2030.
Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp.
Bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030.
Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Về công tác chuẩn bị văn kiện, Chỉ thị nêu rõ, dự thảo văn kiện trình đại hội gồm 2 báo cáo chủ yếu là: Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm,...
Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy phải có tính chiến đấu, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng, khách quan, toàn diện, trung thực về kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII gắn với việc học tập và làm theo Bác,...
Chỉ thị lưu ý, việc xây dựng, đóng góp ý kiến vào văn kiện, phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, dành thời gian hợp lý để tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến.
Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các cấp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm của đại biểu; trong thảo luận cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó.
Chỉ thị nhấn mạnh thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy, là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp: cấp cơ sở tháng 4/2025; cấp huyện và tương đương tháng 6/2025; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2025.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tháng 5/2026.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.
Chỉ thị nêu rõ, những người lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định nêu trên.
Những người được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp.
Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên (thời điểm tính tuổi là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định).
Đối với những người lần đầu tham gia cấp ủy, Chỉ thị nêu rõ: Đối với cấp tỉnh nam sinh từ tháng 9/1968, nữ sinh từ tháng 5/1972 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật, thì sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây).
Đối với cấp huyện nam sinh từ tháng 6/1968, nữ sinh từ tháng 2/1972 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật, thì sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây).
Đối với cấp xã cán bộ, công chức cấp xã nam sinh từ tháng 4/1968, nữ sinh từ tháng 1/1972 trở lại đây.
Đối với những người được giới thiệu tái cử cấp ủy, Chỉ thị lưu ý: Đối với cấp tỉnh nam sinh từ tháng 4/1966, nữ sinh từ tháng 9/1970 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật, thì sinh từ tháng 3/1968 trở lại đây).
Đối với cấp huyện nam sinh từ tháng 3/1966, nữ sinh từ tháng 8/1970 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật, thì sinh từ tháng 12/1967 trở lại đây).
Đối với cấp xã cán bộ, công chức cấp xã nam sinh từ tháng 1/1966, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây; Trưởng công an cấp xã: Còn thời gian công tác ít nhất 30 tháng theo quy định về độ tuổi nghỉ hưu nêu tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung năm 2023),...
Phân công, bố trí công tác mới hoặc giới thiệu ứng cử ở địa phương, cơ quan, đơn vị khác đối với các bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương trở lên đã giữ chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (từ 8 năm trở lên) tại một địa phương, cơ quan, đơn vị.
Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ (dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã) từ 10% trở lên (tính cho cả nhiệm kỳ),...
Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng); trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng), do cấp ủy có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định.