1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Những cuộc rượt đuổi làm kinh động dân lành

Nhiều phương tiện truyền thông hôm qua đã đưa tin: Sáng 28/7, một xe khách chở thuốc lá ngoại đã bỏ chạy thục mạng khi bị cảnh sát giao thông huyện An Khê (Gia Lai) ra hiệu dừng xe. Khi cảnh sát đuổi kịp đã trấn áp bằng cách xịt hơi cay vào buồng lái khiến tài xế mất thăng bằng, suýt lao xuống cầu. 40 hành khách vô tội ngồi trên xe bị nhiễm hơi cay, có người phải vào viện cấp cứu.

Theo giải thích thì việc xịt hơi cay của lực lượng cảnh sát để trấn áp là đúng vì tài xế chống người thi hành công vụ.

 

Xét về mặt luật pháp, điều đó không có gì bàn cãi, nhưng luật pháp sinh ra là để bảo vệ người dân tuân thủ theo luật pháp. Vậy thì 40 người ngồi trên chiếc xe khách kia có làm gì sai để đến nỗi phải hít hơi cay vào viện và rất có thể thiệt mạng nếu tài xế không kiểm soát được tay lái để xe lao xuống sông Ba? Đó là điều đáng để những người thực thi pháp luật suy nghĩ.

 

Cách đây chưa lâu, vào chiều 16/7, đường phố Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) náo loạn hẳn lên vì tiếng hú của xe cảnh sát. Người đi đường một phen kinh hãi vì cảnh một chiếc xe chở 3 cậu choai choai phóng như điên, chạy trốn sự truy đuổi của chiếc xe cảnh sát.

 

Đến kiệt số 15, 3 thanh niên đi trên xe 43H1-5555 bất ngờ cua vào khiến người lưu thông từ trong kiệt ra đường lớn suýt bị thảm nạn, nếu 3 cậu thanh niên kia không mất tay lái lao vào trụ sắt cổng chào. Cả 3 thanh niên máu me bê bết, một người chảy máu đầu bất tỉnh. Đến lúc đó, các cảnh sát rượt đuổi bằng xe mô tô phải điện thoại gọi thêm lực lượng đến dẹp trật tự và tổ chức cấp cứu nạn nhân.

 

Rõ ràng 3 cậu thanh niên đi trên xe 43H1-5555 đã vi phạm luật giao thông (chở 3). Nhưng dư luận băn khoăn, đó không phải là lỗi lớn, các thanh niên đó chưa đến mức là những tội phạm nguy hiểm; cảnh sát có cần thiết phải rượt đuổi bằng mọi cách thế không? Cảnh sát có nhiều cách để khống chế tội phạm, không nhất thiết phải bắt “nóng” ngay, nếu việc đó gây nguy hiểm cho những người dân vô tội.

 

Cách vụ việc trên không lâu, một tối, rất nhiều người ngồi ở quán 36 Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) chứng kiến một chiếc xe cảnh sát rượt đuổi một học sinh trung học. Học sinh này có lẽ đi học thêm về nên vẫn mặc đồng phục nhà trường và mang cặp sách. Cậu học sinh này vi phạm luật giao thông (học sinh không được đi xe máy, không có giấy phép lái xe vì dưới 18 tuổi).

 

Bị cảnh sát truy đuổi, cậu học sinh quá sợ hãi, phóng xe chạy, tay lái không vững, mặt mày tái mét, hoảng loạn; khiến người dân ngồi trên vỉa hè được một phen kinh hoàng. Nếu cậu ta không may tông phải ai đó, hoặc chính cậu lao đầu vào ôtô, lúc đó ai là người chịu trách nhiệm?

 

Một vụ khác xảy ra trên đường Hùng Vương, cảnh sát rượt đuổi một xe chở hai thanh niên, đến khi hai cậu này tông vào cửa cuốn của một gia đình, nằm gục xuống thì xe cảnh sát cũng...  phóng luôn!

 

Bản thân người viết bài này cũng đã nếm cảm giác hết hồn khi buổi sáng vừa đi ra đường Thi Sách (quận Hải Châu), bỗng vèo, một chiếc mô tô xẹt qua sát rạt. Chưa kịp định thần, lại thấy vèo, một chiếc mô tô cảnh sát vượt lên phía... bên phải. Một người đi xe máy mất tay lái ngã chỏng gọng, hoảng hốt nhìn theo cuộc rượt đuổi.

 

Biết rằng cảnh sát giao thông luôn phải đối mặt với áp lực trấn áp người vi phạm luật trên đường. Nhưng thiết nghĩ, họ cần biết phân biệt, xác định tính chất nguy hiểm của từng trường hợp để có cách đối phó phù hợp. Cảnh sát không chỉ có một cách khống chế duy nhất là rượt đuổi, bất chấp sự nguy hiểm đối với những người dân vô tội trên đường.

 

Theo Nguyễn Thế Thịnh

Thanh Niên