1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Những công trình tốn tiền, vô dụng

(Dân trí) - Tại các xã Tà Rụt, A Ngo và đặc biệt là xã Abung của huyện Đakrong (Quảng Trị) có nhiều công trình thuỷ lợi, nước sạch bị hư hỏng nhưng không được sửa chữa hoặc bị lãng quên không được đưa vào sử dụng.

Những công trình có “hạn sử dụng 1 năm”

 

Một loạt các công trình thuỷ lợi và nước sạch đã được đầu tư ở xã Abung với số vốn rất lớn. Toàn xã có 3 công trình thuỷ lợi và 2 công trình nước sạch phục vụ cho 7 thôn, trong đó, tổng vốn đầu tư cho các công trình thuỷ lợi là hơn 2 tỷ, các công trình nước sạch là gần 2 tỷ. Toàn bộ số tiền này đã trở thành những đồng tiền “chết” bởi hiệu quả của chúng quá thấp hoặc gần như bằng không. Sau khi được đưa vào sử dụng, hầu hết các công trình này đều nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.


Những công trình tốn tiền, vô dụng - 1

Một trong những công trình vô dụng ở Đakrong

 

Thôn Abung là nơi có công trình nước sạch và công trình thuỷ lợi phục vụ cho hai thôn là Abung và La Hót. Công trình nước sạch Abung-La Hót được đầu tư với số vốn gần 800 triệu đồng do Ban quản lý dự án giảm nghèo của tỉnh làm chủ đầu tư, xây dựng từ ngày 22/4/2006, hoàn chỉnh đưa vào sử dụng vào tháng 11/2006, nhưng chỉ sau một năm thì đã bị hư hỏng nặng. Nguyên nhân là do lũ lớn vào mùa mưa đã cuốn trôi, làm đứt hệ thống dẫn nước.

 

Theo ông Hồ Văn Đô, Phó Chủ tịch xã Abung, thì nguyên nhân chủ quan là do thiết kế ban đầu đã có phần sai sót. Hệ thống đường ống dẫn nước làm bằng sắt nhưng được nối quá đơn giản và các phần trụ giữ đường ống quá mỏng nên chỉ sau một mùa lũ lụt đã phá tan cả công trình trị giá hàng trăm triệu đồng.

 

Ngày 29/04/2009, Sở Kế Hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 44/QĐ-SKH-TĐ về việc sửa chữa lại công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thôn Abung-La Hót nhưng đến nay vẫn không thấy đơn vị nhận thầu về địa phương.

 

Tương tự, công trình thuỷ lợi Abung được Chương trình 135 đầu tư xây dựng năm 2006 với số vốn lên đến gần 1 tỷ phục vụ tưới tiêu cho 4 hecta lúa nước của hai thôn. Chỉ hơn 1 năm sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã bị hư hỏng. Hiện tại, công trình này chỉ còn hơn khả năng phục vụ 50% và đang trên đà bị huỷ hoại do không được sửa chữa, bảo trì.

 

Tại thôn Aluông, công trình nước sạch Aluông được Ban quản lý dự án giảm nghèo tỉnh đầu tư hơn 1 tỷ đồng (trích từ nguồn vốn của ADB-dự án giảm nghèo miền Trung) từ năm 2004, phục vụ nguồn nước sạch sinh hoạt cho 5 thôn. Sau 1 năm đưa vào sử dụng, công trình này bị hỏng. Dù đã được sửa chữa lại nhưng đến nay công trình này chỉ cung cấp nước cho 3 thôn. Công trình thủy lợi Cựp-Aluông phục vụ tưới tiêu cho hai thôn được xây dựng, đưa vào sử dụng từ năm 2004 nhưng đến năm 2005 thì đã bị hư hỏng. Còn công trình thuỷ lợi ở thôn La Hót được đầu tư năm 2001 với số vốn là 780 triệu đồng nhưng đến nay đã bị quên lãng, không còn sử dụng được.

 

Không chỉ có ở Abung, tình trạng này cũng đã tồn tại nhiều năm ở các xã Tà Rụt, A ngo, A Vao... Ông Nguyễn Xuân Miễn, Phó Chủ tịch xã A Ngo bức xúc: “Các công trình thủy lợi và nước sạch ở đây được xây xong, sử dụng chẳng được bao lâu thì hư hỏng nhanh lắm mà không thấy cấp trên cho người về sửa chữa. Dân đói nghèo nên sinh ra phá rừng, đi đào vàng cho các chủ khai thác vàng trái phép. Cấp trên họ biết nhưng đâu có quan tâm”.
 
Những công trình tốn tiền, vô dụng - 2
Chưa dùng đã hỏng do sai sót từ thiết kế ban đầu.

 

Dân bốn mùa “khát” nước

 

Xã Abung, huyện Dkrong là nơi có địa giới giáp với huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế và cách cửa khẩu Lalay thông qua Lào không xa. Gần 1.400 hộ dân ở đây với khoảng gần 2.200 nhân khẩu sinh sống chủ yếu nhờ vào các nguồn nước của các công trình thuỷ lợi và nước sạch do chương trình 135 và Dự án giảm nghèo miền Trung đầu tư xây dựng. Đồng bào dân tộc thiểu số tại đây vốn đã quen với lối sống du canh du cư từ lâu. Chính những công trình này đã góp phần ổn định lối sống du canh du cư, giảm đói cho đồng bào các dân tộc Pacô, Vân Kiều. Tuy nhiên, hiệu quả do các công trình mang lại chưa phát huy được bao lâu thì đã nhanh chóng chấm dứt.

 

Xã Abung hiện đang thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất, canh tác lúa nước trầm trọng. Xã có 7 thôn thì phân nửa trong số đó là thiếu nước sinh hoạt do các công trình nước sạch bị hư hỏng không còn sử dụng được. Các công trình thủy lợi thì chỉ đáp ứng nguồn nước sản xuất cho 30% số dân toàn xã. 70% dân số còn lại do thiếu nguồn nước thủy lợi nên không làm lúa nước được. Họ bỏ hẳn ruộng nước, quay lại trồng ngô và trở về với lối sống du canh du cư nay đây mai đó, chặt phá rừng làm rẫy. Nạn đói đe dọa số người dân quanh năm.

 

Không có nước sạch sinh hoạt, dân ở đây phải dùng nước từ những con suối đã bị ô nhiễm do nạn khai thác vàng quanh đó gây nên. Đặc biệt là mùa mưa lũ, không có nước sạch để dùng, người dân ở đây phải uống nước đục ngầu từ các con sông, con suối. Các loại dịch bệnh cũng theo đó có dịp đe dọa người dân ở đây.

 

Ông Hồ Văn Đô, Phó Chủ tịch xã Abung buồn bã nói: “Nhìn thấy dân đói mà mình không thể làm gì hơn được. UBND xã đã nhiều lần làm tờ trình lên cấp trên rồi nhưng chẳng thấy hồi âm. Cũng có lần nhận được thông báo về việc sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sạch cho dân nhưng chờ mãi không thấy. Người dân ở đây đang rất cần được ổn định cuộc sống chứ không thể cứ chặt phá rừng, nay đây mai đó như trước được...”.
 
Những công trình tốn tiền, vô dụng - 3
Con suối La Hót ô nhiễm này là nguồn nước sinh hoạt chính của người dân nơi đây.

 

Đến thôn La Hót mới thấy hết sự khó khăn của người dân trong sinh hoạt do không có nước sạch để dùng. Ai cũng thương cho hoàn cảnh của hai cha con mù nhà Vỗ Jun. Ngày ngày, hai cha con mù lòa phải thay nhau xuống suối múc nước suối về dùng mà không thể biết được nước đó sạch hay bẩn. Cả 52 hộ dân ở đây cũng phải dùng nước bẩn suốt 3-4 năm nay.

 

Biết  đến bao giờ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mới có được nguồn nước sạch để dùng, nước thủy lợi để ổn định sản xuất? Câu hỏi này xin giành cho các cơ quan chức năng huyện Đakrong, Quảng Trị.

 

Văn Được