1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Những công trình bạc tỷ “vô duyên”

(Dân trí) - Để thúc đẩy kinh tế ở các xã miền núi, tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây hàng chục chợ trung tâm với số vốn tính bằng tỷ đồng. Lạ một nỗi, chợ nào xây xong cũng “vô duyên”, hoạt động lèo tèo, thậm chí là bỏ hoang…

Năm 1997, Trung tâm thương mại chợ Mẫu Đức ở huyện Con Cuông bắt đầu khởi công xây dựng. Theo quy hoạch chợ có diện tích 1.500m2 với kinh phí gần 450 triệu đồng. Chợ hình thành sẽ góp phần giải quyết việc giao lưu buôn bán cho hàng nghìn hộ dân của các xã sống ở tả ngạn dòng Lam như Mậu Đức, Bình Chuẩn, Cam Lâm, Đồn Phục, Thạch Ngàn… Tháng 11/2002, chợ Mậu Đức hoàn thành, được bàn giao cho chính quyền xã quản lý và chính thức đi vào hoạt động. Người dân ai cũng vui mừng.

 

Thế nhưng lạ nỗi chợ hoành tráng, thoáng đãng mà chẳng tư thương nào chịu vào kinh doanh buôn bán. Chợ cứ lèo tèo vài ba kẻ bán người mua, chẳng khác nào bị bỏ hoang. Chợ vì thế càng ngày càng buồn. Hơn 5 năm nay, các ngành chức năng địa phương đã có nhiều giải pháp cải thiện tình hình nhưng chợ vẫn cứ “vô duyên”.

 

Cùng chung cảnh, chợ Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn) cũng “hẩm hiu” không kém. Năm 2005, Dự án CBRIP - Dự án hạ tầng cở nông thôn dựa vào cộng đồng cấp cho xã gần một tỷ đồng. Lãnh đạo xã quyết định trích một phần để xây dựng Nhà văn hóa các xóm trong xã; gần 300 triệu đồng để xây chợ trung tâm nằm tại Gò Ổi, giáp đường Hồ Chí Minh, diện tích 5.000m2.

 

Dân cùng lãnh đạo xã Nghĩa Long háo hức chờ đón ngày khai chợ. Ngày 4/1/2006, chợ hoàn thành, hoành tráng với hơn 30 gian hàng và chính thức đi vào hoàn động, nhưng cũng thường xuyên gặp cảnh “vườn không nhà trống”. Chợ chỉ họp cách nhật nhưng phiên nào cũng chỉ đến 9h sáng là… hết người.

 

Chợ miền núi đã héo hắt, nhiều chợ ở vùng đồng bằng cũng vắng vẻ không kém. Chợ Nghĩa Mỹ cũng của huyện Nghĩa Đàn nằm gần QL 48, một địa thế thuận lợi cho việc bán mua, được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng trăm triệu đồng, nhưng hàng ngày cũng chỉ có đôi ba quầy hàng nghèo nàn.

 

Được biết, từ năm 1997, thực hiện dự án 135, tỉnh Nghệ An đã cho xây dựng hàng chục chợ ở các xã vùng sâu, vùng xa. Việc làm này góp phần giải quyết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo thuận lợi giao lưu buôn bán của người dân. Nhưng nhiều chợ xây lên hoành tráng với kinh phí hàng tỷ đồng cũng chỉ để không, không ai ghé chân hoặc có hoạt động nhưng không hiệu quả. Nhiều không gian chợ bỏ không, trở thành chỗ nghỉ ngơi lý tưởng của gia súc.

 

Giải thích về sự “vô duyên” này, phần nhiều ý kiến đổ lỗi cho ngành chức năng quy hoạch chưa hợp lý; lúc bắt đầu xây dựng chưa tiến hành khảo sát một cách thấu đáo, không tìm hiểu thói quen sinh hoạt của người dân, chưa tính đến sự thuận tiện cho dân,…

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hành - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An - cho rằng: “Cần phải kiểm tra rà soát lại các chợ thuộc diện dự án 134, 135 mà dư luận phản ánh. Nếu chợ nào hoạt động không hiệu quả thì cần có giải pháp để chuyển đổi mục đích. Tránh không để xảy ra lãng phí bạc tỷ”.

 

Đặng Nguyên Nghĩa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm