Những con số kỷ lục về xuất khẩu nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp
(Dân trí) - Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ngành nông nghiệp đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2023, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Sáng 2/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí đầu xuân năm 2025.
Theo báo cáo, trong năm 2024, ngành NN&PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, có yếu tố tác động mạnh của biến động thị trường, thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán, mưa bão tại các địa phương; đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi).
Năm 2024 ngành NN&PTNT đã thu hút thêm 1.500 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lên khoảng 17.300, tăng 7,5% so với năm 2023. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp.
Thành tựu trong gian khó của ngành NN&PTNT năm 2024 đã tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế đất nước, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia; qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và sẵn sàng phát huy lợi thế để cùng với đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Theo thống kê, năm 2024 giá trị sản xuất (GO) toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,3%; tỷ lệ che phủ rừng hơn 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt gần 79%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn gần 60%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2023; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%.
Trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi gần 534 triệu USD, tăng 6,5%; lâm sản chính đạt 17,28 tỷ USD, tăng hơn 19%; thủy sản đạt 10,07 tỷ USD, tăng 12,2%.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để đạt được kết quả này là nhờ cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Ông Tiến cho biết, mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn,… do El Nino) nhưng Bộ NN&PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa nên đã hạn chế được tối đa thiệt hại trên các cây trồng chủ lực.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, Bộ NN&PTNT kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân,...
Ông Tiến cho biết, năm 2025, ngành nông nghiệp xác định tiếp mục tiêu kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, ông Tiến cho biết Bộ NN&PTNT cũng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo ông, phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.