Những con đường “đắt nhất hành tinh” mà… xấu tệ!
(Dân trí) - Uỷ viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ nhận xét khi trao đổi với báo giới bên hàng lang Quốc hội ngày 4/6 về việc kỷ lục “đè” kỷ lục trên tuyến đường Vành đai I - tuyến đường “đắt nhất hành tinh” ở Hà Nội.
Hà Nội lại vừa lập một kỷ lục mới về việc có con đường “đắt nhất hành tinh” với suất đầu tư tính ra lên đến 2,5 tỷ đồng/m đường hay là 25 triệu đồng cho mỗi centimet đường, không phải do chi phí thi công tốn kém mà bản chất là tiền đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn. Cách thức thu hồi đất, đền bù mặt bằng hiện nay có hướng gỡ nào để không tạo chi phí khổng lồ cho việc đầu tư mở đường ở đô thị?
Trên thế giới, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông tính riêng, không tính gộp chi phí đền bù GPMB vì đất cho các công trình là đất sạch, đã giải phóng rồi. Ở Việt Nam, thu hồi đất là công việc của Nhà nước, còn việc đầu tư dự án là công việc của nhà đầu tư thực hiện theo quy định của luật đấu thầu. Nhưng 2 việc này lại được gộp vào, giải quyết chung, làm cho tổng mức đầu tư mở đường tăng, dẫn đến tình trạng chi phí trên mỗi km đường rất cao. Những đoạn đường đó trở thành “đắt nhất hành tinh”.
Tôi cho rằng, so sánh như vậy là chưa sát. Nếu tách phần thu hồi đất, GPMB thì tổng mức đầu tư xây dựng 1 km đường giao thông so với các nước không chênh là mấy.
Nếu có tách riêng 2 khâu như ông nói thì cũng chỉ là khác về hình thức còn về bản chất, để làm một đoạn đường như thế, tổng chi phí vẫn “khủng” như vậy?
Như tôi nói, giá đền bù GPMB là theo giá do HĐND cấp tỉnh công bố. Giá đó thực tế đã thấp hơn giá thị trường. Vì vậy, các dự án khi thực hiện thường vẫn vấp khiếu kiện liên miên. Do đó, không nên giảm mức đền bù cho người dân bị thu hồi đất. Xét về quyền tài sản, phải thực hiện theo nguyên tắc định giá đất theo giá thị trường như thể hiện trong Luật Đất đai.
Thực tế chúng ta đang mắc giữa một bài toán khó giải. Có ý kiến cho rằng nên học theo nhiều nước, khi thu hồi đất, nhà nước lấy đất sâu vào 2 bên lề đường đến hàng trăm mét, cắt khúc và tổ chức đấu giá đất đó để lấy tiền bù lại chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, Hà Nội không thực hiện được việc này vì vướng việc đã công bố chỉ giới đường đỏ, lấy sâu thêm vào đất ở, người dân dễ phản ứng. Nhưng nếu không làm được vậy, chi phí cho các tuyến đường mới ở đô thị sẽ tiếp tục “vống” lên mỗi lúc một khổng lồ hơn?
Ở các nước, việc quy hoạch các đường phố chính đã làm từ lâu, cách thức quy hoạch cũng khác. Bất cập đầu tiên là nguyên tắc chỉ GPMB theo lộ giới mà lộ giới rộng hay hẹp lại căn cứ vào khả năng tài chính. Vậy nên thông thường, khi làm đường, nhà nước chỉ GPMB cho việc làm con đường và vỉa hè chứ không thu hồi đất rộng ra. Việc này dẫn đến hệ quả trước hết là đô thị thiếu đồng bộ về cảnh quan, xấu tệ.
Thứ 2, về tài chính kinh tế là rất… có chuyện. GPMB rộng ra thì nhà nước phải ứng vốn ban dầu lớn hơn nhưng bù lại mặt đường hai bên có thể quy hoạch, đấu giá để bảo đảm cảnh quan đô thị và có thể thu lại lượng tiền lớn từ việc cho thuê quyền sử dụng đất để bù đắp vốn đầu tư.
Hiện chúng ta chưa làm được việc này dẫn đến kết quả đầu tư mở đường nhờ nhà nước đầu tư mới làm địa tô chênh lệnh tăng lên, nhiều người bỗng chống được hưởng một cách không hợp lý. Vì vây, tôi đề nghị xem xét quy hoạch giao thông nói riêng và quy hoạch đô thị nói chung phải có giải pháp đồng bộ, có tầm nhìn, đáp ứng yêu cầu. Quy hoạch giao thông thì nên làm theo hướng điều chỉnh lộ giới rộng ra để sử dụng đất 2 bên đường sau khi mở đường cho hoạt động đầu tư xây dựng.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, kinh nghiệm thế giới làm từ hàng chục năm qua là thu hồi đất vào sâu hàng trăm mét rồi đấu giá những lô đất mặt tiền để lấy tiền làm đường. “Cách làm này còn ngăn chặn được chênh lệch địa tô bất công giữa nhà mặt đường bị mất và nhà trong ngõ bỗng dưng lên mấy chục lần vì ra mặt đường mà chẳng phải đóng một đồng thuế, thực thi một nghĩa vụ nào với nhà nước. Việc này cũng nhằm xoá đi sự mất công bằng cho những gia đình mất nhà để làm đường. Việt Nam cũng nhận thức được điều này chỉ có điều là không làm phổ biến”- ông Kiêm bình luận. Dẫn chứng thành công từ việc làm đường có “tầm nhìn xa” ở Đà Nẵng, ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nếu tất cả các địa phương áp dụng kinh nghiệm này thì sẽ không có chuyện giá một mét đường tới hàng tỷ đồng, đồng thời cũng giúp tạo ra sự công bằng trong xã hội. Đáng nói, ông Cao Sĩ Kiêm kiến nghị Hà Nội cần mạnh dạn “nới” chỉ giới mở đường thay vì chấp nhận một quy hoạch lỗi thời từ cả chục năm trước tạo sự sự tốn kém và mất công bằng. “Quy hoạch là chúng ta, chính sách cũng là chúng ta. Khi thấy bất hợp lý, mất công bằng thì chúng ta phải thay đổi. Thay đổi càng sớm nhà nước càng có thêm nguồn lực để làm được nhiều công trình hơn. Thậm chí cấp tỉnh không chịu thay đổi thì phải đưa lên cấp trung ương, không được nữa thì đưa ra Quốc hội để cùng sửa”- ông Kiêm quyết liệt. |
P.Thảo (ghi)