1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Những chuyện tình cảm động ở làng phong

(Dân trí) - Vượt qua những ngăn cách cấm đoán, họ quyết tâm đến với nhau. Những chuyện tình của họ đã gieo mầm hạnh phúc trên vùng đất khó.

Họ là những bệnh nhân phong cùi đang điều trị ở khoa điều trị bệnh phong xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa.
 
Khoa điều trị bệnh phong Bệnh viện Da liễu Thanh Hóa nằm trên địa bàn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) được thành lập vào những năm 70 của thế kỷ trước. Nơi đây tiếp nhận và điều trị những người không may mắc phải bệnh phong cùi.

Đường vào làng phong, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Đường vào làng phong, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.

Hiện khoa điều trị có 8 cán bộ là bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên làm việc. Ông Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa, chia sẻ: “Có thời điểm bệnh nhân đông lên đến 60 người. Cán bộ, bác sĩ, công nhân viên trong khoa cũng cao, tăng lên hơn 12 người. Đến nay, nhiều bệnh nhân điều trị khỏi ra viện trở về quê hương, một số xin ở lại lập nghiệp ở vùng đất quanh khoa nên số cán bộ của khoa cũng giảm xuống”.

Ông Vũ cho biết thêm: “Hiện nay khoa đang tiếp nhận và điều trị cho 38 bệnh nhân. Các bệnh nhân chủ yếu là người Thanh Hóa và nhiều nhất đến từ huyện Nga Sơn, chiếm hơn 50% số bệnh nhân. Sở dĩ bệnh nhân ở Nga Sơn chiến tỷ lệ đông vì trước đây ở huyện này có ổ phong cùi nhưng không được dập tắt kịp thời khiến lây lan nhiều nơi. Các bệnh nhân ở đây đều bị tàn phế cấp độ 2, cấp độ 3. Đến nay nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh và ở lại lập nghiệp ở khu vực gần đây nên được gọi là làng phong”.

“Làng phong hiện có 9 gia đình tách ra ở riêng nhưng vẫn nằm trong khu đất của nhà nước cấp cho khoa. Có những gia đình cả 2 vợ chồng đều mắc bệnh phong nhưng cũng có những gia đình chỉ có chồng hoặc vợ mắc bệnh. Trong số đó có 6 gia đình có vợ hoặc chồng là người bình thường lấy người bệnh phong”, ông Vũ cho biết.

Ông bà Phạm Văn Vòng và bà Trần Thị Nhung là đôi vợ chồng nhiều tuổi nhất ở làng phong.
Ông bà Phạm Văn Vòng và bà Trần Thị Nhung là đôi vợ chồng nhiều tuổi nhất ở làng phong.

Gia đình ông Phạm Văn Vòng và bà Trần Thị Nhung đang sống trong khu tập thể của khoa là đôi vợ chồng nhiều tuổi nhất ở đây. Cả hai ông bà năm nay đã hơn 90 tuổi. Tuổi già sức yếu, hai ông bà sống nhờ vào người con gái. Cuộc sống sau bao nhiêu năm giờ đã bớt vất vả, khổ cực nhiều hơn trước khi mới về đây.

Bà Phạm Thị Thỏa, con gái ông Vòng tâm sự: “Bố mẹ tôi đều mắc bệnh phong cùi, gặp nhau ở trong Nghệ An rồi yêu nhau. Sinh sống ở quê được một thời gian nhưng do làng xóm dị nghị nên đã quyết định lên đây sinh sống. Tôi là con gái duy nhất nên phải theo bố lên đây để chăm sóc đỡ đần công việc. Tôi lập gia đình ở đây và con cái đã lớn đều đã lập gia đình cả rồi. Các cháu đều làm dâu, làm rể những gia đình làng bên gần đây. Chẳng có ai dị nghị gì chúng tôi là người bệnh phong như xưa nữa”.

Có lẽ ở làng phong này, được kể đến nhiều nhất là chuyện tình cảm động và đầy nước mắt của hai bệnh nhân phong, ông Lò Văn Tòng (ở tỉnh Sơn La) và bà Trương Thị Ái (ở Thanh Hóa). Chuyện tình của ông bà không chỉ những người trong khoa điều trị biết đến mà rất nhiều người dân sống xung quanh đây khi được hỏi đều biết.

Ông Tòng vốn là bệnh nhân phong ở tỉnh Sơn La được đưa xuống Hà Nội điều trị. Trong thời gian ông nằm điều trị thì bà Ái do bệnh nặng đã được các bác sĩ ở khoa phong đưa ra Hà Nội cắt bỏ một phần thân thể do bị phong ăn mòn. Hai ông bà gặp nhau, chỉ trong khoảng thời gian ngắn gần gũi, họ đã thấu hiểu và đồng cảm về hoàn cảnh của nhau rồi tình cảm nảy nở từ lúc nào không hay.

Các bệnh nhân phong đang kể về những câu chuyện tình cảm động trong làng.
Các bệnh nhân phong đang kể về những câu chuyện tình cảm động trong làng.

Điều trị xong, bà Ái quay trở về Thanh Hóa, ông Tòng cũng trở về Sơn La. Tháng ngày xa cách đã khiến nỗi nhớ trong ông ngày một lớn lên, rồi ông quyết đinh vào tận khoa phong Thanh Hóa tìm gặp bà. Cuộc gặp sau bao nhiêu ngày xa cách khiến ai chứng kiến cũng cảm động.

Rồi ông Tòng đã xin được ở lại để có thể gần gũi và chăm sóc bà Ái được nhiều hơn. Các bác sĩ sắp xếp cho hai người ở khu tập thể. Họ đã qua bao nhiêu tháng ngày hạnh phúc, dù không có con cái nhưng hai mảnh đời ấy vẫn bên nhau, ngày ngày chăm sóc nhau bằng những tình cảm chân thành nhất.

Ở làng phong Cẩm Bình này có cả chuyện tình của những người bình thường, vượt qua mọi sự ngăn cấm để đến với những bệnh nhân phong.

Các bệnh nhân phong đang kể về những câu chuyện tình cảm động trong làng.
Bà Mai Thị Nụ bỏ qua mọi mặc cảm, ngăn cách để yêu và lấy ông Nguyễn Đăng Xuyên cho dù ông bị bệnh phong cùi.

Ông Hà Văn Thiệp quê ở xã Nga An, huyện Nga Sơn lên điều trị bệnh ở đây từ năm 1970. Trong thời gian điều trị ở đây ông được sự quan tâm chăm sóc của một bệnh nhân cũng mắc bệnh nhưng ở cấp độ nhẹ hơn bà là Đỗ Thị Thành người xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy. Được một thời gian bà Thành khỏi bệnh trở về quê.

“Khi bà Thành về quê, vì có tình cảm với bà rồi nên tôi đã đi bộ vượt 12 km từ khoa phong để đến gặp bà. Gia đình nhà bà ấy không chấp nhận tôi vì cho rằng tôi mắc bệnh rồi hai người không hợp với nhau. Phải mất một thời gian dài, lâu lâu tôi lại đi bộ lên thăm bà cho dù gia đình vẫn cứ ngăn cấm. Thế rồi tình cảm của tôi làm cảm phục bà, mặc cho gia đình ngăn cấm chúng tôi vẫn quyết tâm đến với nhau, cùng nhau xây hạnh phúc”.

Hiện nay gia đình ông Thiệp bà Thành có 6 người con đều đã trưởng thành và lập gia đình. Điều may mắn là cả 6 người con của ông bà Thiệp không ai mắc hay có một triệu chứng liên quan đến bệnh mà bố mang phải. Các con của ông Thiệp đều lấy vợ lấy chồng ở những làng gần bên làng phong này. Những người sống xung quanh làng phong đều đã bỏ qua mặc cảm và không còn sự ngăn cách như trước khi họ chưa hiểu được về căn bệnh phong.

Nhắc đến những chuyện tình ở làng phong Cẩm Bình, không thể không nói đến một mối tình vượt lên hoàn cảnh, sự ngăn cách về bệnh tật và họ đến với nhau bằng tình thương yêu sự sẻ chia. “Tôi thấy ông ấy bệnh tật, thường xuyên đau ốm nên thấy thương lắm, rồi tôi đem lòng yêu thương. Muốn được sống cạnh bên rồi chăm sóc cho ông ấy. Cho dù gia đình tôi không bao giờ đồng ý”, bà Mai Thị Nụ vẫn chưa quên tình cảm những ngày đầu đem lòng yêu ông Nguyễn Đăng Xuyên kể lại.

Hai ông bà mỗi người một quê, bà Nụ quê ở Nga Sơn đi làm công nhân cho nông trường gần đây. Tình cờ gặp ông Xuyên người xã Đông Lĩnh, huyện Đông Sơn là bệnh nhân điều trị ở khoa phong. Thấy ông bệnh tật bà đem lòng yêu ông chỉ hi vọng là được chăm sóc ông.

Niềm vui trong căn nhà nhỏ ông Xuyên bà Nụ và cháu nội mới ra đời là hạnh phúc mới trên làng phong.
Niềm vui trong căn nhà nhỏ ông Xuyên bà Nụ và cháu nội mới ra đời là hạnh phúc mới trên làng phong.

Họ cùng nhau lập gia đình rồi xin ra ở riêng với nhau trong khu đất gần làng phong để lập nghiệp. Tình yêu của họ sau thời gian dài đã đơm hoa kết trái. Người con trai đầu lòng và duy nhất là anh Nguyễn Đăng Bình đến nay cũng đã lập gia đình và hạ sinh cho ông bà người cháu nội hoàn toàn khỏe mạnh.

Thái Bá - Duy Tuyên