Những “chuyện lạ” kinh tế đang chờ đón trong năm 2015
(Dân trí) - Phân tích các diễn biến trong đời sống kinh tế chính trị năm 2014 và những dự cảm cho tình hình năm 2015, Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ đã nhắc đến những xung lực mới, hay như theo cách gọi vui của ông là những “chuyện lạ” đang chờ đón năm mới.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhận định, năm 2015, nền kinh tế sẽ có những điểm "lạ" khởi sắc.
“Tôi và chúng ta”
Tròn một năm trước, ông nhận định “đã đến thời điểm cho phép chúng ta nghĩ đến phục hồi tăng trưởng theo mục tiêu hợp lý”. Đến nay, ông có hài lòng về đánh giá này của mình?
Trước hết, trong đánh giá nền kinh tế, tôi không muốn nhấn mạnh đến cái “tôi”, mà khách quan nhất nên là “tôi và chúng ta”. Trên quan điểm này, qua theo dõi, thì thấy rằng năm 2014 cũng có một hiện tượng khá lý thú là ở cả 3 kênh đánh giá là đánh giá của các chuyên gia kinh tế trong nước và truyền thông trong nước; đánh giá của các tổ chức quốc tế là các đối tác phát triển của Việt Nam và thứ ba là đánh giá của các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài; thì ở cả 3 kênh này, đều có cách nhìn nhận đánh giá về kinh tế Việt Nam 2014 khá thống nhất, tương đồng, không có mâu thuẫn, tuy mức độ, liều lượng có thể khác nhau một chút. Đây là điểm khác biệt so với năm trước và cũng là điểm khá đáng mừng.
Về việc từ ý nghĩ “đã đến lúc phục hồi tăng trưởng hợp lý”, so với thực tế diễn ra trong một năm qua, thì ý nghĩ này có phải là lãng mạn hay không? Chắn chắn là không, căn cứ trên 4 kết quả không thể phủ nhận. Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định và được củng cố và vững chắc hơn 2013. Lạm phát thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của Quốc hội. Thứ hai là tăng trưởng đạt được mức trên 5,8%, đây là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ này chỉ tiêu tăng trưởng đạt vượt kế hoạch.
Thứ ba, thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn, lãi suất huy động và cả cho vay đều giảm, nhất là lãi suất cho vay giảm rất mạnh so với thời kỳ trước đây; Tỷ giá của VND so với USD ít biến động và điều này nó hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu và củng cố tâm lý thị trường; Thị trường chứng khoán nằm trong 5 thị trường có tăng trưởng mạnh nhất thế giới; Dự trữ ngoại hối tăng khá mạnh. Thứ tư là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể, dù đó cũng mới là những kết quả quan trọng bước đầu.
Nếu cho rằng tái cơ cấu kinh tế đã đạt được những tiến bộ đáng kể, thì dường như chỉ mang tính động viên tinh thần là chính vì đã có thước đo nào cho sự đáng kể này, thưa ông?
Ban Kinh tế đã có báo cáo tổng kết rất công phu về tình hình thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, và QH cũng đã có riêng một báo cáo giám sát để đánh giá vấn đề này. Qua đó, có thể lượng hóa được khá thực chất về những kết quả bước đầu của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Chẳng hạn, trong tái cơ cấu đầu tư công chúng ta đang triển khai đúng hướng, giảm dần được phân tán, dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tăng lên. Các số liệu về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho thấy, trong giai đoạn 2006 - 2010 thì ICOR của toàn bộ nền kinh tế là 6.96. Ước tính cho giai đoạn 2011 – 2015 giảm xuống khoảng 6.5. Riêng khu vực công, thì có thấy chuyển biến này còn rõ hơn. Nếu giai đoạn 2006 – 2010, ICOR bình quân khu vực nhà nước là 9.6 thì giai đoạn 2011 – 2013, theo số liệu mà chúng tôi tính được, thì nó đã giảm xuống còn 7.5. Tuy nhiên, như tôi vừa nói, tái cơ cấu nền kinh tế có thực hiện khá quyết liệt nhưng đó mới chỉ là kết quả bước đầu, tốc độ rõ ràng không đạt yêu cầu như mong muốn.
“Không còn mù mờ”
Ông có thể kể ra những thách thức chuyển giao sang năm 2015 và ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó với thách thức của chúng ta?
Phải nói rằng tình hình chuyển giao thách thức này của năm 2014 sang năm 2015 nó rõ rệt hơn nhiều so với cách đây một năm trước. Năm 2013 mà dự đoán cho năm 2014 mù mờ lắm, còn năm 2015, sáng lên rất nhiều. Nếu có lo lắng, thì đó là lo lắng về rủi ro đến vì năng lực quản lý điều hành tổ chức thực hiện của chúng ta. Nhưng sự rủi ro, này nếu có, thì cũng không chỉ do lỗi điều hành của riêng Chính phủ. Vì vậy, tất cả địa phương, các bộ, các ngành, các cấp và chính người dân, doanh nghiệp cùng chung sức để ứng phó với những thách thức này.
Một trong những thách thức lớn của năm 2015 là một số cân đối vĩ mô còn rất khó khăn nhất là về thu chi ngân sách trong điều kiện nợ công đã gần chạm trần và giá dầu thô giảm sâu và kéo dài. Tuy chúng ta vẫn bảo đảm, nhưng phải có những giải pháp căn cơ cho hơn để những cân đối này không còn là thách thức cho những năm về sau. Như đối với cân đối ngân sách, nếu chúng ta có cơ cấu hợp lý, chi thường xuyên khoảng 50%, khoảng 25-30% cho đầu tư, còn 15-20% cho trả nợ, như thế rất là đẹp. Nhưng hiện nay cân đối ngân sách đến năm 2014 chi cho bộ máy, cho con người, cho thường xuyên tới trên 67%, phần còn lại cho đầu tư, phần cho trả nợ rất ít.
Những thách thức nữa là tốc độ tăng trưởng chưa cân xứng với tiềm năng, do nhu cầu nội địa phục hồi chậm.Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn rất khó khăn. Qua báo cáo của Tổng cục Thuế thì số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có thuế thu nhập để nộp thuế thì cũng thấp, khoảng 30% thôi. Nợ công của chúng ta cao, áp lực trả nợ ngân sách lớn, chúng ta còn phải vay nợ để đảo nợ khá nhiều. Nợ xấu còn cao, xử lý thì còn chậm và chưa thực sự hiệu quả…
Lạm phát năm 2014, có người gọi đó là “món quà”, có người gọi đó là “món nợ” để lại cho năm 2015. Còn ông?
Đúng là xoay quanh kết quả lạm phát thấp của năm 2014, cũng nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, có luồng ý kiến cho rằng tổng cầu thấp quá, cứ để lạm phát thấp mãi thế này không khéo lại trì trệ, thiểu phát. Nên hiểu vấn đề này thế nào cho khách quan?
Theo chúng tôi lạm phát thấp nó có mấy vấn đề chính: Một là, năm 2014 giá thế giới giảm rất mạnh, nhất là giá năng lượng, từ giữa tháng 6 cho đến nay, giá dầu giảm rất mạnh. Trong rổ tính CPI của Việt Nam thì giá xăng dầu, nhiên liệu, giao thông ở Việt Nam luôn có ảnh hưởng rất lớn nên khi nhóm giá này giảm, là yếu tố giúp cho lạm phát thấp. Vấn đề thứ hai, là lạm phát thấp, có phải do tổng cầu giảm không? Nếu chúng ta lấy tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trừ đi cái chỉ số lạm phát thì tổng cầu có tăng hơn trước một chút, tất nhiên mức tăng vẫn còn thấp không được như kỳ vọng của chúng ta mong muốn, do chi tiêu công của chúng ta không có dư giả nhiều, nhưng không có chuyện tổng cầu giảm.
Với kết quả lạm phát thấp, còn nổi lên một điều mà theo tôi là tốt. Lạm phát thấp còn thể hiện tập quán chi tiêu của người dân cũng có những thay đổi, trước kia no dồn đói góp, bây giờ thị trường rất thuận tiện nên tập quán và tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam cũng có những thay đổi... Rõ ràng là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và ổn định hơn. Vậy thì sao có thế coi nó là “món nợ”?
“Động lực thôi thúc”
Nhìn về năm 2015, năm khắp nơi rộn ràng tổ chức Đại hội Đảng các cấp, liệu các hoạt động của nền kinh tế có vì thế mà ngưng trệ?
Tôi cho rằng không những không ngưng trệ mà còn ngược lại, diễn biến đó tạo ra khí thế, xung lực, động lực thôi thúc chúng ta về đích. Trong thời gian qua, khi chúng tôi đi làm việc với các địa phương, các bộ ngành, họ đều gọi năm gọi năm 2015 là năm chạy nước rút để tạo đà tốt nhất chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Theo đó, hiện giờ, khắp nơi đang với tinh thần tập trung cao độ, với nhiều nỗ lực để đạt mức hoàn thành các chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm (2011- 2015). Người Việt mình khi mà chạy nước rút, với động lực thôi thúc về đích là cũng đáng nể đấy!
Có vẻ năm 2015 sẽ là năm khởi đầu với nhiều niềm vui, thưa ông?
Chắn chắn là như vậy. Tôi còn thấy năm 2015 là năm rất “lạ”, khi chúng ta sẽ triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại. Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam- Hàn Quốc sẽ được ký trong khoảng đầu năm 2015. Đây là Hiệp định không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hợp tác thương mại song phương hướng tới mục tiêu kim ngạch 70 tỷ USD vào năm 2020, mà còn góp phần thúc đẩy toàn diện quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.
Chúng ta đang đồng thời tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao với sự tham gia của các cường quốc, các khối kinh tế lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nga, Nhật Bản, Úc... Đại diện Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc đã ký Biên bản thoả thuận về kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga – Kazakhstan – Belarus cũng đã hoàn tất quá trình đàm phán FTA. Năm 2015, Việt Nam cũng sẽ chính thức tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Một số đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi dự một Hội thảo về Hội nhập do Ban Kinh tế vừa tổ chức có nói: “chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán như thế này, dồn vào năm 2015”.
Tất nhiên việc “gặt hái” như vậy tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cũng không nhỏ. Nhưng về cơ bản, việc tham gia ký kết và đàm phán tham gia các hiệp định FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, giúp xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường đầy đủ có định hướng XHCN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết lao động, tạo công ăn việc làm, nâng cao tiền lương và thu nhập...Tất cả các sự kiện về hội nhập quốc tế như vậy tạo ra động lực quan trọng đối với tăng trưởng thương mại và đầu tư, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Cùng đó, năm 2015 cũng là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh được ban hành và có hiệu lực như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác; Tất cả các bộ luật này tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng. Cộng với cái mà Chính phủ đã và đang làm là cam kết đưa mức môi trường đầu tư kinh doanh của ta xuống mức bình quân của Asean 6, nhất là trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, tiếp cận điện lực, đất đai…
Tôi nghĩ với sự cộng hưởng như vậy sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế. Vấn đề còn lại là tổ chức chỉ đạo quyết liệt như thế nào, thực hiện chương trình hành động quyết liệt thế nào để có thể tận dụng được những điểm “lạ” như vậy của năm 2015.
Lê Châu