Khánh Hòa:
Những chú chó béc-giê hàng đầu của biên phòng “xứ trầm”
(Dân trí) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, chúng tôi có dịp ghé thăm Đồn biên phòng Vĩnh Lương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) và được nghe những câu chuyện huấn luyện chó béc-giê đầy thú vị!
Theo sự giới thiệu của Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đến Đồn biên phòng Vĩnh Lương (TP Nha Trang) vào một ngày giáp Tết.
Đây là một trong những nơi đang nuôi những chú chó nghiệp vụ cực kỳ thông minh và tham gia khám phá nhiều chiến công. Điển hình trong số đó không thể không kể đến chó nghiệp vụ Mirôn và cho Xô-táp.
Trung úy Nguyễn Ngọc Tuấn (SN 1991, quê Nha Trang, Khánh Hòa), từng theo học huấn luyện chó chiến đấu tại trường Trung cấp 24 Biên Phòng (Hà Nội). Năm 2014, anh ra trường và được phân công về làm nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Vĩnh Lương (TP Nha Trang) cùng chó béc-giê Mirôn - “người bạn” mà anh huấn luyện 2 năm khi đang theo học.
Chó Mirôn hiện nay được 7 tuổi, nặng khoảng 31kg và một trong những chú chó nghiệp vụ tinh khôn, quan trọng hàng đầu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa. Chia sẻ về cơ duyên đi theo nghiệp huấn luyện chó nghiệp vụ, Trung úy Tuấn hồi tưởng: Ngay từ nhỏ, bản thân anh là một người rất yêu thích động vật, nhất là các chú chó. Do đó, khi vào trong quân ngũ, anh được biết có lớp huấn luyện chó nghiệp vụ nên quyết định đăng ký theo học.
Trung úy Tuấn kể, từ lúc hơn một năm tuổi, chó Mirôn được các chuyên gia đưa vào môi trường huấn luyện. Lúc anh mới tiếp nhận thì chó Mirôn cũng bình thường như bao chú chó béc-giê khác.
“Sau 2 năm huấn luyện theo các bài tập được các thầy hướng dẫn, chó Mirôn đã thay đổi gần như tất cả mọi thứ. Đó là, có thể dùng chú chó này để chiến đấu bắt tội phạm, lùng sục, truy tìm đối tượng, canh gác, đánh hơi ma túy, hoặc tham gia tìm kiếm cứu nạn…”, Trung úy Tuấn cho biết.
Nhiều năm hàn huyên bên nhau, tình cảm giữa người và chó rất gần gũi, thân thiết như những người bạn tri kỷ. Nếu có điều gì đó khiến chó Mirôn hưng phấn, hào hứng thì đuôi chúng sẽ ngoe nguẩy, dựng thẳng lên trời. Ngược lại, đuôi chú chó sẽ cụp xuống nếu bị la mắng hay sợ hãi.
“Những lúc đi xa dài ngày hay về phép trở lại đơn vị, chó Mirôn sẽ lao ra quấn quýt, hồ hởi vồ lấy tôi. Trong những ngày thiếu vắng tôi thì nó cũng buồn ra mặt, thậm chí bỏ ăn”, Trung úy Tuấn nói.
Kể về những chiến công chú “chó cưng” của mình, Trung úy Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, chó Mirôn cùng những chú chó khác thường được huy động trong các đợt tuần tra phá rừng, hay phối hợp cùng các chú chó khác từng lập chiến công truy bắt đối tượng ma túy (tháng 3/2017)…
Trong khi đó, Thiếu úy Lê Văn Chính (SN 1995, quê huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), người đang huấn luyện chó béc-giê Xô-táp, nay đã được 4 tuổi. Anh Chính kể, tháng 9/2015, anh tiếp nhận huấn luyện chú chó này tại trường Trung cấp 24 Biên phòng (Hà Nội). Đến tháng 9/2017, anh ra trường và nhận chú chó này về công tác tại Đồn Biên phòng Vĩnh Lương (TP Nha Trang).
“Khi mới tiếp nhận, tôi cũng rất lo lắng vì đây là giống chó nghiệp vụ, thân hình vạm vỡ và rất hung dữ”, anh nhớ lại.
Thiếu úy Chính kể, với chó nghiệp vụ thì khâu dinh dưỡng, ăn uống rất quan trọng. Tùy theo lúc đang huấn luyện ở trường hay về cơ sở làm nhiệm vụ mà khẩu phần ăn cũng khác nhau. Tuy nhiên, thức ăn cho những chú chó nghiệp vụ luôn ưu tiên hàm lượng tinh bột, chất đạm và rau xanh.
“Sau khi tiếp nhận, tôi mất một tháng để gắn kết giữa người và chó, làm quen và trở nên thân thiết. Đến nay, có thể nói kỹ năng vượt trội của chó Xô-táp là sức chạy, sức cắn và sức chiến đấu”, Thiếu úy Chính tự hào.
Dù mới về làm nhiệm vụ ngắn ở Đồn biên phòng Vĩnh Lương nhưng trước đó vào tháng 9/2017, dưới sự chỉ huy của các đơn vị nghiệp vụ, chó Xô-táp đã phối hợp cùng một chú chó nghiệp vụ khác là Y Bin phát hiện một vụ phá rừng khi tuần tra ở khu vực núi Hòn Hèo – Hang Dơi (thị xã Ninh Hòa)…
“Có thể nói, mối quan hệ giữa huấn luyện viên và chó nghiệp vụ rất thân thiết, như tình đồng chí, đồng đội! Bản thân tôi có hoàn thành nhiệm vụ hay không là nhờ sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ”, Thiếu úy trẻ chia sẻ thêm.
Những chú chó béc-giê hàng đầu của biên phòng “xứ trầm”
Viết Hảo