Thừa Thiên - Huế:
Những “chỗ trọ” ấm áp tình người
(Dân trí) - Tháng 7, trời Huế nắng như đổ lửa. Hàng vạn thí sinh nườm nượp đổ về cố đô chuẩn bị cho kỳ thi ĐH đợt 2. Rất nhiều “mạnh thường quân” đã mở rộng cửa nhà và lòng nhân ái đón sĩ tử về ở với gia đình.
“Có đáng chi mà tính toán”
Đã 5 năm nay, vợ chồng anh Nguyễn Văn Bốn và chị Bùi Thị Lan trú tại khu vực 10, phường An Hoà cứ đến mùa thi Đại học, Cao đẳng lại chỉnh trang, thu dọn nhà cửa để đón các em thí sinh về dự thi vào ăn ở tại nhà mình mà không hề lấy một đồng.
Chị Lan bứt rau trong vườn phục vụ thí sinh
Hoàn cảnh gia đình chẳng lấy gì khá giả, công việc của chị Lan là bán hàng cháo rong, ngày kiếm vài đồng nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học. Còn anh Bốn làm nghề đạp xích lô thuê - công việc thất thường, ngày có, ngày không.
Cuộc sống tuy khó khăn nhưng anh chị luôn mở rộng tấm lòng sẵn sàng giúp chỗ ăn ở cho thí sinh và người nhà.
“Các em về đây ở cũng như con cháu mình đi nơi khác thôi, mình chẳng phải giàu có gì. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, ngủ trên giường không đủ chỗ thì trải chiếu ngủ giữa nền nhà. Chỉ mong cho các em thi đậu là tôi mừng”, chị Lan tâm sự.
Khác với hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng anh Bốn chị Lan, gia đình bác Phạm Ngọc Bằng, số nhà 50, Bùi Thị Xuân, TP Huế, có điều kiện hơn nhiều. Tuy vậy chẳng khi nào bác Bằng phân biệt, so đo hay tính toán, suy nghĩ gì. Nhà tuy chật nhưng suốt 4 năm nay gia đình bác vẫn giúp thường từ 4 đến 6 thí sinh mỗi đợt thi có chỗ ở miễn phí. Thậm chí có năm, 10 thí sinh cùng vào ở vui vẻ trong nhà bác.
Gia đình bác Bằng là địa chỉ đáng tin cậy cho các sĩ tử yên tâm vượt vũ môn
85 tuổi vẫn tích cực tiếp sức mùa thi
Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng cụ Hà Thị Chắt ở cụm 3, làng La Chữ (xã Hương Chữ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) vẫn tích cực ủng hộ phong trào tiếp sức mùa thi. Cứ mỗi khi kì tuyển sinh đến, cụ Chắt lại nhờ con cháu đem chăn màn trong tủ ra giặt giũ sạch sẽ, cái nào hỏng cụ bảo con dâu đi mua mới để chuẩn bị đón tiếp thí sinh. “Mua chăn màn đề phòng muỗi cắn các cháu, đi thi mà sốt xuất huyết là tội lắm”, cụ Chắt lo lắng.
Chăm lo cho các thí sinh và người thân như con cháu trong nhà nhưng gia đình cụ Chắt không hề nhắc gì chuyện tiền công. Nếu người nhà thí sinh nài ép thì cụ lấy chút ít cho có lệ.
Còn nhớ thời chiến tranh, cụ tham gia lực lượng thanh niên xung phong đóng quân tại miền Trung, đơn vị cụ ngày đó phải sơ tán vào nhà dân và được những người dân tốt bụng đùm bọc. Có lẽ chính từ những kỷ niệm ngày ấy mà từ khi có phong trào sinh viên tình nguyện giúp đỡ thí sinh về dự thi, cụ Chắt nhiệt tình tham gia ngay. Mỗi lần như vậy cụ thường dặn dò các tình nguyện viên: “Mấy cháu cứ dắt đến nhà cụ, không đủ chỗ cụ gửi sang nhà con trai cụ”.
Đến nay gia đình cụ Chắt đã có thêm hàng chục người con nuôi, cháu nuôi cũng từ những dịp tiếp sức mùa đi. Cảm động trước tình cảm của gia đình cụ, những người từng đến ở nhà cụ khi về rồi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm. “Hôm vừa rồi có mấy đứa ở Nghệ An ghé nhà chào để về quê nghỉ hè, thỉnh thoảng mấy cháu vẫn lên nhà thăm hỏi, nếu rảnh thì có khi ở lại chơi cả ngày. Có đứa học ra trường rồi nhưng có dịp qua Huế là nhất quyết ghé thăm cho tui ký cam, quýt ăn lấy sức”, cụ Chắt vui vẻ khoe về những đứa “con nuôi” của mình.
Rất nhiều gia đình khác đã mở cửa trong suốt cả mùa tuyển sinh để đón sĩ tử. Như vợ chồng ông Đoàn Phú Giác (trú số 83 đường Lê Ngô Cát, phường Trường An, Huế), bản thân ông phải ngồi xe lăn, gia đình nghèo nhưng vẫn sẵn sàng cho thí sinh vào ở; gia đình anh Phạm Gia Nam (tại 15/56 Hải Triều, Huế), dành chính những căn phòng mình đang ở cho sĩ tử nghỉ ngơi…
Tại thôn Lại Thế - Ngọc Anh (Phú Thượng, Phú Vang) có 8 hộ dân đang hỗ trợ tổng cộng 41 chỗ ở miễn phí cho các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học 2010. Hội khuyến học thôn này sẽ hỗ trợ thí sinh buổi ăn sáng vào các ngày 8, 9 ,10 tháng 7. |
Đại Dương - Doãn Công