1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những chiến sỹ sống cùng sóng thông tin

(Dân trí) - Công việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng bao năm qua, những cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu Trạm thu, phát sóng Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa vẫn ngày đêm cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhà đài bám mục tiêu, giữ vững cho những làn sóng, thông tin thông suốt…

Nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, Trạm thu, phát sóng mặt đất Đài Phát thanh, truyền hình Thanh Hóa (PTTH) là một mục tiêu quan trọng của tỉnh Thanh Hóa, nằm trên đỉnh đồi Quyết thắng. Trạm được xây dựng trên đỉnh núi Cánh Tiên, đồi Quyết Thắng, một trong những ngọn núi cao nhất trong quần thể 99 ngọn núi đã tạo nên dáng hình Hàm Rồng.

img-5226-3f4ed
Nhiệm vụ của đội cảnh sát bảo vệ là đảm bảo thông suốt cho những làn sóng truyền đi

Đã hàng chục năm qua, Trạm thu, phát sóng Đài PTTH Thanh Hóa, trạm thu, phát sóng của VNPT và một số mạng viễn thông, di động của các đơn vị khác đã sừng sững, hiên ngang thách thức với thời gian.

Để có được những thông tin thông suốt trên những làn sóng nhưng ít ai hiểu và biết được những gian lao, chiến công của các chiến sỹ Cảnh sát bảo vệ mục tiêu, Công an Thanh Hóa, họ đã phải ngày đêm bám trụ đảm bảo an toàn tuyệt đối mục tiêu này.

Trung tá Lê Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu Trạm thu, phát sóng Đài PTTH Thanh Hóa, là người đã bám trụ trên đồi Quyết Thắng hơn 20 năm nay. Làm nhiệm vụ nơi đây từ năm 1993, Trung tá Minh đã chứng kiến biết bao khó khăn, vất vả, cũng như những đổi thay từng ngày trên mảnh đất này.

img-5194-edc6d
Điều kiện sinh hoạt nơi đây gặp muôn vàn khó khăn

“Toàn Đội có 9 đồng chí, trong đó có 3 cán bộ và 6 chiến sỹ nghĩa vụ. Nhiệm vụ hàng ngày của đội là chia nhau đi tuần tra, kiểm soát khu vực Trạm thu, phát sóng và vùng lân cận, qua đó phát hiện những đối tượng có biểu hiện lợi dụng để phá hoại, trộm cắp vật tư, thiết bị, cáp quang của Trạm thu, phát sóng để kịp thời có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa…”, Trung tá Minh chia sẻ.

Vào cuối năm 2012, một chiếc ô tô của người dân đi vào khu vực này, do tài xế đã không hạ ben sau khi đổ hàng nên đã vướng và khiến đường dây truyền tín hiệu của Trạm PTTH bị đứt, gây mất sóng hoàn toàn. Điều đáng nói là tài xế này đã bỏ chạy, khiến cho công tác tìm kiếm, khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Trung tá Minh và một số cán bộ kỹ thuật của Đài PTTH đã đi dò từng đoạn đường dây tín hiệu đi qua để nhanh chóng khắc phục sự cố, đồng thời truy tìm thủ phạm. Sau 2 ngày đêm tích cực điều tra, xác minh, các chiến sỹ đã phát hiện được chiếc xe làm đứt đường truyền tín hiệu đang được sửa chữa trong một gara ở khu vực Đình Hương, đồng thời buộc doanh nghiệp và tài xế phải khắc phục hoàn toàn sự cố.

Đó là một trong những chiến công và cũng là nhiệm vụ mà các anh đã âm thầm hoàn thành vì mục tiêu để Trạm thu, phát sóng của Đài PTTH Thanh Hóa, của VNPT, Viettel đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

img-5238-a881b
Nước sinh hoạt luôn khan hiếm vào mùa hè

Mặc dù nơi các anh công tác nằm giữa trung tâm thành phố nhưng nếu không tận mắt chứng kiến, không được nghe các anh chia sẻ về những khó khăn, thách thức thì ai cũng nghĩ rằng công việc của các anh cỏ vẻ nhẹ nhàng, nhàn hạ. Nơi đây có độ cao gần 200m so với mặt nước biển, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của anh em cán bộ chiến sỹ hoàn toàn dựa vào nguồn nước mưa, mỗi năm lại mất 3 - 5 tháng thiếu nước trầm trọng.

Vào những thời điểm khan hiếm nước sinh hoạt, cán bộ, chiến sỹ luân phiên thay nhau cuốc bộ đường đèo dốc, rừng núi xuống tận khu dân cư để xin, hoặc mua nước về sử dụng. Có nước đã đành, nhưng để mang được một can nước 20 lít lên đến nơi cũng là cả một vấn đề. Con đường tuy gần nhưng là đường rừng, núi phải đi bộ rất khó khăn. Có những thời điểm, anh em phải tận dụng nguồn nước thải từ máy điều hòa làm mát máy của các thiết bị kỹ thuật của Trạm thu phát sóng để làm nước sinh hoạt.

Thiếu úy Đồng Văn Phú - Đội phó Đội Cảnh sát Bảo vệ mục tiêu Trạm thu, phát sóng Đài PTTH Thanh Hóa tâm sự: “Lúc đầu, mới lên đây tôi cũng không nghĩ rằng giữa trung tâm thành phố mà điều kiện lại thiếu thốn như vậy. Hàng ngày anh em trong đội và các cán bộ bên Đài PTTH phải chia nhau từng giọt nước của máy điều hòa làm nước sinh hoạt. Ngày đầu do chưa biết, tôi lấy nước đó tắm, nhưng khi tắm xong thì người nổi đầy nốt đỏ, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng”.

img-5206-c32b4
Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các cán bộ, chiến sỹ luôn hoàn thành nhiệm vụ

Mùa hè thiếu nước đã khổ, mùa đông đến cũng chẳng sung sướng gì khi nhiệt độ trên đỉnh đồi này thường thấp hơn các khu vực khác. Trong khi đó các cán bộ, chiến sỹ tắm bằng nước mưa, nhà tắm thì không có nên lạnh thấu xương. Đó là chưa kể, nhiều đêm, anh em nằm ngủ còn có rắn, rết “ghé thăm” nơi ngủ. Đặc biệt là sấm, sét ở đây tập trung nhiều hơn bất cứ ở đâu. Cứ vào những hôm trời mưa, giông, sấm chớp lại nổi lên đùng đùng, sét đánh tứ phía, đánh sát ngay nơi mình ngủ, tóe sáng cả một góc trời.

Chiến sỹ Trần Đại Nghĩa đã từng bị rắn lục cắn phải ra Hà Nội chữa trị mới giữ được tính mạng; rồi có những lần rắn bò vào nằm tròn vo trong chăn, trong tủ quần áo của anh em.

Qua những gì chứng kiến và được nghe các anh kể mới cảm nhận được phần nào những khó khăn, gian khổ, thách thức và cả những hi sinh mà các anh trải qua. Nhưng họ vẫn kiên cường bám trụ dưới chân sóng!

Tiến Vân - Duy Tuyên