1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những chiến sĩ bảo vệ tử tù

Theo quy định, trước khi chết, tử tù được cho ăn một bữa ăn cuối cùng, được hút thuốc, viết thư cho người thân. Trong quá trình ấy, luôn có các chiến sỹ cảnh sát bảo vệ bên cạnh, theo dõi bởi chỉ một phút lơ là, tử tù có thể đập đầu vào tường hay tìm cách tự sát.

Một trong số những nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (CSBV và HTTP) là bảo vệ các phiên tòa, áp giải bị can, bị cáo từ trại tạm giam ra hầu tòa, rồi từ tòa về trại tạm giam, áp giải các tử tù ra pháp trường, hỗ trợ đắc lực việc thi hành các bản án mà tòa đã tuyên. Do tính chất công việc nên họ phải chịu áp lực từ nhiều phía.

 

Từ sự để ý bản năng của những người tham dự phiên tòa…, các thành viên hội đồng xét xử, luật sư bào chữa, thân nhân các bị cáo và cả giới phóng viên trong và ngoài nước. Công việc làm cho họ cũng căng thẳng và nóng lên từng giờ theo độ nóng của từng phiên tòa.

 

Ngày ăn cơm tòa, đêm ngủ trại giam

 

Người ta còn nhớ đến phiên tòa xét xử vụ án buôn bán thuốc lắc và đường dây cá độ bóng đá do Chung Quốc Minh (A Lấn) và Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh “sự”) cầm đầu. Bước vào hồi kết, chủ tọa tuyên án Nguyễn Kim Oanh (em ruột Hạnh “sự”) bị tuyên án chung thân vì hành vi mua bán hơn 8.000 viên thuốc lắc.

 

Ngay khi vừa nghe tuyên án, Oanh ngã lăn ra đất gào khóc, giãy giụa và ngất xỉu. Ngay lập tức, người ta thấy hai chiến sỹ CSBV phải xốc nách đối tượng này vào bên trong và kết thúc phiên tòa, CSBV đã phải khiêng bị cáo suốt quãng đường gần 100m lên xe chở về trại tạm giam.

 

Đó chỉ là một trong vô vàn tình huống xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp tham gia bảo vệ phiên tòa, cưỡng chế thi hành án. Công việc của các anh luôn căng thẳng, chịu nhiều áp lực và luôn ẩn chứa nguy hiểm, từ việc áp giải các bị cáo tại ngoại, áp giải người làm chứng đến tòa; bắt áp giải về thi hành án phạt tù; quản lý kho vật chứng; bảo vệ trại giam; cưỡng chế thi hành án dân sự và thi hành án tử hình.

 

Thượng tá Vũ Thế Sủng, Trưởng phòng Thi hành án, Cục CSBV và HTTP cho chúng tôi biết, để bảo vệ thành công một phiên tòa không chỉ cần đủ quân số mà còn phải huy động cả trí tuệ tập thể. Chỉ cần một phút lơ là cũng có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

 

Đã có phiên tòa xử ly hôn, người chồng giết vợ ngay tại tòa án, hay có bị cáo dù chỉ bị xử án 2 năm tù giam nhưng không hiểu bằng cách nào bị cáo giấu được dao lam và rạch cổ tự tử.

 

Thậm chí, có những người đang thi hành án, chỉ còn 6 tháng nữa được ra tù, bỗng nhiên anh ta bị đau ruột thừa phải vào viện. Mới mổ được 3 ngày, vết mổ chưa kịp lành, phạm nhân này đã trốn viện về nhà…

 

Vì thế, bảo vệ thi hành án được coi là một trong những nhiệm vụ cam go nhất của Cục CSBV và HTTP.

 

Thường thì trong thời gian diễn ra phiên tòa, nhất là các phiên tòa có đông bị cáo, các cán bộ, chiến sỹ phải thức dậy từ 3-4h sáng, tới trại tạm giam đưa bị cáo lên xe rồi áp giải đến tòa án.

 

Có nhiều phiên tòa, CSBV, ngày ở tòa, đêm ngủ luôn ở trại tạm giam. Tính chất của phiên tòa căng thẳng thế nào thì các dây thần kinh của cán bộ, chiến sỹ cũng căng lên như thế, bởi lẽ chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến phiên tòa bị hoãn.

 

Thượng tá Nguyễn Huy Đạo, Phó phòng Thi hành án kể, phải cảnh giác với mọi “di biến động” của bị cáo vì đã có bị cáo bức xúc bê cả vành móng ngựa tấn công Hội đồng xét xử, ngồi trên xe đến tòa bị cáo có thể đập đầu vào thành xe gây chảy máu với mục đích hoãn phiên tòa lại.

 

Lúc tuyên án là thời điểm căng thẳng nhất trong mỗi phiên tòa. Điển hình là vụ tai nạn giao thông trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc làm chết hai em học sinh, gia đình các nạn nhân và cả người dân do chưa đồng ý với phán quyết của tòa án đã liên tục phản đối, làm mất trật tự phiên tòa. Những lúc ấy, cán bộ, chiến sỹ phải đến tận nơi, nhẹ nhàng nhắc nhở từng người giữ trật tự trong quá trình xử án.

 

Có những phiến tòa kéo dài ba tháng như phiên tòa xử Năm Cam, cùng với sự căng thẳng của diễn biến vụ án, lực lượng cán bộ, chiến sỹ cũng căng hết sức để đảm bảo an toàn cho Hội đồng xét xử và bản thân các bị cáo. Khi người dân không đồng ý với quyết định của Tòa án, họ có những cách phản đối tự phát, nhiều khi manh động. Tại một số phiên tòa, bị cáo và người thân của họ còn tấn công cả CSBV.

 

Điển hình là vụ án ở xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, người nhà bị cáo đã thuê hẳn 6 ôtô ca chở họ hàng, bạn bè ngăn không cho phiên tòa xét xử và tấn công lực lượng bảo vệ làm 12 chiến sỹ Cảnh sát bị thương. Có lẽ vì thế mà sự kiềm chế, thái độ bình tĩnh là một trong những yêu cầu đối với lực lượng CSBV phiên tòa, áp giải bị cáo.

 

Áp giải tử tù ra pháp trường - những đêm trắng của CSBV

 

Áp giải tử tù ra pháp trường, thi hành án tử hình có lẽ là nhiệm vụ gây sức ép tâm lý lớn nhất của lực lượng CSBV. Với các bị cáo phải nhận mức án cao nhất này, ngay từ khi tòa tuyên án, hầu hết họ đều rơi vào tâm trạng hoảng loạn. Thậm chí một số đối tượng khi đưa ra pháp trường đã lâm vào tình trạng chết lâm sàng.

 

Áp giải và thi hành án tử hình luôn đặt các CSBV vào tình thế “căng như dây đàn”, nói như lời đồng chí Nguyễn Huy Đạo, Phó trưởng Phòng thi hành án. Biết tử tù là những người có tội và họ chỉ có thể trả món nợ với xã hội bằng chính tính mạng của mình, nhưng với các chiến sỹ CSBV dẫn giải họ ra pháp trường và trực tiếp thi hành bản án vẫn là một trách nhiệm nặng nề. Bởi dẫu sao họ cũng là những người sắp phải từ bỏ cuộc sống, làm thế nào để họ chấp hành bản án tâm phục, khẩu phục và giữ ổn định tinh thần thật không đơn giản.

 

Có trường hợp như tử tù Dương Thị Liên, khi lấy dấu vân tay và làm các thủ tục trước khi thi hành án vẫn lớn tiếng chửi bới Hội đồng thi hành án và cán bộ áp giải. Có những tử tù khác do quá hoảng loạn đã ngất xỉu trên đường ra pháp trường.

 

Theo quy định của Nhà nước, trước khi chết, tử tù được cho ăn một bữa ăn cuối cùng, được hút thuốc, viết thư cho người thân. Trong quá trình ấy, luôn có các chiến sỹ CSBV bên cạnh, theo dõi từng thay đổi nhỏ trên nét mặt tử tù, từng động tác của họ bởi rất có thể, chỉ một phút lơ là, tử tù có thể đập đầu vào tường hay tìm mọi cách tự sát.

 

Đêm trước giờ thi hành án, 100% cán bộ, chiến sỹ CSBV thức trắng đêm, áp giải người bị thi hành án tử hình từ buồng giam đến nơi làm việc của Hội đồng thi hành án để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật trước khi thi hành án như lăn tay, kiểm tra căn cước đối chiếu với hồ sơ lưu, đọc quyết định thi hành án…

 

Thượng tá Nguyễn Huy Đạo tâm sự: “Họ có tội, họ phải chịu tội nhưng họ cũng là con người. Với những giây phút quý báu cuối cùng được sống, chúng tôi cố gắng để họ cảm thấy thoải mái, thấy được sự công bằng và nhân đạo của Nhà nước”. Khi thấy tử tù có biểu hiện hoảng loạn tinh thần, các cán bộ, chiến sỹ CSBV luôn tìm lời lẽ động viên, cố gắng thực hiện những yêu cầu của họ trong phạm vi có thể.

 

Chính nhờ lòng nhân ái của giám thị, quản giáo và CSBV, nhiều tử tù trước khi bị bắn cũng đã kịp sám hối, nhận ra lỗi lầm của mình. Dù muộn màng nhưng cũng làm cho tâm hồn của họ thanh thản hơn trước cái chết

 

Theo Lưu Vinh - Ngọc Yến

Công An Nhân Dân