1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những chàng Tarzan trên xứ sở sương mù

Như con sóc, Ha Đim bám vào thân cây thông cổ thụ cao vút cứ thế thoăn thoắt leo lên. Chỉ trong giây lát, chàng trai K'ho với dáng người nhỏ thó đã đứng vắt vẻo trên ngọn cây, như một chàng "Tarzan".

"Diễn xiếc" trên những ngọn thông

Chẳng cần phải nghỉ ngơi lấy sức, lên tới ngọn cây, Ha Đim (24 tuổi, ngụ buôn Suối Thông, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) rướn người, vươn cây sào dài ra xa giật từng quả thông già rơi xuống mặt đất. Thi thoảng, những cơn gió mạnh bất chợt quét qua, cả cây và người chao đảo đung đưa khiến ai chứng kiến cũng phải rùng mình, thót tim.

Mới 7 tuổi, Ha Đim đã lẽo đẽo theo cha rong ruổi khắp các cánh rừng ở buôn gần, bản xa để hái quả thông già. Với gia đình Ha Đim, mùa trái thông chín thực sự là thời điểm sung túc nhất trong năm, không còn phải lo tới cái ăn, cái mặc. Nghề leo cây hái quả thông vất vả và đầy rẫy hiểm nguy nhưng kết quả sau một ngày lao động là "tiền tươi thóc thật". Có bao nhiêu trái thông cũng bán hết, không lo ế phải đổ bỏ hoặc bán với giá rẻ như trồng các loại rau màu khác. "Nếu trúng", có ngày mỗi người đi hái quả thông kiếm được ngót triệu đồng, điều đó không phải là hiếm. Vì thế, cứ vào cuối tháng 9 hằng năm, những chàng trai người K'ho khỏe mạnh hiền lành ở buôn Suối Thông, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương lại rủ nhau băng rừng, vượt suối, lựa chọn những cây thông ba lá có quả nhiều nhất để leo hái.

Những chàng Tarzan trên xứ sở sương mù - 1

Vắt vẻo kiếm sống trên những ngọn thông.

Năm nay 24 tuổi nhưng Ha Đim đã có tới 17 mùa phát rẫy gắn bó với nghề leo trèo hái trái thông. Hằng ngày anh vắt vẻo trên những ngọn cây cao vút. Vào mùa trái thông chín, thời gian Ha Đim ở trên cây có khi còn nhiều hơn cả dưới mặt đất. Vì thế, chàng trai này thường được người dân địa phương so sánh với Tarzan, một nhân vật hư cấu nổi tiếng trong truyện của Edgar Rice Burroughs lấy bối cảnh là khu rừng rậm ở châu Phi. Ngụ ý nói, anh là "người rừng" bậc thầy với tài nghệ leo trèo, quanh năm suốt tháng sống trong những cánh rừng già.

Không như nhiều loại thực vật rừng khác, thông vốn là cây ưa ánh sáng, cứ thế lao vút lên không trung để chiếm trọn ánh mặt trời trong ngày. Trên cao nguyên quanh năm mát lạnh này, không hiếm những quần thể thông cổ thụ cả trăm năm tuổi, gốc lớn tới 2 người ôm không hết. Mỗi cây như thế thường có chiều cao tới 30m, thậm chí còn hơn thế nữa. Để hái được quả trên những cây thông lớn quá khổ như vậy, người ta vẫn phải leo lên ngọn, dùng sào dài giật rơi từng trái. Tuy nhiên, không nhiều người có đủ bản lĩnh để chinh phục những cây thông cổ thụ như vậy. Chiều cao và sự to lớn của cây thông thực sự là thách thức không hề nhỏ cho những người làm nghề hái quả thông già. Khi đã quyết định leo lên là đang đánh cược tính mạng của mình. Một sơ suất dù là rất nhỏ cũng có thể phải trả giá bằng cả mạng sống. Do vậy, ngay cả những người leo trèo hái trái thông lành nghề nhất dưới chân núi Mẹ này cũng phải hết sức thận trọng, dè chừng khi đối diện với loài thông cổ thụ. Nhưng, với Ha Đim thì khác, chưa một cây thông sai quả nào mà chàng "Tarzan" xứ Đơn Dương phải bó tay đứng nhìn.

Để leo được lên ngọn những cây thông có đường kính gốc quá khổ, lên tới gần 1m, người ta không thể trèo theo cách ôm chặt lấy thân cây. Cách duy nhất là dùng một sợi dây dù vòng qua gốc cây để làm điểm giữ, cứ thế bám lấy sợi dây hất lên mà leo từng bậc. Cách leo nguy hiểm này thường không dành cho những người mới tập tành bước chân vào nghề. Tôi  ngước mặt lên ngọn thông hỏi Ha Đim: Khi nào thì tính tới chuyện "nghỉ chơi" với nghề nguy hiểm này? Chàng trai K'ho dáng người nhỏ thó tủm tỉm cười giòn, đáp lớn: Đến lúc đôi chân thấy mỏi, cái tay thấy mệt thì nghỉ thôi...

Đang lúc cao hứng, chàng  "Tarzan" này chỉ tay ra hiệu, bảo tôi tập trung tinh thần để nhìn anh trình diễn. Rướn người, một tay nắm chắc cành thông, tay kia Ha Đim vung mạnh cây sào dài móc sang một cành to ở cây thông bên cạnh. Hú lên một tiếng lớn như để tạo sự chú ý, "người rừng" Ha Đim bám sào, vụt cái đã đu người bám sang cây thông bên cạnh cách đó khoảng 5m. Dưới đất, tôi lặng người, thót tim đứng nhìn. Ha Đim cười ha hả: "Lần đầu thấy phải không... Chuyện thường ngày của bọn mình ấy mà!".

Hành trang của những người đi hái trái thông già cũng đơn giản như chính cuộc sống của họ. Không đồ bảo hộ, không dây an toàn, họ chỉ có một cây sào dài được gắn với một móc câu bằng sắt và những bao tải lớn dùng để đựng quả thông. Mỗi đội đi hái trái thông thường có 2 người. Người này leo lên ngọn cây, dùng sào hái quả thì người kia ở dưới có nhiệm vụ nhặt trái thông cho vào bao. Người kia leo trèo thấm mệt thì lại đổi ca, xuống dưới nhặt quả để người này leo lên cây. Cứ thế, cả ngày họ cần mẫn leo trèo, thoăn thoắt như những con sóc, lúc ở cành này, khi lại cây kia, vắt vẻo, chênh vênh trên những ngọn thông già. Chỉ một giây lơ là, mất tập trung có thể xảy ra tai nạn ngay tức khắc. Kết quả là họ phải trả giá bằng cả mạng sống khi rơi xuống đất từ độ cao tới 2-3 chục mét.

Những chàng Tarzan trên xứ sở sương mù - 2

Thành quả của nghề kiếm sống trên những ngọn thông.

Vào mùa trái thông chín, Ha Đim cùng những người bạn thường dậy từ rất sớm để nấu cơm ăn sáng và gói đem theo để ăn bữa trưa giữa rừng. Đầu mùa, cây thông nào cũng nặng trĩu quả, những người đi hái quả thông không phải mất quá nhiều thời gian tìm kiếm, lựa chọn cây để leo lên kiếm quả. Có những cây thông to lớn, cho tới hơn 100kg quả mỗi lần hái nhưng cây như vậy thường không nhiều và rất nguy hiểm vì to, cao, không phải ai cũng dám liều mình leo lên.

Kết thúc một ngày lao động vất vả, phía trước cơ thể của những "người rừng" chi chít vết lằn đỏ, thậm chí trầy xước, rỉ máu. Đó là vùng của cơ thể tựa mạnh vào thân những cây thông già với lớp vỏ xù xì, thô ráp để leo lên và ghì chắc vào thân cây để rướn mình hái quả. Đôi bàn tay cồng kềnh, thô kệch và rắn chắc của Ha Đim là một minh chứng cho nghề leo trèo có thâm niên của chàng trai này. Giơ đôi bàn tay bám đầy nhựa thông lên, Ha Đim nói với tôi như khoe: "Mùa trái thông, nhà mình sống khỏe là nhờ vào đôi bàn tay không biết mệt này!...".

Sẩm tối, những bao tải đựng đầy ắp trái thông được chất lên chiếc xe máy cà tàng ì ạch rời rừng già, vượt suối men theo những lối mòn tìm đường trở về. Quả thông được những "người rừng" chở thẳng tới các địa điểm chuyên thu mua dọc quốc lộ 27 qua địa bàn xã Đạ Ròn và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Hôm nay, Ha Đim và người đồng hành hái được trên 150kg quả thông. Bán với giá 6.000 đồng/kg, chia ra mỗi người kiếm được ngót 500.000 đồng sau một ngày lao động vất vả và đầy hiểm nguy.

Đánh cược tính mạng

Khi những cánh rừng thông trên dãy núi Mẹ bao bọc quanh buôn được leo hái tới quả cuối cùng thì cũng là lúc cư dân sống bằng nghề hái quả thông ở huyện Đơn Dương lên đường tìm tới các cánh rừng xa hơn. Có khi họ phải di chuyển tới vài chục cây số, ngược đường tìm tới những cánh rừng thông nguyên sinh ở vùng ngoại ô Đà Lạt, hay xuôi quốc lộ 20 xuống tận huyện Di Linh, băng sang huyện Lâm Hà, Bảo Lâm để tìm hái trái thông.

Tôi bắt gặp Ha Trường (31 tuổi, ngụ buôn Suối Thông, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) khi anh chàng đang vất vưởng trên ngọn một cây cao vút ở cánh rừng nguyên sinh thuộc Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Những cơn gió giật mạnh quét qua khiến cây thông đung đưa như một cây cau có người đứng dưới gốc rung lắc mạnh, Ha Trường buộc phải thu sào lại, gập người bám chặt lấy ngọn thông để giảm nguy cơ trọng lượng của cơ thể khiến cành thông bị gió xô gãy vì thông vốn là loại cây rất giòn. Theo chàng trai này, cuối năm Lâm Đồng thường có gió mùa thổi rất mạnh, đó là trở ngại cực lớn cho những người làm nghề leo thông hái quả. Ở độ cao cách mặt đất trung bình từ 20 tới hơn 30m, cheo leo trên những ngọn thông già, một làn gió giật mạnh quét qua cũng có thể gây ra nguy hiểm cho người đang chênh vênh trên những ngọn cổ thụ. "Gặp gió lớn lập tức phải thu sào, lùi về bám chặt vào cành cây to ngay để làm giảm trọng lượng của cơ thể đang tác động mạnh lên ngọn cây!...", Ha Trường chia sẻ.

Đó chính là kinh nghiệm được chàng trai người K'ho rút ra sau nhiều năm gắn bó với nghề đầy hiểm nguy này. Ha Trường cho biết, cách đây chưa lâu, đã có trường hợp đang trên cành thông rướn người giật quả thì gặp gió lớn, quật gãy cành và người rơi xuống đất. Cũng may, vị trí xảy ra tai nạn cách mặt đất gần 10m nên nạn nhân chỉ bị gãy tay. Ha Trường cho biết, đã leo lên ngọn cây, điều tối kỵ là mất tập trung, chủ quan. "Khi còn phân vân cành cây này có thể chịu được trọng lượng của cơ thể mình hay không thì nhất định không được leo ra vì thông là loại cây rất giòn, một khi đã gãy là cành lìa khỏi thân ngay!...", Ha Trường cho biết về mức độ nguy hiểm cần phải tránh khi trèo thông hái quả. Nghề hái thông không chỉ đòi hỏi sức khỏe, bản lĩnh mà kinh nghiệm cũng là điều không thể bỏ qua để đảm bảo an toàn cho những chuyến rời mặt đất, đi kiếm sống trên các ngọn thông già.

Những chàng Tarzan trên xứ sở sương mù - 3

"Người rừng" trình diễn kỹ năng leo trèo.

Với những người gắn bó lâu năm cùng nghề trèo thông hái quả ở đất này, công việc nặng nhọc, đối diện với sự nguy hiểm hằng ngày đã tôi luyện cho cơ thể của họ trở nên chai sạn, rắn chắc hơn người. Thế nhưng, trước sự sắc nhọn của lớp vỏ thông xù xì đầy thách thức, không ít lần đôi cánh tay, hai bàn chân và bộ ngực lực lưỡng, chắc nịch của các chàng "Tarzan" sống bằng nghề leo trèo bị đâm thủng, ứa máu. Thương tích và những vết sẹo đầy mình nhưng chưa bao giờ các chàng trai K'ho khỏe mạnh phải nghỉ dưỡng thương. Với họ, xa rừng một ngày là thấy nhớ da diết. Hai cánh tay, đôi bàn chân ngừng leo trèo là buồn rũ rượi..

Mùa hái trái thông ba lá thường kéo dài từ tháng 9 năm này sang tháng 2 năm sau. Những trái đạt yêu cầu về chất lượng là trái già, chín và chuẩn bị khô. Trái đã khô, quả thông bung ra các cánh thường bị thương lái loại bỏ, không thu mua vì hạt đã rơi ra ngoài. Quả thông được các cơ sở thu mua sau đó phơi khô, đập lấy hạt, bán cho các đơn vị, doanh nghiệp ươm cây giống để trồng rừng. Phần vỏ quả sau khi tách hạt cũng được đem bán cho các cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ ở Đà Lạt và TP Hồ Chí Minh. Vỏ quả thông thường được các nghệ nhân sử dụng làm nguyên liệu chính để chế tác những món hàng trang trí xinh xắn, là kỷ vật phục vụ khách du lịch khi đến với phố hoa Đà Lạt.

Lại thêm một buổi chiều muộn, từng nhóm người thưa thớt rời rừng già trên những chiếc xe máy cà tàng chở theo các bao tải đựng đầy ắp quả thông. Chỉ còn ít ngày nữa là tới lễ Noel và chào đón năm mới 2022, những chàng "Tarzan" trên xứ sở sương mù càng thêm hăng say leo trèo, nỗ lực hái thật nhiều thông để cải thiện thu nhập. Họ đang chuẩn bị cho một mùa Giáng sinh đầy đủ hơn bằng việc thức dậy thật sớm, nấu cơm, ăn sáng và lại rủ nhau vào rừng, tìm tới những gốc thông già, cành trĩu quả.

Ngày nối ngày, những chàng trai người K'ho khỏe mạnh, thân hình rắn rỏi sinh sống bên bờ sông Đa Nhim vẫn chênh vênh kiếm tiền, sống vắt vẻo trên những ngọn thông.