Những cây cầu... chờ sập!
Trên QL 1A - huyết mạch giao thông quốc gia, đoạn qua tỉnh Ninh Bình có hai cây cầu được gắn biển “cầu yếu”. Hàng chục ngàn phương tiện giao thông vẫn đi qua “cầu yếu”, nhưng với vận tốc… 5km/h.
Tốc độ tối đa: 5 km/h!
Cầu Do (km 276+215) đã lâm “trọng bệnh” từ hơn một năm nay. Hai đầu cầu từ lâu đã được gắn những chiếc biển “Chú ý cầu hỏng, xe đi chậm”, tấm biển tròn khoanh con số “5” (tốc độ 5km), biển ghi số “20” (trọng tải tối đa là 20 tấn). Một dải phân cách mềm cũng được dựng lên ngăn đôi hai làn đường trên mặt cầu để kiểm soát tốc độ xe qua cầu.
Cầu Do đang là hiểm họa đe dọa các phương tiện giao thông qua cầu. Trên mặt cầu, những ổ gà dằm nát lớp bê tông nhựa. Người ta dùng tấm thép phủ lên, song chúng cứ liên tục dịch chuyển. Đường đầu cầu, những cái hố xuất hiện ngày một nhiều. Trời mưa hố đọng nước, xe tải trọng lớn đi vào, bê tông dập nát.
Gầm cầu, những chiếc dầm chênh vênh, những cọc bê tông xiên xẹo. Công ty 236 - Khu quản lý đường bộ 2 (QLĐB2) - đã nhồi những rọ đá hộc đỡ cây cầu. Trên lan can cầu những trụ bê tông vỡ nát và lòi ra những thanh thép rỉ. Chiếc cầu oằn xuống mỗi khi có ôtô trườn qua. Một hình ảnh hãi hùng!
Cách cầu Do 4km là cầu Vó. Sau gần 30 năm sử dụng, mặt cầu bị vỡ, hở cốt thép, bị lún và bong lớp bê tông... Người ta lại “trị bệnh” cho cây cầu bằng cách đặt biển, hạn chế tốc độ...
Ông Nguyễn Văn Ngữ, một lái xe (Thanh Hóa) đưa ra phép tính, mỗi xe ôtô khi qua hai cầu này phải mất 5 phút (do phải giảm vận tốc từ 60-70km/h xuống 5km/h), đó là chưa kể gặp những khi ùn tắc để qua được cây cầu dài 30m, phải mất hàng chục phút.
Mỗi ngày có khoảng 10.000 xe ôtô qua lại. Thiệt hại về thời gian và vật chất không hề nhỏ. Phải giảm tốc độ đột ngột, rất tốn nhiên liệu và hại động cơ xe... Đó là chưa kể đến những rủi ro lớn hơn, hại đến tính mạng con người.
Không thiếu tiền đầu tư, chỉ thiếu... sự đồng thuận
Ngày 29/3/2006, Khu QLĐB 2 (Cục Đường bộ VN -ĐBVN) cùng với Ban Quản lý dự án Biển Đông (Bộ GTVT- chủ đầu tư xây dựng cầu Do, Vó...) đã nhận định: “Với tình trạng hư hỏng cầu Do như hiện nay là rất nguy hiểm”.
Hai bên thống nhất: Ban Quản lý dự án Biển Đông chịu trách nhiệm đền bù giải phóng mặt bằng, Khu QLĐB 2 triển khai thi công toàn bộ tuyến tránh và cầu tạm để đảm bảo giao thông và không ảnh hưởng đến việc thi công cầu Do sau này.
Ngày 17/4/2006, Bộ GTVT có văn bản gửi Cục ĐBVN. Văn bản yêu cầu Cục ĐBNV bố trí nguồn vốn, chỉ đạo Khu QLĐB 2 lập hồ sơ thiết kế, dự toán và triển khai thi công toàn bộ tuyến tránh, cầu tạm phù hợp cho việc đảm bảo an toàn giao thông cho cầu Do.
Nhưng ngày 16/5/2006 Khu QLĐB 2 lại có công văn gửi Ban Quản lý dự án Biển Đông thông báo: “Không triển khai làm tuyến tránh và cầu tạm theo hồ sơ phương án đảm bảo giao thông đã trình Cục ĐBVN”.
Nội dung này là chỉ đạo của ông Cục trưởng Cục ĐBVN sau khi ông có chuyến kiểm tra tại cầu vào ngày 5/5/2006. Liệu có phải vì thấy cầu chưa sập, hay vì lý do khó công khai nào đó mà ông Cục trưởng lại có chỉ đạo như vậy (?)
Làm việc với Ban Quản lý dự án Biển Đông, chúng tôi được biết cầu Vó và cầu Do nằm trong danh mục 140 cầu thuộc dự án cải tạo mạng lưới đường quốc gia sử dụng vốn vay của JBIC. Hai cây cầu có mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
Hiện thiết kế kỹ thuật cầu Do đã được duyệt. Nguồn vốn có sẵn nhưng chưa triển khai đấu thầu được do chưa có giá ca máy để lập dự toán. Vì theo Thông tư 06 của Bộ Xây dựng thì việc định giá ca máy được giao cho các địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa có.
Dư luận đặt câu hỏi, với nghịch lý dự án có tiền nhưng phải chờ thủ tục, không biết đến bao giờ huyết mạch giao thông quốc gia mới hết cảnh ách tắc, người dân mới đỡ khổ, đỡ hoang mang mỗi khi đi qua “cầu yếu”?!
Theo Phùng Sưởng
Tiền Phong