Những câu chuyện “cười rơi nước mắt” của bệnh nhân tâm thần
(Dân trí) - Đã hóa điên hóa dại mà nỗi ám ánh về những trận đòn roi của chồng vẫn “giăng mắc” trong đầu chị Huyền. Người đàn bà trẻ mắc chứng tâm thần phân liệt ấy lý giải, chị không ly hôn vì không muốn con chị không có cha.
Chuyện tình của người tâm thần
“Nắng chiếu sau lưng nắng đỉnh đầu/ Nắng chưa tới ngực bởi anh vâu/Như đàn em nhỏ xin về nhắc/ Chớ để anh hôn chảy máu đầu”. Đang xếp hàng chờ uống thuốc, thấy có người lạ, một bệnh nhân nữ tầm 35 tuổi tiến lại gần tôi đọc một lèo những vần thơ chế theo nhịp điệu của bài thơ Tống biệt hành mà chị khoe chị sáng tác từ lâu lắm rồi. Không để tôi kịp định thần, chị giải thích luôn: “Vâu là vẩu. Anh người yêu bị vẩu nên không hôn được? Hiểu chưa em?”. Rồi chị cúp hai mắt xuống, chùng giọng: “Yêu người vâu khổ lắm em ạ. Đến một cái hôn cũng chẳng trọn vẹn”. Mới cười rổn rảng đọc thơ, chị đã rầu rĩ bước về phía nhóm bệnh nhân nữ.
Một cô gái khác, sau này tôi biết tên là Huyền, xen vào: “Nó đọc vớ vẩn đấy”. Chị kia bác lại: “Con ni hắn bị chồng bỏ đó”. Huyền “xấn” sát người tôi, mắt nhìn chằm chằm nói như van xin, chực khóc: “Không phải đâu, bọn chị chỉ mới ly thân thôi”.
Huyền định kể tiếp nhưng chợt chững lại: “Em lấy chồng chưa? Chưa có gia đình em không hiểu được đâu, chuyện gia đình phức tạp lắm”. Nhưng để “truyền kinh nghiệm lại cho em” và có lẽ cũng đang thèm có một người để chia sẻ, chị tiếp tục kể. Huyền kể chồng chị là người ở Bảo Thanh (Phú Thọ), đang công tác ở TPHCM. Nhiều lần chị nhớ chồng, muốn bế con vào thăm nhưng… sợ bị đánh chết nên không dám. Kể đến đây, Huyền bất giác co rúm người sợ hãi. Mọi người nói Huyền phát bệnh điên do bị chồng bỏ và họ tin rằng trong cuộc đời làm vợ của Huyền, chị đã phải nếm trải những trận đòn roi vô cùng kinh hãi từ người chồng vũ phu, nên cho đến tận bây giờ, khi đã vào trung tâm chữa trị, nỗi sợ hãi ấy vẫn luôn ám ảnh chị.
Khi đã bớt rầu rĩ, Huyền lại nói rằng chị đã có người yêu mới, đó là một anh bộ đội về hưu tên là Đô. “Bọn chị mới yêu nhau một năm đây thôi, anh ấy hứa sẽ nuôi mẹ con chị suốt đời. Chị xinh thế này phải có nhiều người yêu lắm phải không em”.
Các điều dưỡng viên ở đây cho biết Huyền là một trong những người có khát vọng yêu lớn nhất trong số các bệnh nhân. Có lẽ đó là cách để một người điên như chị xóa bỏ những ám ảnh bất hạnh về hôn nhân trong đầu.
“Em đang phải chạy án đấy!”
Một bệnh nhân khác ngồi cạnh đó cẩn trọng: “Mà chị này có phải là phóng viên không đấy. Chị mà nói lộ ra là mấy chục triệu chạy án của ông già nó mất trắng mà nó còn bị bắt luôn đấy!”.
Cồn cào nhớ gia đình
Không thể nghe hết chuyện của những người bệnh tâm thần, vì như lời các bác sĩ ở đây cho biết, mỗi ngày họ có thể nghĩ ra hàng chục câu chuyện, hàng chục hoàn cảnh khác nhau, chuyện nào nghe cũng hấp dẫn “như thật” cả. Nhưng có một điều họ không bao giờ nói khác, đó là nỗi nhớ gia đình; và tên người thân, địa chỉ nhà họ cũng nhớ rất chính xác. Cứ có người lạ xuất hiện là họ lại quây lấy nhờ gửi lời nhắn về gia đình.
Như Tuấn, khi kể về chuyện “chạy án” của mình thì tỉnh bơ như thế nhưng khi nhắc đến gia đình đã lại như một người khác. Tuấn bắt tôi phải ghi vào sổ số điện thoại nhà cậu để gọi về cho bố, để nhắn với bố là “Bố lên thăm con đi” và hỏi thăm: “Con trai là Đỗ Tuấn Tú của con có khỏe không?”.
Khi bị những người bệnh khác chen lấn, đẩy ra để đọc tên bố mẹ, địa chỉ gia đình cho tôi, Tuấn nói với: “Chị đừng quên đấy nhé, nhớ gọi vào lúc 6 giờ tối, lúc đó bố em mới đi làm về”.
Một bệnh nhân nam khác nói như tin chắc rằng tôi có biết gia đình cậu ta: “Ở dốc Thanh Ba ấy, gần chỗ thằng Đông sửa đồng hồ ấy. Đi xuống một đoạn là đến. Nhà em có mái tôn ở trước, chị nhớ ra chưa?”. Cứ thế người này đến người khác giành nhau đọc tên bố mẹ, địa chỉ gia đình, nhờ tôi nhắn: “Bố mẹ lên thăm con”.
Bài và ảnh: Hoài Nam