1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những cánh thư nối nhịp cầu vui

(Dân trí) - Một quyển vở dày đã xỉn màu; hai cuốn danh bạ điện thoại; một tập giấy trắng; một cây bút bi. Tất cả được chủ nhân để trang trọng trên ban thờ gia tiên. Hơn 14 năm nay, nhờ chúng, hàng ngàn lá thư báo tin liệt sĩ đã được gửi đi khắp đất nước.

Và người làm công việc thầm lặng, đáng quý đó là ông Mai Lệ, ở thôn Nghiêm Xá, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Không chỉ cần mẫn viết những cánh thư báo tin liệt sĩ, ông còn sẵn sàng cùng các thân nhân liệt sĩ đi khắp các nẻo đường Trường Sơn, những nghĩa trang liệt sĩ ở trong miền Nam, giúp tìm hài cốt đưa về quê nhà.

 

Một lá thư đi, nhiều niềm mong mỏi

 

Tôi tìm đến nhà ông Lệ vào một buổi sáng mùa hè oi bức. Nhà ông nằm ở phía Tây thị trấn Chờ. Căn nhà ngói ba gian cũ kĩ, thấp lè tè, ông Lệ hiện ra với vẻ quắc thước của một cựu binh đã được trui rèn qua bom đạn chiến tranh. Hàng ngày, ông dùng cái bàn uống nước của gia đình để ngồi viết những lá thư báo tin vui cho thân nhân liệt sĩ.

 

Hơn 14 năm qua, một góc bàn đã ố vàng vì những giọt mồ hôi của ông nhỏ xuống. Ông Lệ cầm lá thư trầm ngâm “đã trải qua chiến tranh thì ai cũng biết được sự tàn khốc và hậu quả của nó để lại. Các anh (liệt sĩ) đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho tổ quốc thì chúng ta phải “đời đời nhớ ơn” họ. Tôi viết thư báo cho thân nhân của các anh cũng là để tri ân các anh đã giành phần may mắn cho mình”.

 

Ông Lệ nhập ngũ năm 1959 và đã chiến đấu ở các chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh Hòa… Trong thời gian chiến đấu, chính tay ông đã chôn cất nhiều đồng đội của mình. Mỗi lần chôn, ông lấy sổ ghi lại chính xác tên tuổi, quê quán, ngày mất và địa điểm. Ông hy vọng rằng nếu mình sống sót trở về sẽ viết thư báo tin cho thân nhân của các liệt sĩ. 

 

Năm 1975, đất nước thống nhất nhưng mãi đến năm 1993 ông mới có đủ điều kiện để thực hiện nguyện vọng của mình. Ban đầu ông viết thư báo tin cho thân nhân của những liệt sĩ mà trước đây ông đã chôn cất. Sau đó, mỗi lần trở lại chiến trường xưa, đi thắp hương tưởng nhớ các đồng đội của mình, ông thấy nhiều anh em liệt sĩ đã được tập kết về nghĩa trang. Nhưng có điều, thân nhân của họ ở quề nhà không biết. “Nếu biết thì chắc chắn người thân sẽ vào đưa hài cốt của các anh về quê nhà mai tang” - ông Mai Lệ giải thích.

 

Thế là mỗi lần trở lại chiến trường xưa, ông lại tỉ mỉ ghi chép những phần mộ liệt sĩ có quê hương ở các tỉnh miền Bắc. Mỗi chuyến đi ông ghi được hơn nghìn địa chỉ. Về nhà, hàng ngày ông âm thầm viết thư báo tin cho thân nhân của các anh hùng liệt sĩ. Một tháng, ông Lệ viết hơn 40 bức thư gửi đi khắp các tỉnh miền Bắc. “Mỗi lá thư đi là mỗi niềm thấp thỏm chờ mong. Không biết thư có đến được tay người nhận hay không!” - ông Mai Lệ rưng rưng.

 

Tất cả những lá thư đều có cùng dạng nội dung nhưng mỗi cánh thư đi lại chứa đừng nhiều cảm xúc, tâm huyết. “Kính gửi: UBND xã… và thân nhân của liệt sĩ có tên sau đây. Liệt sĩ:… Quê quán:…. Hy sinh: 20/6/1972. Tại nghĩa trang Ba Tơ - Quảng Ngãi (trong bia mộ có ghi là Hà Bắc). Vậy xin kính nhờ UBND xã xem xét và đối chiếu hồ sơ quản lý thân nhân liệt sĩ nếu có thì xin liên lạc với tôi qua số điện thoại sau: 0241882424.

 

Còn tôi xin giới thiệu trong chống Mỹ cứu nước công tác và chiến đấu tại Sư đoàn 2 và sau về công tác tại cục chính trị Quân khu 5. Vì không biết thư có đến được tay thân nhân liệt sĩ hay không? Nên tôi không viết dài và nói cụ thể. Xin hẹn khi gặp được gia đình sẽ nói nhiều và cụ thể hơn. Người báo tin. Mai Lệ”. 

 

Ông Lệ bảo “mỗi khi có chuông điện thoại reo là người run bắn, khi đầu dây bên kia xưng danh là thân nhân của liệt sĩ… tôi nghẹn ngào ứa nước mắt vì sung sướng. Đó cũng là niềm an ủi tôi và là đông lực để tôi tiếp tục công việc nhỏ này”.

 

Cách gốc cây cậy 5m…

 

Mỗi lá thư đi ông đều hi vọng một sự hồi âm. Vì như thế, ông sẽ thấy được ý nghĩa việc làm nhỏ bé của mình. Nhận được thư, nhiều gia đình liệt sĩ đến gặp ông. Ông Lệ lại vẽ sơ đồ chỉ đường cho họ đến nơi chôn cất. Ông còn đi cùng với nhiều thân nhân liệt sĩ vào tận trong rừng sâu để đưa hài cốt các liệt sĩ về quê hương.

 

Trong một trận giao tranh ác liệt ở Kon Tum, chiến sĩ Nguyễn Văn Trong, chồng chị Nguyễn Thị Sánh đã bị hi sinh. Cùng chung chiến hào nhưng ông Lệ may mắn sống sót. Ông đã chôn cất liệt sĩ Trong ở một khu đất gần đơn vị đóng quân. Khi nhận được thư báo tin của ông Lệ, chị Sánh sửng sốt, rưng rức khóc. Chị muốn đến gặp ngay ông Lệ để vào Kon Tum tìm chồng. 

 

Vào Kon Tum sau gần 30 năm, cảnh vật đổi thay, ông Mai Lệ không còn nhận ra cảnh cũ. Bãi đất chôn cất liệt sĩ Trong đã bị san phẳng để làm nền xây cất nhà cửa. May mắn là cây cậy được ông Lệ dùng làm dấu năm xưa vẫn còn nên công việc tìm kiếm bớt phần khó khăn. Khi bốc mộ liệt sĩ Trong, ông Lệ bùi ngùi “còn nhớ những lúc chiến đấu gian khổ hai người san sẻ nhau từng hạt cơn, chia nhau nửa điếu thuốc. Thế mà người còn người mất. Chiến tranh thật khắc nghiệt!”.

 

Hết Kon Tum, ông lại ngược ra Trà Tiên, Trà Bồng, Quảng Ngãi, đi tìm một phần mộ liệt sĩ nằm sâu trong rừng. Muốn vào đó phải đi bộ mất ba ngày. Hơn 6 ngày ăn ngủ trong rừng để tìm kiếm, ông cùng thân nhân liệt sĩ đã đưa được hài cốt liệt sĩ về quê hương. 

 

Hơn 14 năm, ông Lệ đã giúp 59 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt thân nhân. Chưa có trường hợp nào ông chỉ nhầm. Mỗi một bộ hài cốt là một câu chuyện dài về trách nhiệm của người lính già, về sự đau đáu chờ đợi của người vợ ở quê nhà.

 

Hiện nay, số lượng danh sách các liệt sĩ mà ông Lệ sưu tập được đã lên tới hàng nghìn. Năm nay đã 70 tuổi nhưng ông vẫn hăm hở đi, ghi chép và báo tin. Ông coi đó là trách nhiệm của mình. Còn tôi cho đó chính là vòng quay nhân ái mà người lính già đã và đang làm để nhớ ơn những người đã nằm xuống cho mỗi tấc đất quê hương.

 

Quảng Dân