Những cán bộ nào của TPHCM đã “lạm phát xuất ngoại”?
(Dân trí) - Thời gian qua, dư luận xôn xao việc cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp tại TPHCM vi phạm quy định về việc đi nước ngoài. Thậm chí có người trong trong 2 năm đi nước ngoài tới... hơn 100 ngày, có cán bộ “xuất ngoại” khi chưa được phép đến hơn 3 tháng mới trở về…
Ngày 21/3, Phó Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị (ĐSĐT) TPHCM Hoàng Như Cương đã trở lại ban “để xử lý các việc” sau hơn 3 tháng đi nước ngoài. Ông Cương đi từ ngày 10/12/2018 khi chưa được sự cho phép của cấp thẩm quyền.
Trước khi đi, ông Cương đã có đơn viết tay gửi Trưởng BQL ĐSĐT xin nghỉ việc đột xuất, trong đó ông xin không hưởng lương từ ngày 10/12 đến hết 31/12/2018.
Theo đơn xin nghỉ việc đột xuất, ông Cương cho biết đã nhiều lần làm đơn xin nghỉ việc, trong đó lần cuối là ngày 16/11/2018. Ông Cương làm đơn xin nghỉ với lý do gia đình gặp sự cố cần giải quyết; các con ông đang học tập và sinh sống ở nước ngoài gặp nhiều vấn đề khó khăn và không tự giải quyết được.
Cũng trong tháng 1/2019, Đảng ủy khối Dân – chính – đảng TP đã đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy BQL ĐSĐT TPHCM đối với ông Hoàng Như Cương.
Sự việc ông Cương trở lại ban ngày 21/3, Chánh Văn phòng BQL ĐSĐT TP đã tiến hành lập biên bản mở niêm phong phòng làm việc của ông Cương. Trước đó, để đảm bảo tài liệu, tài sản của Nhà nước nên BQL ĐSĐT đã niêm phong phòng làm việc của ông Cương khi ông đi nước ngoài.
BQL ĐSĐT vừa có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP và Ban Thường vụ Đảng ủy khối Dân – chính - đảng nội dung trên.
Một vụ vi phạm quy định đi nước ngoài đang gây xôn xao dư luận là Chánh Văn phòng Sở Giáo dục – Đào tạo TP Đỗ Minh Hoàng và Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong Nguyễn Thị Yến Trinh đi nước ngoài đến 3 lần trong năm 2018. Được biết, bà Trinh là vợ của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Lê Hồng Sơn.
Theo kết luận của Thanh tra TP, trong khi ông Hoàng đã đi công tác ở Phần Lan và Nhật Bản thì bà Trinh đi Anh và Nhật năm 2018. Tuy nhiên, đến chuyến đi Đức bằng nguồn kinh phí từ ngân sách TP trong năm 2018, 2 người này tiếp tục đi.
Vụ việc bị phanh phui sau khi Thanh tra TP nhận được đơn tố cáo vào tháng 11/2018. Trên đơn không có họ, tên, địa chỉ, bút tích của người làm đơn, chỉ thể hiện người làm đơn là “nhóm hiệu trưởng TPHCM”.
Chuyến đi tham dự lớp bồi dưỡng tại Đức có 23 người, trong có 3 người thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo TP là Chánh Văn phòng Đỗ Minh Hoàng, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu và Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Thị Kim Xuyến.
Ngoài ra còn có 4 người là Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo các quận: 7, 8, Tân Bình và huyện Nhà Bè; 16 người là hiệu trưởng các trường THPT.
Điều đáng nói, Sở cũng không công khai tiêu chí lựa chọn thành viên tham dự lớp bồi dưỡng để các cán bộ, công chức, viên chức có liên quan của sở được biết và góp ý.
Trong thời gian, TPHCM xảy ra nhiều vi phạm về việc cán bộ, công chức... đi nước ngoài (ảnh minh họa)
Vụ đi nước ngoài gây xôn xao nhất liên quan đến ông Tề Trí Dũng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 của UBND TPHCM diễn ra ngày 5/3, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm đã có báo cáo vắn tắt về tình hình quản lý cán bộ đi nước ngoài.
Theo ông Lắm, cán bộ thuộc diện Ban Cán sự Đảng UBND TP và Thành ủy quản lý khi đi nước ngoài phải thông qua và được sự cho phép, đi nước ngoài không quá 2 lần trong 1 năm. Trường hợp đặc biệt đi nước ngoài quá 2 lần thì phải xin ý kiến của Chủ tịch UBND TPHCM.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết các sở, ngành thực hiện đúng quy định. Nhưng qua thanh tra phát hiện cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm quy định về việc đi nước ngoài. Cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp đi nước ngoài không báo cáo lãnh đạo UBND TP, có trường hợp báo cáo thời gian ngắn, UBND TP chưa chấp thuận lại đi nước ngoài.
“Điều hết sức lưu ý là số lần đi nước ngoài vượt quy định, có trường hợp cá biệt trong 2 năm đi nước ngoài hơn 100 ngày. Việc này vi phạm quy định của UBND TP”, ông Lắm thông tin.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng đi nước ngoài là đi công tác, có nhiệm vụ, kết quả rõ ràng chứ không phải đi du lịch. Theo ông, trong năm vừa qua, cán bộ, công chức đi nước ngoài nhìn chung nghiêm túc, tuy vậy có một số nơi không đảm bảo quy định này.
Người được ông Lắm nói đến là ông Tề Trí Dũng, trong 2 năm 2016 và 2017, ông Dũng đã đi nước ngoài 106 ngày.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra TPHCM, tại Tân Thuận IPC xảy ra sai phạm về việc cán bộ, lãnh đạo đi nước ngoài.
Theo kết quả thanh tra, trong 2 năm 2016-2017, hàng loạt cán bộ lãnh đạo của Tân Thuận IPC đi nước ngoài quá số ngày quy định.
Cụ thể, ông Tề Trí Dũng (đi 9 lần, 106 ngày), ông Phạm Xuân Trung - Phó Tổng giám (đi 9 lần, 89 ngày), ông Vũ Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc (đi 8 lần, 84 ngày), ông Trần Đăng Linh - Phó Tổng Giám đốc (đi 6 lần, 83 ngày), ông Nguyễn Trường Bảo Khánh – Trưởng phòng Tài chính kế hoạch (thời điểm chuyến đi giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Phước – người đại diện vốn của công ty Tân Thuận, đi 7 lần, 59 ngày), ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Tổng giám đốc (đi 7 lần, 49 ngày), Bùi Hải Hà (49 ngày)...
Đáng chú ý, các vị trí cấp phòng cũng thường xuyên đi nước ngoài vì việc riêng, vượt số ngày quy định rất nhiều.
Năm 2016, bà Hồ Thị Thanh Phúc – Trưởng phòng Phát triển kinh doanh, nghỉ phép đi nước ngoài về việc riêng vượt quy định 35 ngày; bà Nguyễn Thị Mỹ Dung – Phó Trưởng phòng Quản lý đầu tư dự án đi nước ngoài vượt quy định 49 ngày.
Trong năm 2017, bà Bùi Hải Hà – Kiểm soát viên, đi nước ngoài vượt quy định 21 ngày; bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Tổ chức hành chính, đi nước ngoài vượt quy định 22 ngày và bà Nguyễn Thị Mỹ Dung vượt 31 ngày. Riêng bà Dung trong 2 năm đã đi nước ngoài vượt quy định 80 ngày (gần 3 tháng).
Cuối tháng 10/2018, UBND TPHCM đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng sau khi có kết luận chỉ đạo về Kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Tân Thuận IPC của Thanh tra TP.
Cũng liên quan đến việc đi nước ngoài, ông Lê Tấn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SAGRI) bị cảnh cáo về mặt Đảng, bị cảnh cáo về mặt chính quyền. Bà Nguyễn Thị Thúy, Đảng ủy viên, Giám đốc Tài chính - kế toán, kế toán trưởng công ty cũng bị kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Kết luận của Thanh tra TP chỉ ra ông Lê Tấn Hùng và Nguyễn Thị Thúy đã ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động đi học tập nước ngoài.
Cụ thể, ông Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài, tất cả đã tất toán công nợ. Tuy nhiên, khi xác minh tại Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an TP, 40 trong 70 người tham gia chuyến đi nước ngoài không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.
Quốc Anh