1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những cái chết đầy ám ảnh ở làng Thổ Vị

Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 66 trường hợp trong tổng số 143 người chết từ năm 1993 đến nay ở làng Thổ Vị, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (Thanh Hoá) là do mắc phải căn bệnh ung thư. Hiện trong làng còn 6 người khác đã được Bệnh viện K kết luận "dính" căn bệnh quái ác trên.

Vùng đất "diệt vong"

Làng Thổ Vị nằm sát chân núi Nưa, nơi có các mỏ quặng sécpentin, amiăng, quặng chrom...

Ông Trần Minh Hán - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tế Thắng - phát hiện và ghi chép, theo dõi những người dân Thổ Vị chết do ung thư gan, phổi, vòm họng, tiêu hoá... gây nên suốt 13 năm qua. Cả thảy gồm 66 người, có kết luận của Bệnh viện K.
 
Ngoài ra, còn 10 trường hợp khác thuộc những gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, khi đi khám ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh được chẩn đoán bị mắc khối u, không có tiền chạy chữa, người thân đã đưa về nhà nằm chờ... chết.

Chưa hết, khoảng 7 người sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Thổ Vị nhưng đi thoát ly cũng đã mắc phải căn bệnh ung thư dẫn đến tử vong.

Ông Hán đưa ra một danh sách dài 4 trang giấy cho thấy: Số người chết do căn bệnh ung thư ở độ tuổi từ 30 - 55 chiếm 54%, dưới 30 tuổi chiếm 8%, trên 55 tuổi chiếm 38%. 7 gia đình trong làng có từ 2 người đến 4 người chết do bệnh K (ung thư).

Trong vòng 13 năm qua, Thổ Vị đã đưa tiễn 143 người sang thế giới bên kia, trong đó có đến gần 100 người chết do căn bệnh tai ác trên. Đặc biệt những năm gần đây, số người chết do bệnh K ngày một nhiều hơn.

Gia đình ông Vũ Đình Rung có đến 4 người chết vì bệnh K. Đầu tiên là vợ ông - bà Phạm Thị Vẹm mất năm 1993 vì ung thư gan, tiếp theo là người con trai Vũ Đình Thắng mất năm 1994 cũng tại K gan, rồi đến người con thứ ba - Vũ Đình Tân bị K phổi mất năm 2000 và cuối cùng là ông Rung mất năm 2004 bởi K tiền liệt tuyến.

Căn nhà Vũ Đình Vương - người con trai thứ tư của ông Rung đang sống - u ám màu tang tóc xót thương. Anh Vương và những người ruột thịt đã tận tâm, dốc hết tài sản để chạy chữa cho mẹ, các anh và bố, nhưng rồi đều trở nên tuyệt vọng.

Sống trong sợ hãi

Trưởng trạm y tế xã - bà Trần Thị Niên - kể: Người chết yên một bề, người sống thì tồn tại trong lo âu. "Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân làng Thổ Vị và các làng khác cứ thấy trong người hơi mệt hay có cái gì đó khang khác là lại đến trạm xá để khám. Nhiều trường hợp mặc dù ở trạm kết luận chẳng phát hiện bệnh tật gì, song họ không tin nên tiếp tục kéo nhau về bệnh viện tuyến tỉnh để kiểm tra. Tôi nhận thấy căn bệnh ung thư đang ám ảnh sâu đậm trong nhân dân của toàn xã Tế Thắng" - bà Niên nói.

Căn bệnh ung thư không chỉ cướp đi những sinh mạng vô tội, nó còn làm cho nhiều gia đình ở Thổ Vị bị khánh kiệt về kinh tế, lâm vào tình cảnh đói nghèo đeo đẳng. Bà Niên dẫn tôi đến thăm gia đình anh Vũ Văn Năm ở làng Thổ Vị. Anh Năm lập gia đình năm 1998 với chị Hoàng Thị Hoà. Quê chị Hoà ở xã Trung Thành nằm giáp ranh với làng Thổ Vị trên cùng doi đất dọc theo triền núi Nưa.

Có với nhau được một mụn con vừa tròn 13 tháng tuổi thì vào ngày cuối năm 1999, anh Năm phát hiện thấy vợ mình có dấu hiệu khác thường ở vùng cổ. Anh đưa chị đi khám ở Bệnh viện K, các bác sĩ kết luận chị Hoà bị ung thư di căn tuyến giáp trạng.
 
Từ đây cháu Vũ Xuân Trường - con anh Năm - phải ăn sữa ngoài. Tính đến ngày 16/9/2006, chị Hoà đã phải mổ lần thứ ba để lấy hạch dọc theo vòng cung của cổ. Mỗi lần như vậy tiêu tốn cả chục triệu đồng, đối với gia đình anh Năm đó là một vấn đề đại sự.

Cưới được gần 9 năm rồi, nhưng vợ chồng anh Năm ở gần bên nhau tính ra mới khoảng 26 tháng. Từ khi biết vợ lâm trọng bệnh, anh Năm phải vào Nam làm thuê kiếm tiền về cho vợ điều trị. Chị Hoà bặm môi lại cố không để cho tiếng khóc vỡ oà khi tiếp xúc với chúng tôi, nhưng những giọt nước mắt đắng cay, tủi phận vẫn lăn dài xuống hai gò má.

Cần phải "giải mã"

Trước đây, gần như toàn bộ các hộ gia đình sống trong làng Thổ Vị đều dùng đá có chứa các sợi amiăng để kè giếng lấy nước sinh hoạt. Nhưng rồi khi thấy có nhiều người chết do ung thư nên họ nghi ngờ và đã lấy 10 mẫu nước ở cả giếng khơi và giếng khoan sâu tới 50m đưa đi xét nghiệm.

Song theo kết quả của Trung tâm Y tế dự phòng Thanh Hoá gửi về thì chỉ tiêu xét nghiệm ở nước giếng khơi có tổng số Coliforms/100ml nước là 240.000, F.Coliforms/100ml là 2.000, ở giếng khoan cũng tương tự như vậy.

Tóm lại cả hai nguồn nước lấy từ giếng khơi và giếng khoan trong làng Thổ Vị đều "không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về phương diện hoá học đối với nước ăn uống, sinh hoạt theo quy định của Bộ Y tế".

Nguồn nước là như vậy, các mỏ khoáng sản thì sao (!?). Ông Nguyễn Minh Thưởng từng công tác tại đoàn amiăng của Nhà máy ngói phibrôximăng Hà Nội thuộc Tổng cục Hoá chất, hiện sinh sống tại làng Thổ Vị cho biết: Trong những năm 1965 - 1968, đoàn amiăng nói trên đã tiến hành khoan thăm dò và kết hợp khai thác amiăng. Trữ lượng quặng amiăng ở khu vực mỏ núi Nưa thấp, chỉ chiếm khoảng 30% trong đất đất đá, nhưng các sợi amiăng ở đây lại rất dai.
 
Theo ông Thưởng thì bụi toả ra từ các sợi amiăng là rất độc hại đối với sức khoẻ con người. Vậy mà dân làng Thổ Vị lại đào đá có chứa amiăng về kè giếng lấy nước sinh hoạt quả là nguy hiểm, vì bột của loại quặng này lâu ngày sẽ bị phong hoá và lan toả vào trong nguồn nước. Nhưng đây cũng chỉ là những thắc mắc ban đầu về sự nghi hoặc của người dân. Chưa có một kết luận chính thức nào.

Cũng vì sự nghi ngờ đó nên ông Trần Minh Hán đã viết thư và gửi kèm theo những viên đá có chứa sợi amiăng cho Giáo sư Nguyễn Công Thụy - nguyên Viện trưởng Viện K. Song qua thư, vị giáo sư cho rằng chưa thấy nói chất amiăng là yếu tố chính gây nên ung thư gan. Amiăng kết hợp với việc hút thuốc sẽ dẫn đến ung thư màng phổi và màng bụng, song hai loại ung thư này rất hiếm gặp.

Giáo sư Nguyễn Công Thụy khuyến cáo: Để tránh ung thư gan, người dân cần chú ý tránh xa chất trừ sâu, diệt cỏ, nấm mốc trong đậu lạc. Còn để tránh ung thư phổi, cần chú ý đến việc hít phải khói từ các nhà máy, hạn chế hút thuốc...

Giáo sư Thụy có nhắc đến việc sử dụng nguồn nước ăn phải vệ sinh và an toàn, vì qua 10 mẫu nước lấy ở Thổ Vị đưa đi xét nghiệm đều cho thấy không đủ tiêu chuẩn để sinh hoạt. Tuy nhiên đó chỉ là những khuyến cáo. 80% số hộ gia đình ở Thổ Vị đã chuyển sang dùng nước mưa nấu ăn.

Kết quả chưa có khả quan, số người mắc ung thư ở Thổ Vị ngày càng tăng cao. Người dân Thổ Vị đang cần các nhà khoa học về nghiên cứu, "giải mã" xem tác nhân nào là yếu tố chính gây nên căn bệnh đặc biệt nguy hại trên để sớm có biện pháp phòng tránh.

Theo Anh Tuấn
Lao Động