1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Những cái chết đau lòng từ lá ngón

(Dân trí) - Mới đây, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An lại chứng kiến một cái chết đau lòng vì lá ngón. Ở vùng biên giới hẻo lánh này, những cái chết vì lá ngón không còn là chuyện hiếm.

Những cái chết đau lòng từ lá ngón
Cây lá ngón mới mọc lên xanh tươi và rất khó phát hiện.
 
Sự việc đau lòng xảy ra vào ngày 18/4/2012, tại khu vực rẫy của gia đình ông Lỳ Tồng Dinh bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Nạn nhân được xác định là con trai ông Dinh, vì lý do cá nhân đã tìm lá ngón ăn để tự tử.
 
Được biết, từ đầu năm 2012 đến nay, riêng tại địa bàn huyện Kỳ Sơn đã có 4 người vì những lý do khác nhau đã ăn lá ngón tự tử, trong đó 3 người tử vong. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông đáng báo động về nỗi đau từ lá ngón ở địa bàn miền núi Nghệ An.
 
Cụ thể gần đây nhất vào ngày 19/3/2012, anh Già Bá Chùa (dân tộc Mông) cư trú tại bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy đã tự tử bằng cách ăn lá ngón vì mâu thuẫn cá nhân. Theo chính quyền địa phương, Già Bá Chùa đã tốt nghiệp THPT, vừa lập gia đình chưa lâu và đang chờ để được đi học cử tuyển, không hiểu sao lại tìm đến cái chết.
 
Ngày 20/3, tại bản Cà Trên, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, chị Lầu Y Rê (SN 1990) do có mâu thuẫn với gia đình cũng ăn lá ngón tự vẫn.

Trước đó, ngày 14/2, tại bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, hai cháu nhỏ là Xồng Chìa Xa và Và Nhia Chia, đều 6 tuổi, rủ nhau đi bẻ lá ngút (lá chua) ăn nhưng các cháu đã ăn nhầm phải lá ngón. Sau khi ăn, hai cháu bị say và ngất tại chỗ. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, những người trong bản đi rừng phát hiện và đưa hai cháu đi cấp cứu. Cháu Và Y Chia được cứu, cháu Xồng Chìa Xa không qua khỏi.
 
Những cái chết đau lòng từ lá ngón
Trái lá ngón sau khi ra hoa sẽ rơi hạt ra xung quanh nên cây ngón sinh trưởng rất nhanh
 
Ngày 24/1/2012, tại bản Pa Ka, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Ven Thị Khăm (SN 1991) và Moong Văn Sơn (SN 1990) cùng nhau ăn lá ngón tự tử. Nguyên nhân được xác định là do hai người yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cản. Hậu quả Ven Thị Khăm chết, Moong Văn Sơn may mắn được cứu sống.
 
Ông Lô Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ - cho biết: "Khoảng 2 tháng gần đây, trên địa bàn xã Tri Lễ cũng đã xảy ra 3 vụ ăn lá ngón tự tử làm chết 2 người, còn 1 vụ kịp thời phát hiện sớm nên cứu được. Theo đó, trong các cuộc họp bản, họp xã chúng tôi đều tuyên truyền với bà con về tác hại của cây lá ngón là rất độc nên không được tùy tiện giải quyết mâu thuẫn bằng hình thức đó nhưng không có tác dụng nhiều".

Cây lá ngón có tên khoa học là: Gelsemium elegans Benth, thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae) mọc nhiều nơi ở vùng đồi núi. Cây có hoa vàng rất đẹp nhưng lại có độc tính mạnh, dễ gây ngộ độc chết người. Khi ngộ độc người bị nôn mửa, hôn mê, giãn đồng tử, ngạt hô hấp, các cơ bị mềm nhũn, đau bụng dữ dội, chảy máu dạ dày, ruột…

Hiện ở các huyện miền núi cao Nghệ An rất dễ tìm thấy cây lá ngón. Đi đâu trong rừng hay ngay ở chân đồi, trên đường đến trường hoặc thậm chí ở sát vách nhà dân cũng có thể bắt gặp cây ngón mọc xanh mơn mởn và nở hoa khá đẹp.
 
Ông Lý Tồng Xúa - một trưởng bản ở Huồi Mới, xã Tri Lễ, Quế Phong - trao đổi: Nếu người nào ăn lá ngón vào sáng sớm, độc tố của lá rất cao và gây chết người rất nhanh, khó có thể cứu chữa. Nếu ăn phải lá ngón tươi vào quá trưa hoặc vào buổi chiều thì có thể cứu chữa bằng một số cách như ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho mát; tìm mọi cách giúp người bệnh nôn ra càng sớm càng tốt; sau đó nhanh chóng đưa đến trạm y tế nơi gần nhất để rửa ruột. 
 
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm 2012 đến nay, tại các huyện miền núi địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra khoảng 10 trường hợp tử vong vì ăn lá ngón. Thực trạng nhức nhối này cho thấy sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền cũng như chặt phá, tiêu diệt cây ngón; và hơn tất cả là sự vô trách nhiệm của người dân với chính mạng sống của mình.
 
Nguyễn Duy