Những búi tóc tằng cẩu chăm chú nghe từng dòng tin thời tiết

(Dân trí) - Chị Dương là một trong số ít những người phụ nữ biết chữ tại bản Phăng 1 (xã Mường Phăng, Điện Biên). Chị làm trưởng nhóm phụ nữ tự quản tại bản để cùng hỗ trợ nhau trong làm ăn, sinh hoạt. Trưởng nhóm giúp các chị em đọc bản tin dự báo thời tiết trước vụ sản xuất…

Mùa đông sẽ lạnh khi dã quỳ nở sớm?

Chị Lò Thị Dương đọc bản tin dự báo thời tiết mùa cho chị em trong bản Phăng 1 cùng nghe
Chị Lò Thị Dương đọc bản tin dự báo thời tiết mùa cho chị em trong bản Phăng 1 cùng nghe

Một căn nhà sàn Thái khang trang tại bản Phăng 1, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, hơn 30 mái tóc bới cao của những người phụ nữ quây quần trong buổi sinh hoạt của nhóm cổ phần tài chính tự quản. Những búi tóc “tằng – cẩu” cho thấy các chị đều đã lập gia đình, những “tay hòm chìa khoá” trong nhà (Phụ nữ người Thái khi lấy chồng, theo phong tục phải búi tóc lên trên đỉnh đầu, đây là dấu hiệu để phân biệt giữa phụ nữ có chồng và chưa chồng).

Nhóm cổ phần tài chính tự quản của các chị là một trong những nhóm đại diện của phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam tham gia dự án thông tin khí hậu nông nghiệp (ACIS) do tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD) triển khai suốt 2 năm qua.

Một bản tin dự báo khí tượng được in căng lớn được treo trên vách gỗ của căn nhà sàn. Hơn 30 chị em chăm chú theo dõi Trưởng nhóm sinh hoạt, chị Lò Thị Dương, đọc từng dòng tin. Bản tin chia thành nhiều phần, phần đầu là thông tin dự báo đưa ra của cơ quan khí tượng tỉnh Điện Biên, vụ mùa năm nay, trời sẽ nóng hơn và mưa nhiều hơn, phần sau là dự báo của chính người dân địa phương, căn cứ theo kinh nghiệm dân gian, mùa đông này sẽ lạnh hơn nhiều, vì hạt dẻ trên rừng rất nhiều và hoa dã quỳ nở sớm.

Chị Dương đọc to cho cả nhóm chị em người Thái cùng nghe: dự báo trời nóng, mưa nhiều hơn có xác suất đúng là 75%, khả năng thời tiết diễn biến giống như năm trước là 15% và khả năng diễn biến khác biệt, mùa đông lạnh, kéo dài hơn bình thường là 10%. Tiếp đó, trưởng nhóm lần lượt đọc phần cảnh báo và các “kịch bản” mùa vụ, cách thức, thời điểm gieo trồng, chăm sóc lúa, hoa màu… khác nhau cho mỗi hướng diễn biến thời tiết được dự báo.

Chị Dương là một trong số ít những người phụ nữ biết chữ tại bản. Mỗi buổi sinh hoạt của nhóm các chị em (định kỳ 2 lần/tháng), theo đó, là cơ hội tốt để phổ biến, truyền đạt thông tin và thống nhất kế hoạch, cách thức sản xuất trong mỗi mùa vụ cho cả thôn, cả xã.

Với những phần thông tin chính trưởng nhóm còn lúng túng, chưa thể giải thích rõ ràng, cụ thể, Trần Thị Thanh Xuân, cán bộ trạm khuyến nông huyện Điên Biên tham dự buổi sinh hoạt lại phân tích thêm. Vì dự báo đưa ra là có mưa lớn đầu đông, các chị em cần cân nhắc lùi thời điểm bón phân, xuống giống để dinh dưỡng đỡ bị rửa trôi, lãng phí. Với những đợt lạnh sâu được dự báo, cần tổ chức làm mạ sân thay vì gieo hạt trực tiếp ngoài đồng…

Bà Xuân chỉ vào số điện thoại ghi dưới các bản tin thời vụ cung cấp xuống các thôn, xã chốt lại: “Số điện thoại của tôi luôn mở, chị em chỉ việc nháy máy, tôi sẽ gọi lại, giải thích cặn kẽ các thắc mắc, câu hỏi”.

Thay đổi tích cực thói quen sản xuất

Anh Vì Văn Thành cho biết, áp dụng bản tin thời tiết trong sản xuất, năng suất mùa vụ cao hơn.
Anh Vì Văn Thành cho biết, áp dụng bản tin thời tiết trong sản xuất, năng suất mùa vụ cao hơn.

Một ngày sau buổi sinh hoạt của nhóm chị em tại bản Phăng 1, 20/12, hội thảo báo cáo kết quả dự án thông tin khí hậu nông nghiệp và khả năng nhân rộng trong tương lai được tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ, tổng kết 2 năm triển khai chương trình.

Chia sẻ những cảm nhận thực tế khi áp dụng các bản tin dự báo vào hoạt động sản xuất, chị Lò Thị Dương cho biết, từ chỗ mỗi một ngàn mét vuông ruộng chỉ cho 10 bao lúa, nay chị thu được từ 13-15 bao. Không những vậy, lượng thuốc trừ sâu và phân bón cũng giảm đi đáng kể.

Trưởng nhóm chi hội tự quản xã Mường Phăng 2 cũng nhận xét, trước kia, không có bản tin cụ thể, khi làm lúa, người dân không chủ động được việc cày cấy, đổ nước nên chỉ làm đúng như các năm trước đó. Giờ khi áp dụng bản tin được cung cấp, các thôn, xã có những điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp để tránh những tác động xấu. Thông tin đưa ra trong 8 bản tin xã Phường Măng 2 được nhận có chênh lệch với thực tế nhưng không đáng kế, theo trưởng nhóm chi hội xã này, rất phù hợp với địa phương để tổ chức việc gieo cấy.

“Địa bàn nào áp dụng bản tin thời vụ và khuyến cáo nông nghiệp của dự án thì năng suất cao hơn” - anh Vì Văn Thành (xã Pa Khoang, huyện Điện Biên) chia sẻ quan sát của mình sau hai năm tham gia dự án. Anh Thành cũng là người tiên phong trong việc áp dụng và chia sẻ với cộng đồng các kỹ thuật canh tác mới như làm mạ sân để thích ứng với những thay đổi liên tục của thời tiết, khí hậu.

Theo ông Lê Xuân Hiếu (cán bộ Quản lý dự án của Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam), hiện nay, canh tác lúa chỉ dựa vào kinh nghiệm không thì không đủ vì thời tiết, khí hậu thay đổi liên tục. Bên cạnh đó, bà con vẫn chủ yếu tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp qua kênh đài, ti-vi mà thông tin tại đây thường phủ vùng rộng lớn chứ chưa cụ thể đến từng xã.

Việc để người dân được tiếp cận với các bản tin dự báo kịp thời, được phân vùng khí hậu trên từng địa bàn với các khuyến cáo hành động cụ thể là cách thiết thực để tăng năng suất, giảm thiệt hại trên cây lúa do tác động bất lợi của thời tiết, biến đổi khí hậu, đồng thời thay đổi các thói quen sản xuất như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật theo hướng hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn.

Cụ thể, trong mỗi bản tin, thông tin dự báo và khuyến cáo đưa ra có nhiều thay đổi tích cực về tính chi tiết với kỹ thuật, thời điểm gieo cấy, làm đất, diệt trừ sâu bệnh… cho từng tháng, tương thích với các kịch bản khí hậu khác nhau. Người dân, đặc biệt là phụ nữ đã tự tin, chủ động tham gia ý kiến, phản hồi về tính chính xác của dự báo. Việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật và tình hình sâu bệnh có xu hướng giảm. Việc sử dụng phân bón cũng giảm rõ rệt trong khi năng suất lúa trong nhóm các gia đình áp dụng bản tin vào sản xuất tăng cao hơn hẳn so với những hộ sản xuất bình thường khác…

Tại hội thảo, Trưởng phòng Chính sách Pháp chế (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên Môi trường) Nguyễn Trần Linh khẳng định, về nguyên tắc, nhà nước đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động khí tượng thuỷ văn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phòng chống thiên tai của địa phương. Trên thực tế, hàng năm, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên đều có dự trù ngân sách cho hoạt động này. Dự án sẽ tiếp tục chia sẻ kết quả tích cực của việc áp dụng các khuyến cáo cụ thể từ thông tin khí hậu nông nghiệp và kết nối với lãnh đạo tỉnh để hướng tới phân bổ ngân sách hợp lý cho công tác này.

P.Thảo