1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thảm trạng “người điên” và những câu hỏi nhẫn tâm dành cho người… tỉnh!

Những “bóng hồng lang bạt” bị xâm hại rồi sinh nở trong vô thức ra sao?

Có một vũ công xòe tuyệt sắc trên xứ Thái Sơn La, từng bị hoang tưởng đi lang thang, bị lạm dụng suốt bao năm ròng. Giờ đã khỏi bệnh “điên”, cô ấy băn khoăn tự hỏi: Rằng, nếu em là em gái, là chị gái hoặc là người yêu cũ của anh thì anh sẽ đau đến mức nào nhỉ?

Những kiều nữ bị điên và bức thư đắng lòng của một gia đình có con gái bị hại.

Những kiều nữ bị "điên" và bức thư đắng lòng của một gia đình có con gái bị hại.

 

… Không đánh phụ nữ, dù là bằng một nhành hoa. Vậy mà nhiều phụ nữ tâm thần tôi đã gặp, họ bị xâm hại, rồi sinh nở trong vô thức. Người đàn bà làm điếm, thu được tiền, vụ “bán khóc mua cười” đó nó đi theo nhẽ khác. Đằng này, ai lại hãm hiếp, lạm dụng, độc địa với cả phụ nữ tâm thần; ai đã làm việc đó, tại sao chúng ta để tồn tại một cái “cơ chế” để biết bao chị em khổ sở như vậy?

 

Có một vũ công xòe tuyệt sắc trên xứ Thái Sơn La, người viết bài này quen nàng từ lúc bị hoang tưởng đi lang thang, bị lạm dụng suốt bao năm ròng rồi liên tục bị thu gom “khống chế” đi chữa bệnh ở Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Giờ đã khỏi bệnh “điên”, cô ấy băn khoăn tự hỏi: Rằng, nếu em là em gái, là chị gái hoặc là người yêu cũ của anh thì anh sẽ đau đến mức nào nhỉ?

 

Thế rồi tôi muốn hỏi bất cứ độc giả nào từng gặp người tâm thần nữ lang thang trên phố, trên đường quê quán chợ: Nếu người điên đó là người thân của bạn thì sao? Có phải sự vô cảm đang gặm mòn mỗi chúng ta hằng ngày hằng giờ?

 

Câu chuyện đắng đót của “những bóng hồng lang bạt”

 

Người điên ăn rác rưởi, nằm mé đường góc phố bất chấp mọi loại hình thời tiết khắc nghiệt nhất, đôi khi họ hiếp người và bị hiếp, giết người và bị giết (báo chí liên tục đăng tải) đều… vô thức, “vô tri vô giác”, điều ấy không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi người tâm thần là bệnh nhân, họ bị “giời đày”, bị số phận oái oăm cay nghiệt nên họ mới rơi vào cái địa ngục đó.

 

Cả Việt Nam và thế giới đều phải “tuyên án” người điên vô tội ngay cả khi họ giết người hoặc giết nhiều người một lúc, là vì lẽ đó. Tuy nhiên, cái việc người ta mặc nhiên quen mắt với cảnh đồng bào mình, đồng loại của mình sống như con vật lang thang, rã rục, sa sút ở khắp đầu đường xó chợ, nó là cái gì đó nhói buốt trong tâm khảm của bất cứ ai có lương tri. Như đã phân tích ở trên, nếu biết nghĩ, có lẽ đối tượng bị đau đớn tủi nhục nhất trong thảm trạng “thả rông người tâm thần lang thang” hiện nay, là: “những bóng hồng lang bạt”.

 

Tôi biết đến Lù Thị Thanh V., cô gái Thái xinh đẹp ấy, lần đầu tiên là qua Tiến sỹ Tô Thanh Phương, một trưởng khoa điều trị đầy nhiệt huyết của Bệnh viện Tâm thần Trung ương. Anh Phương là người có trình độ tiến sỹ nghiên cứu về trầm cảm đầu tiên ở Việt Nam (khi du học tại Pháp). Anh Phương dẫn tôi đi gặp những người đàn bà điên đến hết cỡ.
 
 
Đứa con của một người đàn bà điên tỉnh ở Thái Nguyên

Đứa con của một người đàn bà điên tỉnh ở Thái Nguyên

 

Chị T., ở Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội “điên” đến mức xé cả bộ phận sinh dục của mình ra, máu chảy tràn. Cô bé Ng., thì vừa gặp nhà báo đã quỳ mọp ở hiên nhà, tay nâng niu một chai nước suối móp méo, giọng như diễn viên tuồng: “Thần thiếp xin dâng lên bệ hạ cả tấm thân ngọc ngà này”. Rồi nàng ôm lấy tôi, thắm thiết như mỹ nhân ôm một dũng tướng trước khi chàng xông pha trận tiền.

 

Anh Phương thấy vậy, thở dài: “Có cô bé rất xinh, là chủ một tiệm kinh doanh internet ở Ngọc Hồi kia kìa. Cô bị trầm cảm (chứng bệnh tâm thần), lúc nào cũng thèm tình dục, anh chồng không “chịu” nổi, cô gạ gẫm đủ 6 thanh niên làm thuê ở tiệm, họ cũng bỏ chạy luôn. Rồi cô làm đủ trò kinh khủng khác, đến mức gia đình mất cả trăm triệu đi cúng ma tà mà bệnh (dĩ nhiên) không thuyên giảm. Đôi lúc chợt tỉnh, quá xấu hổ, cô đã nhảy xuống sông Hồng định tự vẫn”.

 

Rồi anh Phương ngậm ngùi kể về Lù Thị Thanh V: Cô ấy là một vũ công xòe xinh đẹp nổi tiếng ở thành phố Sơn La. Thỉnh thoảng cô lại bị thu gom, mang về bệnh viện tâm thần điều trị bắt buộc. Lần nào cô cũng vui tươi kể chuyện, vui tươi muốn sà vào lòng người khác. Những đêm văn nghệ ở trại điên (anh Phương là trưởng khoa điều trị bệnh nhân nữ), V. lại khăn piêu, áo cóm, múa hát tưng bừng, cô bay lượn trong điệu dân vũ đắm say…

 

Vẻ đẹp của V. lúc đó thăng hoa lên, cả bệnh viện tâm thần ai cũng náo nức, ngỡ ngàng. Cô khỏi bệnh vài hôm, về quê, lại không uống thuốc, lại bị lạm dụng, lại đi lang thang. Từ anh lái xe Hà Nội Sơn La lợi dụng V, cả phụ nữ đồng tính cũng lạm dụng V., rồi em cứ đi, hứng lên tụt quần áo bơi dưới Hồ Gươm, bảo vệ gọi lên, cô bảo, cháu đi bắt con rùa rùa, cháu bơi ra Tháp Rùa thắp nhang cho bố cháu. Bất cứ ai ghé tai cô nói nhỏ: “Anh sinh năm 1982”, là đêm ấy V. sẵn sàng hiến thân xác cho anh ấy hoặc vài anh khác nữa.

 

Và, phải ở khách sạn “The Moon” hoặc “The Sun”, bởi V. tin rằng, em là công chúa, con của thần mặt trời (the sun) và thần mặt trăng (the moon). Tôi đã tìm V. ở Sơn La, có lúc cô bị lợi dụng làm gái massage, có lúc làm “đồ chơi” cho vài kẻ bệnh hoạn. Anh trai của V. cũng mắc bệnh như em, thường xuyên về Hà Nội điều trị tâm thần. Bà mẹ V. chỉ còn biết khóc trong tuyệt vọng ở ngôi nhà sàn bản Thái bình yên ấy.
 
Lù Thị Thanh V.

Lù Thị Thanh V.

 

Đặt vòng tránh thai cho người điên, trước khi nàng đi lang thang

 

Điều V. thấy lạ nhất là “suốt ngày phục vụ các anh ấy”, cả ở gốc cây, vườn hoa, cả ở “The Moon hotel” sang trọng, nhưng chưa bao giờ em mang thai. Còn nhiều người điên thì cái thiên chức làm mẹ lại rất… tỉnh. Tôi đã đi nhiều vùng quê, chứng kiến nhiều người liên tục đẻ trong trạng thái hoang tưởng.

 

Ở Cao Bằng có chị điên đến mức sinh con ra, con học hai trường Đại học rồi, vẫn nude lang thang và…, để rồi người viết bài này đã phải nhờ người cho xe y tế, cho kinh phí về Hà Nội chữa bệnh (nay đã khỏi).

 

Ở Thái Nguyên có chị chỉ thích ở truồng chạy ra đường, đi vài tháng mới về một lần, chị sinh con ra quẳng cho mẹ già nuôi trong căn nhà vách đất rồi lại ra đi.

 

Tôi từng dằn lòng theo sát thân phận một người đàn bà ngơ ngẩn, chị cứ đi theo con trâu ra đồi (thật ra trâu dắt chị đi, nhưng người nhà thì quả quyết là chị biết đi chăn trâu). Chị liên tục bị đè ra khắp các bụi rậm ngoài các quả đồi vắng rồi mang thai và sinh nở. Có lần em trai gặng hỏi mãi, chị bảo con chị là do ông X…, lãnh đạo xã cho, mai chị lại khai, do Bí thư đoàn xã “nhờ gửi”, thế là cả vùng quê náo loạn.

 

Vừa rồi ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có người đàn bà gào khóc, máu me be bét nằm trong bụi tre gai trong trạng thái “bỗng nhiên sinh quý tử”. Chị cứ cười hềnh hệch bế đứa bé: “Con của ai mà lại nằm trong lòng ta thế này?”. Bà con đưa chị vào bệnh viện huyện, đứa bé được đem cho làm con nuôi, rồi chị được “gửi mình” vào Trung tâm bảo trợ xã hội Phú Thọ (Yên Kiện, huyện Đoan Hùng).

 

Có lần, tôi phỏng vấn Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, anh Lý Trần Tình và nhóm cán bộ quản lý bệnh nhân nữ ở đây, thì được biết, người điên “đẻ” trong trại không phải là ít. Nhiều gia đình phải triệt sản, phải đặt vòng tránh thai cho con em mình trước khi gạt nước mắt nhìn “nó” đi như ngựa chứng ngoài đường.

 

Có cô “Tuyết ngựa”, đi nhiều như ngựa nên gọi thành tên, gia đình đặt vòng tránh thai sẵn, rồi đeo thêm một cái vòng nữa ở tay cô ấy, khắc tên, khắc số điện thoại lên đó, để cô lang bạt đến đâu, ai làm gì thì làm, nhưng nếu cô chết thì… làm ơn báo cho gia đình!
 
 
Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.


Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.


Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.


Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.


Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.


Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.

Những người điên, tâm thần trên mọi nẻo đường.

 

Ông Lại Xuân Hương, một thầy thuốc nổi tiếng, cả đời làm việc ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ở tuổi bát tuần, ông vẫn hằng ngày cứu giúp bệnh nhân điên, kể: Ngày xưa, trại điên còn lỏng lẻo bờ rào tre nứa, tối đến bọn bắt ếch, câu cá nó cứ rủ nhau trèo vào, “làm việc” các bệnh nhân nữ. Bản thân người nữ bị tâm thần, cảm xúc thả rông, nên họ cũng rất hứng thú chuyện đó. Và nhiều vụ sinh nở đau lòng, nữ người điên đi từ trại điên ra bệnh viện phụ sản rất nhiều.

 

“Cán bộ lại phải xin lỗi gia đình người ta thôi”, ông Hương thở dài. Bây giờ, tiếc thay, chuyện đó vẫn diễn ra, ở ngay thời điểm mà nhân loại tiến bộ đã đi qua đến nửa non cái thập niên thứ hai của thế kỷ 21 rồi. Sao sự vô cảm biến người ta trở về “mông muội nhẫn tâm” vẫn tồn tại? Chúng ta đã có quy định, có chính sách, có kinh phí cho việc thu gom, quản lý, chữa bệnh, duy trì chữa bệnh ở địa phương… dành cho người tâm thần rồi cơ mà. Công an cơ sở, chính quyền địa phương, ngành y tế và nhiều ngành nữa có trách nhiệm trong việc này, quy định rõ ràng lắm. Nhưng ta vẫn thường xuyên bỏ mặc, rồi tất cả cứ thế bỏ mặc, thử hỏi sự nhẫn tâm này sẽ đưa chúng ta về đâu?

 

Có lần, làng tôi (Hà Tây cũ) xuất hiện một cô gái tuổi chừng đôi tám, ngày nào em cũng ở trần truồng, người đẹp như thần vệ nữ, đi lang thang từ đình làng ra chùa làng, ra chợ chính. Đàn ông đàn bà trông thấy đều buồn, thương, xấu hổ. Nhưng không ai biết phải cứu cô bé cách nào. Có ông cụ thương tình cho về nhà tắm rửa, mặc quần áo, lập tức lời đồn “ông dê cụ” lạm dụng cháu bé cứ nháo nhào cả làng.

 

Ông cụ tử tế không còn cách nào khác, bèn dắt cháu bé ra khỏi nhà, lập tức cô bé tâm thần trút bỏ xiêm y, lại đi từ đình, ra chùa, ra chợ. Cuối cùng cán bộ phải lén thuê người đưa cô bé qua đò sang bên kia sông Hồng, kệ cô ấy điên ở vùng Vĩnh Phúc xứ người, kệ người bên đó mang tiếng “vô cảm”…

 

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao Động

(Còn nữa)