Những bất thường trong cuộc đấu thầu trị giá gần 500 tỉ đồng
Dù không đặt giá thầu cao nhất nhưng Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 vẫn trúng thầu thu phí tại hai trạm Hải Dương và Quán Toan trên quốc lộ 5. Tuy nhiên, đến nay họ không thể nhận bàn giao trạm với lý do: Các trạm này đều đã di chuyển đến vị trí mới.
Theo chủ trương xã hội hoá công tác thu phí cầu đường bộ, tháng 4/2005, Cục Đường bộ VN có hồ sơ mời thầu chuyển giao quyền thu phí đường bộ có thời hạn hai trạm Hải Dương và Quán Toan trên quốc lộ 5. Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 234 (Công ty 234), Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 240 và một số đơn vị có truyền thống kinh doanh trong ngành Giao thông tham gia dự thầu.
Cuộc đấu thầu diễn ra đúng dự định, kết quả được Hội đồng chấm thầu đưa ra cho thấy Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ 240 đạt số điểm cao nhất vì bỏ thầu với giá cao nhất. Nhưng thực tế, ngày 24/10/2005,tức 5 tháng sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT mới ra các quyết định 4002 và 4003 phê duyệt kết quả đấu thầu, nhưng đơn vị trúng thầu ở đây lại là Công ty 234 chứ không phải Công ty 240.
Ông Đoàn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ, Chủ tịch Hội đồng đấu thầu, cho biết: Đúng là Công ty 240 bỏ thầu với giá cao nhất. Nhưng khi xem xét quyết định thì thấy đơn vị này không đủ khả năng tài chính vì không được ngân hàng chấp thuận về khoản cho vay gần 500 tỉ đồng để thực hiện cả hai gói thầu. Cuối cùng, Hội đồng xét thầu buộc phải xem xét đến trường hợp có mức bỏ thầu sát dưới là Công ty 234.
Dư luận đặt câu hỏi tại sao Công ty 240 không đáp ứng yêu cầu về khả năng tài chính lại vẫn "qua mặt" Hội đồng để được dự thầu và "suýt" trúng thầu? Điều này đã được đặt ra đối với nhiều vị có trách nhiệm trong cuộc thầu, nhưng đều nhận được câu trả lời rất "chuội" là xung quanh chuyện này còn nhiều vấn đề phức tạp và rất khó nói?!
Riêng ông Chủ tịch Hội đồng đấu thầu cho hay, vì khi tham dự thầu, Công ty 240 có đầy đủ bản cam kết cho vay của ngân hàng. Đến khi có khả năng trúng thầu, thì ngân hàng đưa ra các điều kiện cho vay khá chặt chẽ như công ty trúng thầu phải có ít nhất 20% vốn đối ứng (khoảng 100 tỉ đồng), rồi giá bỏ thầu quá cao... nên thỏa thuận với ngân hàng không đạt được.
Theo quyết định của Bộ GTVT, Công ty 234 trúng thầu gói Trạm thu phí Hải Dương với giá 236 tỉ đồng và Trạm thu phí Quán Toan giá 195,4 tỉ đồng, thời hạn thu 5 năm kể từ ngày bàn giao.
Tuy nhiên đến nay, khi Công ty 234 được công nhận thầu lại nảy sinh một trở ngại mới khiến họ không thể nhận bàn giao trạm với lý do: Quyết định phê duyệt giá trúng thầu trên vào thời điểm hai trạm thu phí ở vị trí cũ. Nhưng nay các trạm này đều đã di chuyển đến vị trí mới nên trước khi cho vay, phía Ngân hàng Đầu tư và phát triển yêu cầu Cục Đường bộ cùng các cơ quan liên quan xác định lại mức thu, lưu lượng xe, chi phí tổ chức... để tính toán lại giá chuyển giao hoặc thời gian được chuyển giao quyền thu phí cho phù hợp với thực tế. Đây là điều kiện có thể thoả mãn, nhưng không dễ thực hiện nếu muốn đảm bảo tính nghiêm túc trong quy chế đấu thầu.
Điều này có nghĩa nếu giữ nguyên giá trúng thầu đã công nhận, thì thời gian thu phí có thể thay đổi theo hướng kéo dài thêm hoặc rút ngắn lại tuỳ thuộc vào kết quả khảo sát mức thu thực tế. Mặt khác, việc điều chỉnh này còn phụ thuộc đơn vị trúng thầu có chấp thuận hay không, vì theo quy định thì giá trong quyết định công nhận thầu đã có hiệu lực pháp luật.
Theo Công an nhân dân