1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Nhật:

Những bất ngờ thú vị

(Dân trí) - Từ Tokyo (Nhật Bản), CTV Minh Tuấn cho biết, anh thực sự ngạc nhiên bởi trong thư viện Nhật Bản không hề thiếu bất cứ một sách gì về lịch sử Việt Nam. Điều đặc biệt hơn nữa là khi tra cứu về Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 với Hiến pháp Nhật có rất nhiều điểm tương đồng thú vị.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay sau đó, ngày 20 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ ký sắc lệnh số 34 về việc thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 7 người. Bác Hồ hiểu rất rõ để có một chính phủ hợp pháp, được nhân dân và thế giới công nhận, thì đất nước phải có quốc hội, và quốc hội phải thông qua được bản Hiến pháp, làm nền tảng chính trị cho việc điều hành đất nước. Ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam được tổ chức, để bầu ra Quốc hội đầu tiên của Việt Nam, và 11 tháng sau, vào ngày mồng 9 tháng 11, quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ 2 đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, được gọi là bản Hiến pháp năm 1946.

 

Cũng vào tháng 11 năm 1946, vào ngày mồng 3, trước Việt Nam 6 ngày, quốc hội Nhật Bản thông qua Hiến pháp dân chủ của họ. Trước đó, vào thời Minh Trị, Nhật đã có bản Hiến pháp dân chủ sơ khai đầu tiên năm 1889.

 

Cho đến nay, sau 60 năm ra đời và phát triển, nước ta đã có tới 4 bản Hiến pháp: HP 1946, HP 1959, HP 1980, và HP 1992 hiện nay đang có hiệu lực. Và 3 bản Hiến pháp sau của ta đều viết lại toàn bộ, cách thể hiện và nhiều điều khoản khác nhau khá xa, và so với Hiến pháp đầu tiên năm 1946 thì rất khác.

 

Hiến pháp 1946 của Nhật được làm trong bối cảnh nước Nhật thua trận trong chiến tranh thế giới thứ  hai. Để tránh nước Nhật có thể tái diễn trở thành nước đế quốc, nhưng vẫn giữ được các giá trị truyền thống của nước Nhật, như vẫn duy trì chế độ quân chủ. Là nước thua trận, chính phủ Nhật đã chấp nhận các ý kiến đóng góp đó của lực lượng Đồng minh và ngày mồng 3 tháng 11 năm 1946, Hiến pháp Nhật đã được quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu hầu như tuyệt đối tại cả hai Viện Thượng viện và Hạ viện.

 

Cách nước Nhật gần 1/4 quả địa cầu, sau đó 6 ngày, ngược hẳn với nước Nhật thua trận, nước Việt Nam thắng trận, giành được độc lập đã thông qua bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của mình, và rất kỳ lạ, có một số điểm khá giống với nội dung hiến pháp của Nhật.

 

Về hình thức, Hiến pháp 1946 của Việt Nam rất ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, có 70 điều. Hiến pháp Nhật 1946 cũng viết khá đơn giản, dễ hiểu và có 103 điều. Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 của Việt Nam có 26 dòng, Hiến pháp Nhật 28 dòng. Điều 10 Hiến pháp Việt Nam năm 1946 viết hết sức đơn giản, rõ ràng, và đanh thép, không cho phép các điều luật dưới Hiến pháp có thể qui dịnh khác được: “Công dân Việt Nam có quyền: -Tự do ngôn luận. -Tự do xuất bản. -Tự do tín ngưỡng. -Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”

 

Hiến pháp Nhật 1946 thể hiện các nội dung trên bằng 4 điều: Điều 19: “ Quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng không bị cản trở”. Điều 20 nói về tự do tín ngưỡng. Điều 21 : “-Tự do tụ tập và hội họp, phát biểu ý kiến, báo chí được bảo đảm”. Điều 22: “Mỗi công dân có quyền lựa chọn và thay đổi chỗ ở, lựa chọn nghề nghiệp, nếu sự lựa chọn này không trở ngại tới quyền lợi chung. Quyền tự do xuất ngoại hay bỏ quốc tịch không bị trở ngại.”

 

Hiến pháp Việt Nam điều 20: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra, theo điều thứ 41 và 61”. Điều 15 Hiến Pháp Nhật Bản có quy định gần tương tự: “Nhân dân có quyền không thể bị tước đoạt về việc lựa chọn các đại biểu, các công chức, và bãi miễn họ”. Điều 15 Hiến pháp 1946 của Việt Nam quy định: “Nền sơ học là cưỡng bách và không học phí... Trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình nhà nước”. Với Hiến pháp 1946 của Nhật, Điều 23 quy định: “Chính phủ bảo đảm tự do giáo dục”, và Điều 26: “...Nền giáo dục cưỡng bách được miễn phí”.

 

Về quyền tư hữu tài sản, Điều 12, Hiến pháp 1946 của Việt Nam quy định: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Hiến pháp Nhật Điều 29 cũng quy định tương tự: “Quyền tư hữu có tính chất bất khả xâm phạm...Có thể truất quyền tư hữu vì lý do công cộng, và sau khi bồi thường xác đáng cho chủ sở hữu.”

 

Về quyền tự do thân thể, Điều 11 Hiến pháp 1946 của Việt Nam ghi rõ: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam”. Tư pháp có nghĩa là tòa án. Quy định này của Hiến pháp 1946 của Việt Nam rất giống Điều 33 của Hiến pháp 1946 của Nhật: “Không ai bị bắt bớ, nếu không có trát truy nã do vị thẩm phán có thẩm quyền định rõ tội nhẹ hay trọng tội để truy tố đương sự, trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang”.

 

Về hoạt động của quốc hội, Điều 57 Hiến pháp Nhật ghi rõ: “Cuộc thảo luận tại mỗi viện có tính cách công khai. Quốc hội sẽ họp kín nếu 2/3 đại biểu có mặt biểu quyết...”. Hiến pháp 1946 của Việt Nam, điều 30 quy định thật dân chủ, rõ ràng hơn Hiến pháp Nhật: -“Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Các báo chí được phép thuật lại các cuộc thảo luận và quyết nghị của quốc hội. Trong trường hợp đặc biệt, nghị viện có thể quyết nghị họp kín”.

 

Về giá trị của Hiến pháp, lời nói đầu của Hiến pháp Nhật nói rõ “nhân dân nắm giữ chủ quyền và soạn thảo Hiến pháp này”. Và Điều 98 quy định: “Hiến pháp là luật tối cao trong nước; không đạo luật, sắc lệnh, dụ, văn kiện nào khác, trái với Hiến pháp, mà có giá trị.” Hiến pháp Việt Nam năm 1946, điều cuối cùng 70 về sửa đổi Hiến pháp cũng có quy định gần tương tự về giá trị tối cao của Hiến pháp: “Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn, thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Như vậy Hiến pháp 1946 của Việt Nam quy định chỉ có nhân dân mới có quyền thay đổi Hiến pháp. Nếu quốc hội muốn thay đổi Hiến pháp, dù quốc hội đã thông qua, thì cũng phải xin ý kiến nhân dân có đồng ý thay đổi hay không.

Hiến pháp 1946 của Việt Nam là một Hiến pháp dân chủ nhất ở Đông Nam Á khi đó, bảo đảm cho nhà nước Việt Nam được xây dựng “dưới một chính thể dân chủ rộng rãi”. Khi đó chính phủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Bác Hồ lãnh đạo, bao gồm những vị trí thức rất nổi tiếng, như luật sư Phan Anh làm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, nhà tri thức lớn  Huỳnh Thúc Kháng làm Bộ trưởng Bộ nội vụ, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố làm Chủ tịch quốc hội...

 

Tiếc rằng ngày 9 tháng 11 năm 1946 Hiến pháp được quốc hội thông qua, thì hơn 1 tháng sau, ngày 20 tháng 12 năm 1946, cả nước ta bước vào “ngày toàn quốc kháng chiến” chống thực dân Pháp. Nên Hiến pháp này tuy đã được thông qua, nhưng chưa được công bố chính thức để thi hành. Khi đó quốc hội ra nghị quyết giao cho Ban thường trực quốc hội “cùng với chính phủ ban bố và thi hành Hiến pháp khi có điều kiện... Trong thời kỳ chưa thi hành được Hiến pháp, thì chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật”.

 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước tạm chia làm 2 miền, chuẩn bị giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước, nên Hiến pháp 1959 ra đời, thay thế Hiến pháp 1946 , khi nó vẫn chưa được công bố và thi hành. Quả là đáng tiếc. Hiến pháp 1959 là Hiến pháp cải tạo và đi lên xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam. Hiến pháp 1980 là Hiến pháp cải tạo và đi lên xã hội chủ nghĩa trong cả nước, sau khi đất nước đã thống nhất. Hiến pháp 1992 là Hiến pháp phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

Người dân Nhật vẫn cảm ơn Hiến pháp dân chủ năm 1946 của mình do lực lượng Đồng minh giúp soạn thảo. Nhờ vậy, nước Nhật mới có nền tảng pháp lý để phát triển thần kỳ như ngày nay. Từ đống tro tàn trong chiến tranh, hơn 3 triệu người chết, bị 2 quả bom nguyên tử, thành phố Tokyo cũng hầu như bị san bằng vì bom. Nhưng chỉ 8 năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật tuyên bố đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, để bước vào giai đoạn phát triển. Và hiện nay Nhật là nước có tiềm lực kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Năm 2004, GDP của Nhật là 5.100 tỷ đôla, Mỹ là 11.000 tỷ, Đức 2.400 tỷ, Pháp 1.700 tỷ, Anh cũng khoảng 1.700 tỷ đôla, Trung Quốc 1.400 tỷ. (Việt Nam GDP năm 2004 là 40 tỷ đôla. Kế hoạch năm 2005 là 50 tỷ đôla).

 

Sự phát triển thần kỳ đó, một phần rất quan trọng là nhờ Hiến pháp mà người Nhật có được năm 1946. Trên thế giới, những nước phát triển nhất, đều là những nước có Hiến pháp rất dân chủ. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

 

Minh Tuấn