Nghệ An:
Những bát cháo ấm lòng bệnh nhân nghèo
(Dân trí) - “Những bát cháo tình thương này không chỉ giải quyết vấn đề về cung cấp chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể mà còn là một liệu pháp tâm lý có tác dụng rất lớn, hỗ trợ cho bác sỹ quá trình điều trị bệnh cho các bệnh nhân”.
Những bát cháo thơm thảo đang đến với bệnh nhân nghèo xứ Nghệ
Nồi cháo của doanh nghiệp
Từ ý tưởng của Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An, cách đây hơn 1 năm (ngày 8/10/2010), Chương trình hỗ trợ bệnh nhận nghèo bằng việc cấp cháo miễn phí cho 200 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chính thức được khởi động. Đã hơn 1 năm qua, hàng trăm nghìn bát cháo đã đến với bệnh nhân nghèo xứ Nghệ, xoa dịu một phần nỗi đau về thể xác và tinh thần cho họ.
Đội cháo tình nguyện Trường ĐH Vinh làm việc hết công suất để có nồi cháo ngon cho bệnh nhân
Anh Trần Anh Sơn - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Thư ký Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An cho biết: “Đây là một trong những hoạt động của Hội nhằm thực hiện cuộc vận động tất cả chung tay chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Chúng tôi hy vọng rằng với những hoạt động của mình, Hội sẽ góp phần cùng ngành y tế tổ chức điều trị cho bệnh nhân nghèo sớm khỏi bệnh, giảm bớt ngày điều trị, động viên họ thêm nghị lực để vượt qua bệnh tật”.
Ý tưởng xây dựng chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo xuất phát từ một lần anh Sơn đưa bố đi bệnh viện. Đi mua cơm trong bệnh viện, anh chứng kiến một cụ già người Thái Bình, chỉ vì quá nghèo, lại phải dành tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho con mà chỉ dám mua nửa suất cơm (mỗi suất cơm giá 20.000 đồng) rồi xin một ít nước canh để chan. Vì ông xin nhiều lần quá nên nhân viên nhà ăn bệnh viện tỏ thái độ khó chịu và nhất quyết không cho.
Đội chia làm 2 nhóm, phụ trách 2 bữa cháo mỗi ngày
“Hơn nửa năm con nằm viện, tôi chưa được một bữa ăn no”, nghe ông lão tâm sự thế, anh đã nhường phần cơm của mình cho ông. Anh chợt nghĩ, tại sao mình không tổ chức những bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo? Sau nhiều đêm trằn trọc, anh trình ý tưởng lên lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An với lời hứa: “Tôi tính toán kỹ rồi, với mỗi nồi cháo 300 nghìn đồng phục vụ cho 200 bệnh nhân, mỗi tuần phục vụ 5 ngày 2 bữa trưa và tối như vậy mỗi tháng là 10 triệu đồng. Các đồng chí cứ cho tôi làm trong vòng 12 tháng, nếu không có doanh nghiệp nào ủng hộ đi chăng nữa tôi cũng sẽ thực hiện trong 12 tháng như đã cam kết”.
Nghe những lời gan ruột của doanh nhân trẻ, cộng với ý nghĩa xã hội lớn của ý tưởng, lãnh đạo tỉnh Nghệ An tán thành và hỗ trợ hết mức. Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An lo kinh phí thực hiện, Trường ĐH Y khoa Vinh phụ trách nấu cháo và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chuẩn bị địa điểm thực hiện. Sau hơn 1 năm triển khai, chương trình phát cháo miễn phí cho bệnh nhân đã phát triển hơn về quy mô và luôn đảm bảo về chất lượng. “Phương châm của chúng tôi là tất cả hoạt động, các khoản thu - chi của chương trình này phải được công khai rõ ràng minh bạch trên trang Web dntieubieuna.vn. Nếu kinh phí không đủ chúng tôi sẽ bổ sung nhưng tuyệt đối không được để xảy ra lãng phí, thất thoát”.
Những "anh nuôi" Trường Y cũng hết sức đảm đang
Ngay từ đầu, mục đích của chương trình là cung cấp những suất cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân nghèo nhưng như anh Trần Anh Sơn nói: “Khi đã vào bệnh viện thì người nghèo cũng như người giàu, nếu phải điều trị dài hạn thì đều khó khăn như nhau. Bởi vậy chúng tôi đã mở rộng đối tượng được cấp cháo miễn phí. Tất cả bệnh nhân có nhu cầu đều được phục vụ cháo”.
Có chứng kiến tâm trạng chờ đợi của hàng trăm người nhà bệnh nhân và các bệnh nhân tại bệnh viện mới thấu hiểu hết ý nghĩa của chương trình này. Bác Ngọc - một bệnh nhân đã sống nhờ vào nồi cháo tình thương này từ suốt tháng 3/2011 đến nay không dấu nổi xúc động: “Người nghèo như chúng tôi vào viện thì trăm ngàn nỗi khổ, nào là lo viện phí, nào ăn uống. Hơn nửa năm qua gần như tôi sống bằng những bát cháo này. Ngày 2 bữa, tuần đều đặn 5 ngày, tính ra chúng tôi đỡ đi được một khoản tiền rất lớn để cầm cự với bệnh tật của mình”.
Chưa đến giờ phát cháo, rất nhiều bệnh nhân đã có mặt cùng với cặp lồng trên tay
Bà Nguyễn Thị Khánh - người nhà bệnh nhân Phan Thị Lý cho biết: “Thời gian đầu con gái tôi nhập viện, chúng tôi chưa biết đến chương trình phát cháo miễn phí này nên phải mua cơm bên ngoài ăn. Người bệnh mà ăn cơm bụi thì cực lắm, nuốt không trôi. May các bệnh nhân điều trị trước mách nước cho nên mới biết đi lấy cháo. Cháo thịt được nấu rất ngon, lại có cả rau củ nữa nên không lo xót ruột hay mau ngán. Hôm đầu tiên mang cháo về, hai mẹ con ôm nhau khóc vì biết mình đỡ đi được một khoản lo”.
Nói về ý nghĩa thiết thực của những bát cháo chứa đựng tấm lòng của những doanh nhân tiêu biểu xứ Nghệ trong công tác chữa trị cho bệnh nhân, Tiến sỹ Nguyễn Văn Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết: “Có chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của các bệnh nhân nghèo nơi đây mới thấm thía ý nghĩa của hoạt động cấp cháo miễn phí của Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An. Những bát cháo đó không chỉ giải quyết vấn đề về cung cấp chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng của cơ thể mà còn là một liệu pháp tâm lý có tác dụng rất lớn, hỗ trợ bác sỹ trong quá trình điều trị bệnh cho các bệnh nhân”.
Đây không đơn thuần chỉ là bát cháo là còn là một liệu pháp tâm lý có tác dụng rất lớn trong điều trị
Và tấm lòng của sinh viên trường y
Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này do các doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An đóng góp nhưng đưa những bát cháo đến tận tay bệnh nhân hoàn toàn do đội thanh niên tình nguyện Trường ĐH Y khoa Vinh đảm nhận. Đội được đặt tên “Đội cháo tình nguyện Trường ĐH Y khoa Vinh”, do Ủy viên BCH đoàn trường Bùi Văn Quang trực tiếp quản lý.
Hàng trăm bệnh nhân nghèo cầm cự với bệnh tật bằng những bát cháo đầy nghĩa tình này
Quang cho biết: “Mỗi nồi cháo được định giá là 300 ngàn đồng, nhưng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm. Từ khâu mua thực phẩm cho đến nấu và cấp phát đều do đội phụ trách nên chúng em cũng phải tính toán thế nào để có hiệu quả cao nhất”.
“Tay hòm chìa khóa” được giao cho Lưu Thị Bích Hoa - sinh viên năm cuối của Trường ĐH Y khoa Vinh. Công việc học hành của sinh viên năm cuối rất vất vả nhưng mỗi sáng Hoa đều dậy từ rất sớm, ra chợ để chọn được thịt vừa tươi, vừa rẻ. Rồi gạo, than củi, rau củ (chủ yếu là cà rốt) gia vị… đều một tay Hoa lo. “300 nghìn nhưng phải đảm bảo mỗi nồi cháo có 1,5kg thịt nạc và 7kg gạo, thời điểm giá cả tăng cao như lũ lụt chẳng hạn thì cũng gay go đấy chị ạ. Nhưng biết chúng em mua để nấu cháo cấp miễn phí cho bệnh nhân nghèo nên thỉnh thoảng các cô bán hàng cũng giảm chút ít giá hoặc bỏ thêm cái này cái nọ”, Hoa chia sẻ.
Đội cháo tình nguyện mướt mồ hôi phục vụ bệnh nhân
Đội có 30 thành viên được lựa chọn kỹ càng từ hàng trăm ứng cử viên của toàn trường. Cả nhóm được chia làm 2 ca tùy theo lịch học của mỗi người. 8h sáng bắt đầu chuẩn bị cho bữa trưa, 10h30 phát cháo và hoàn thành công việc buổi sáng lúc 11h30. Công việc buổi chiều bắt đầu từ 2h, 4h30 chiều cháo sẽ được đưa ra điểm phát để phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
Nguyễn Thị Nhật Thu - thành viên của Đội cháo tình nguyện kể một câu chuyện vui: “Thời gian đầu bệnh nhân cứ tưởng phải trả tiền mới được nhận cháo nên không ai dám lại nhận cả. Đợi đến khi cháo nguội cũng không thấy ai đến lấy, cả đội phải chia nhau “chặn” tất cả người nhà bệnh nhân đang đi mua cơm lại để “tiếp thị”. Sau khi biết những suất cháo này là hoàn toàn miễn phí thì nhiều hôm cháo không đủ để phát. Nhìn những bệnh nhân đến muộn, không được nhận cháo lặng lẽ quay đi chúng em buồn lắm, chỉ mong sao nấu được nhiều cháo để tất cả mọi người có nhu cầu đều có cháo để ăn”.
Để được một chân trong đội cháo tình nguyện, các thành viên không những “chiến đấu” với hàng trăm sinh viên khác mà còn phải giải thích, thuyết phục cả phụ huynh của mình. Bạn Hồ Thị Hà Linh - lớp Y1A cho biết: “Khi biết em tham gia đội cháo tình nguyện mẹ phản đối lắm vì sợ ảnh hưởng đến học tập. Sau khi nghe giải thích, mẹ rất ủng hộ, còn động viên em tham gia nhưng với điều kiện không được lơ là học hành”.
Chứng kiến niềm vui của những bệnh nhân nghèo và người thân của họ khi bê bát cháo nóng hổi thơm phức trên tay, chúng tôi thấy thấm thía hơn ước mơ của những người xây dựng chương trình từ thiện và tâm sự của sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh: “Mong có nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia để mỗi bệnh nhân đều được hưởng lợi từ chương trình này”.
Niềm vui của ông Ngọc - người đã cầm cự với bệnh tật nửa năm nay bằng những bát cháo miễn phí
Trong tương lai, chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo của Hội doanh nghiệp tiêu biểu Nghệ An không chỉ dừng lại ở việc cấp phát cháo miễn phí mà có thêm nhiều chương trình hỗ trợ nữa để giảm bớt khó khăn cho bênh nhân.
Hoàng Lam