1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em

Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng. Điều đáng lưu tâm là tính chất của các vụ xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng với sự xuất hiện các vụ xâm hại trẻ dưới 5 tuổi.

Tình trạng này báo động sự suy đồi về đạo đức, nhân cách của một bộ phận người dân.

Trẻ hóa độ tuổi trẻ bị xâm hại

Trong các loại hình xâm hại trẻ em thì tình trạng xâm hại tình dục nổi lên bởi tính chất phức tạp và mức độ tổn hại nặng nề, ảnh hưởng lâu dài về sau. Đặc biệt, nếu như những năm trước xâm hại tình dục thường xảy ra với trẻ trên 10 tuổi thì thời gian gần đây lại xảy ra tình trạng xâm hại tình dục với những trẻ chỉ mới 3 – 4 tuổi, để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong vòng 4 năm trở lại đây, chỉ riêng tại TP HCM đã có hơn 60 trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục.

Vừa qua, tại TP HCM dư luận xôn xao về vụ bé gái 3 tuổi bị một nhân viên y tế ở Trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, quận 10 xâm hại tình dục khi gia đình đưa bé đến khám bệnh tại trung tâm này. Lợi dụng lúc phòng khám vắng người, nhân viên y tế này đã yêu cầu mẹ bé đi đóng tiền khám bệnh để hắn có cơ hội thực hiện hành vi dâm ô của mình. Vào tháng 4/2012 cũng xảy ra trường hợp một cháu gái 4 tuổi, ngụ tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi bị một đối tượng ngụ gần nhà hiếp dâm khi cháu đang ở nhà một mình. Mẹ nạn nhân phát hiện và báo công an địa phương giải quyết.

Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em - 1
Một trẻ bị xâm hại tình dục dẫn đến phải làm mẹ ở tuổi 14

Ông Nguyễn Trọng An – Cục phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em đánh giá: Con số hơn 1000 trẻ bị xâm hại tình dục mỗi năm cho thấy mức độ nghiêm trọng của xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, con số này chỉ là một phần nổi của các vụ việc đã được phát hiện, xử lý. Còn rất nhiều vụ mà cơ quan chức năng chưa phát hiện do nạn nhân và gia đình không hợp tác, tự giải quyết thương lượng; một số vụ việc chỉ khi thương lượng không thành mới nhờ chính quyền can thiệp. Mặt khác, vì sợ dư luận xã hội ảnh hưởng đến tâm lý trẻ về sau nên nhiều gia đình không tố giác vụ việc.

So với những con số được báo cáo thì trên thực số trẻ bị xâm hại có thể cao gấp nhiều lần. Cụ thể, tại TP HCM theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội thì mỗi năm có khoảng 150 – 200 trẻ bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 2.000 trường hợp trẻ vị thành niên đến phá thai và 5.000 trường hợp sinh con ở tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy, số trẻ bị xâm hại tình dục đã lên đến mức báo động.

Bà Đinh Nguyễn Thiên Kim – Phó giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y TP HCM kể lại: Ngày 26/6, trung tâm vừa thực hiện giám định xâm hại tình dục cho một bé gái mới 12 tuổi đang mang thai 3 tháng. Khi hỏi bé vì sao đến nay mới tố cáo thì cô bé trả lời: “Cháu đã biết “chuyện ấy” từ năm 8 tuổi nhưng đến giờ bạn trai không còn thích cháu nữa nên cháu mới tố cáo để người ấy đi tù”. Do thiếu hiểu biết và thiếu sự quan tâm của phụ huynh mà một số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều lần trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện, tố giác dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, không chỉ các bé gái mà ngay cả các bé trai cũng bị xâm hại tình dục, nhiều vụ việc xâm hại tình dục với trẻ em trai cũng được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây.

Thắt chặt quản lý

Xâm hại tình dục trẻ em gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất cũng như vấn đề tâm, sinh lý của trẻ. Các em bị xâm hại có thể mang thai ngoài ý muốn, thậm chí mất khả năng sinh sản hoặc tử vong do quá trình nạo, hút thai… Về tinh thần, trẻ dễ mặc cảm, tự ti, nhiều em do quan điểm “không còn gì để mất” nên bắt đầu sống buông thả để lại hậu quả lâu dài cho tương lai của các em.

Đa phần trẻ bị xâm hại tình dục là các em ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ lo mưu sinh không có thời gian quan tâm đến con cái để mặc cho các em không ai chăm sóc, để trẻ ở nhà một mình, thậm chí có em bỏ nhà đi lang thang kiếm sống dẫn đến nhiều em không biết cách bảo vệ mình dễ dàng trở thành nạn nhân của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em - 2
Trẻ lang thang kiếm sống có nguy cơ bị xâm hại tình dục cao

Với tính chất đặc thù là địa phương có số lượng dân nhập cư cao, TP HCM là một trong những địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Hiện nay, TP HCM có khoảng 300.000 trẻ nhập cư, chiếm 16,7% tổng số trẻ em thành phố, trong đó số trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khoảng 70.000 em, nhiều em phải lao động kiếm sống, thiếu sự quản lý, chăm sóc của gia đình nên nguy cơ bị dụ dỗ, mua bán, xâm hại tình dục cao.

Ông Nguyễn Trọng An – Cục phó Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em nhận định: Số trẻ em bị xâm hại tình dục phát hiện được chưa sát với con số thực tế. Do hiện nay, chúng ta đang thiếu hẳn một mạng lưới thu thập thông tin, phát hiện sớm, giảm thiểu xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng. Đội ngũ làm công tác phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của cả nước vẫn còn rất mỏng và yếu. Việc hỗ trợ các dịch vụ y tế, tâm lý cho những trẻ em bị xâm hại tình dục cũng còn hạn chế.

Do đó, để giảm thiểu xâm hại trẻ em cần xây dựng một hệ thống bảo vệ trẻ một cách hoàn chỉnh từ tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, phát hiện sớm,… đến hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý. Tạo sự gắn kết giữa các ban ngành để nâng cao hiệu quả của việc can thiệp, trợ giúp trẻ bị xâm hại tình dục. Tuyên truyền cho các gia đình về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc con cái; khi chẳng may trẻ bị xâm hại thì nên đưa trẻ đi giám định càng sớm càng tốt để có chứng cứ truy tố đối tượng vi phạm.

Hiện nay, nhiều Trung tâm giám định Pháp y đã áp dụng các kỹ thuật mới về sinh học phân tử để giám định xác định đối tượng xâm hại tình dục như: Nhuộm phát hiện tinh trùng trong dịch âm đạo. Các trường hợp không phát hiện được tinh trùng thì sẽ tiếp tục xác định bằng định lượng nhiễm sắc thể Y, lập hồ sơ ADN người nam trên nhiễm sắc thể thường… Đây là những phương pháp xác định đối tượng xâm hại khi trẻ đến trung tâm giám định mà thời gian bị xâm hại vượt qua thời điểm vàng để lấy dấu vết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ đến quá muộn nên việc thăm khám, xác định tổn thương gặp khó khăn, việc lấy dấu vết bị hạn chế, không đủ cơ sở để bắt đối tượng vi phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Mai Phương
PetroTimes