1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nhức nhối nạn “quặng tặc” Bắc Kạn

(Dân trí) - Khu vực từ chân đèo Kéo Kền đến cuối khu rừng Lũng Cuổi (xã Đồng Lạ, Chợ Đồn, Bắc Kạn) là nơi hàng trăm người ngày đêm khai thác quặng chì kẽm trái phép. Mỗi năm, hàng nghìn tấn quặng chì kẽm được các chủ đầu lậu quặng qua mặt các cơ quan chức năng vận chuyển ra khỏi Bắc Kạn.

Vào vùng quặng

 

“Alô, alô… hai ôtô biển xanh đang đi vào khu vực Lũng Cuổi, không rõ cơ quan nào, rút ngay…” - một thanh niên cầm chiếc điện thoại kéo dài đứng ngay khu chợ Bản Mạ, xã Quảng Bạch (Chợ Đồn), cách khu mỏ chì kẽm Lũng Cuổi khoảng 5 km, thông báo cho đồng bọn. Hầu hết các điểm khai thác quặng đều có một “trạm thông tin” như thế. Đó là cách để dân khai thác và thu gon quặng trái phép thoát khỏi sự truy quét của các cơ quan chức năng.

 

Chúng tôi vào vùng quặng bằng một chiếc xe u-oát, chốc chốc lại chồm lên vì vấp phải những đống đất lớn hay có khi hự xuống vì lao phải những “ổ voi”. Từ chân đồi Kéo Kền đi thêm 2 km nữa là đến chân đồi Lũng Cuổi, nơi tình trạng khai thác quặng trái phép đang gây nhức nhối trong địa phương.

 

“Chúng rút hết lên đỉnh đồi và những vùng chung quanh rồi, các anh có đi tiếp lên đỉnh đồi không, mất vài tiếng đấy” - anh bạn dẫn đường vừa nói, vừa chỉ vào con đường mòn, ngoằn ngoèo trước mặt và hăng hái đi trước.

 

Men theo con đường mòn chúng tôi đi sâu vào rừng, con đường ngày một dốc và khó đi. Đi chừng 30 phút, chúng tôi bắt gặp một lán nhỏ căng bằng bạt dứa, cạnh gốc cây là chiếc máy nổ, những chiếc quần lao động, những chiếc thùng nhựa vứt ngỗn ngang, dây điện được kéo chằng chịt vào các thân cây rừng nhưng không thấy một bóng người.

 

Nghỉ lại một lúc lấy sức, cả đoàn chuẩn bị đi tiếp thì nghe có tiếng chặt cây rừng và tiếng đào đất bình bịch phía trước.

 

“Quặng tặc” hoành hành

 

 

Nhức nhối nạn “quặng tặc” Bắc Kạn - 1
 

Dân địa phương đi "mót" quặng.

 

 

Đi sâu vào trong, chúng tôi gặp những gốc cây rừng bị đốn hạ và hàng chục hầm quặng nằm san sát nhau, mỗi hầm có đường kính từ 1-2 m, được chống tạm bợ bằng khúc cây. Xung quanh hầm là hàng trăm người, từ thanh niên trai tráng cho đến đàn bà, trẻ con, mỗi người một tải dứa, một xà beng, một con dao cùn, bên hông đeo một túi gạo nhỏ với miếng thịt lợn và mớ rau xanh. Đây chưa phải là những “quặng tặc” đúng nghĩa mà chỉ là dân địa phương đi “mót”.

 

Với những “công cụ lao động” thô sơ đó, mỗi ngày một người cũng kiếm được 50 kg quặng chì kẽm. Số quặng này họ bán lại cho chính những cai đầu nậu với giá 550 đồng/kg. Như thế, mỗi ngày họ cũng kiếm được chừng 25.000 đồng. Dân đào quặng “chuyên nghiệp” mỗi ngày khai thác được từ 4 -5 tạ quặng chì kẽm/hầm.

 

Đồi Lũng Cuổi rộng hơn chục ha, nhưng đây là khu vực được đánh giá là có trữ lượng quặng lớn. Thời điểm rộ nhất vào năm 2004 có rất đông người lên đây khai thác quặng trái phép, trong đó có người ở các tỉnh lân cận. Hàng nghìn tấn quặng được khai thác trái phép và vận chuyển ra khỏi tỉnh.

 

Thời gian gần đây các cơ quan chức năng truy quét mạnh, thì chỉ còn lại những nhóm khai thác có tổ chức mới tồn tại được, nhưng số này cũng còn hàng trăm người.

 

Phương pháp khai thác quặng thổ phỉ là đào hầm sâu khoảng 15-20 m, đến khi gặp đá thì dùng mìn để nổ, sau đó đào hàm ếch, ngách sang các phía. Như vậy, mỗi miệng hầm thông xuống lòng đất là cả hệ thống ngóc ngách, thậm chí thông với nhau tạo thành hệ thống rỗng trong lòng đồi. Nguy cơ sạt lở tại khu vực này rất cao, nhất là vào mùa mưa.

 

Trong khi đó hệ thống bảo đảm an toàn cho mỗi hầm rất đơn giản: mỗi cửa hầm được chống bằng các cây gỗ rừng rất đơn sơ, trên cửa hầm được lắp một chiếc ròng rọc tự tạo bằng gỗ, và một dây thừng thòng lọng xuống dưới đáy. Người lên, xuống hầm đều qua con đường này, quặng khai thác được cũng qua ròng rọc mà lên. Quặng khai thác được tập kết tại nhà dân, chờ cơ hội để vận chuyển ra khỏi tỉnh.

 

 

Nhức nhối nạn “quặng tặc” Bắc Kạn - 2
 

Những hầm quặng có thể

sập bất cứ lúc nào.

 

Nguy hiểm và bất hợp pháp song vì món lợi nhuận không nhỏ từ những vỉa quặng mà các hầm khai thác vẫn cứ mọc lên, bất chấp những cái chết đang rình rập và sự truy quét của cơ quan chức năng.

 

Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó giám đốc Xí nghiệp khai thác và chế biến chì kẽm Quảng Bạch - giá thu mua quặng trái phép tại đây là 550 đồng/kg nhưng nếu vận chuyển ra khỏi Bắc Kạn thì có thể cao hơn gấp 10 lần. Nhân cái giá ấy với lượng quặng do dân địa phương và nhóm thổ phỉ khai thác được chừng 10 tấn/ngày, con số lợi nhuận đủ để bọn “cai”, đầu nậu bất chấp tất cả.

 

Chính quyền “bó tay”

 

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh - Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc - chính quyền phối hợp với các ngành chức năng đã nhiều lần đến giải tỏa, tiến hành nhiều đợt truy quét, phá sập các hầm khai thác thổ phỉ, nhưng cũng chỉ như ném đá ao bèo. Sau khi lực lượng chức năng rút thì đâu lại vào đấy.

 

Hình thức khai thác quặng trái phép ngày càng có tổ chức hơn, tinh vi hơn. Lượng quặng khai thác trái phép vận chuyển ra khỏi khu vực bằng đủ mọi phương tiện như ngựa thồ, người thồ, công nông. Thậm chí mới đây, khi lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ quặng khai thác trái phép, chúng sẵn sàng tổ chức cướp lại một cách trắng trợn, thách thức chính quyền địa phương.

 

Trong vòng hơn hai năm qua, hàng nghìn tấn quặng đã bị khai thác trái phép và không hiểu bằng cách nào vẫn dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.

 

Trước những bức xúc về nạn “quặng tặc” hoành hành, ngày 17/11/2006, UBND tỉnh Bắc Kạn có giấy phép số 2305/GP - UBND giao Mỏ chì kẽm Lũng Cuổi cho Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn khai thác, chế biến và quản lý.

 

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận giấy phép và đang tiến hành làm thủ tục đền bù cho dân, đầu tư cơ sở hạ tầng để tiến hành khai thác thì thì Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn đã nhận được những lời đe dọa, thách thức nặc danh.

 

Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên ở địa phương.

Thái Sơn - Phúc Hưng