TPHCM:

Nhu cầu nhân lực giảm vì kinh tế khó khăn

(Dân trí) - Tháng 4/2012, nhu cầu tuyển dụng lao động cho các hoạt động sản xuất, chế biến giảm so tháng 3/2012 và quý I/2012 do nhiều doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, chỉ duy trì quy mô hoạt động ở mức cũ hoặc thấp hơn năm 2011.

Đó là đánh giá của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) về tình hình việc làm tháng 4/2012 sau khi khảo sát hơn 1.900 doanh nghiệp với gần 21.000 nhu cầu tuyển dụng lao động và hơn 10.000 người có nhu cầu tìm việc làm.

Nhu cầu nhân lực giảm vì kinh tế khó khăn - 1
Các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tái cơ cấu nguồn nhân lực để ổn định doanh nghiệp nên nhu cầu nhân lực có xu hướng giảm (ảnh minh họa)

Cụ thể, so với tháng 3/2012, chỉ số cầu nhân lực tháng 4/2012 của một số ngành có tỷ lệ cầu nhân lực lớn như Quản lý nhân sự - Hành chính văn phòng, Dệt may - Da giày, Điện tử - Viễn thông, Tài chính - Ngân hàng, Chế biến lương thực – thực phẩm… đều giảm; Kể cả nhu cầu tuyển dụng lao động bán thời gian, thời vụ như nhân viên nhập dữ liệu, bán hàng, công nhân lao động sản xuất, chế biến… cũng giảm.

Ngoài ra, chất lượng lao động cũng được các doanh nghiệp chú trọng, chủ yếu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm, bằng cấp. Trong tổng số người tìm việc làm tháng 4/2012 cũng có trên 50% có thời gian làm việc trên 1 năm.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi cho rằng: “Việc tuyển dụng lao động chặt chẽ, chọn lọc trình độ nghề và kỹ năng, đặc biệt nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao, thể hiện tình trạng kinh tế - xã hội còn tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ không mở rộng quy mô hoặc thu hẹp sản xuất – kinh doanh để đảm bảo sự ổn định”.

Tháng 4/2012, thị trường lao động TPHCM tiếp tục diễn ra tình trạng dịch chuyển chỗ làm việc, đáng chú ý là sự dịch chuyển lao động có tay nghề trong các ngành gia công - sản xuất, Dệt, May, Giày da, Chế biến thủy sản, Thực phẩm, Xây dựng, Nhân viên kinh doanh, Bán hàng, Kế toán, Quản lý hành chính…

Ngoài ra, nghịch lý giữa cung - cầu nhân lực vẫn còn phổ biến trong nhiều ngành như: Nhóm ngành nghề Tư vấn - Bảo hiểm có nhu cầu tuyển dụng liên tục tăng nhưng nhu cầu tìm việc lại chiếm tỷ lệ thấp trong nguồn cung; Ngành Công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng tháng 4/2012 tăng khá cao (tăng hơn 98%) so với tháng 3/2012 nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được 70% so với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp…

Dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 5/2012 chỉ khoảng 24.000 lao động (cùng kỳ năm ngoái là 35.000 - 40.000 lao động), chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong khi đó, nguồn cung nhân lực tháng 5/2012 sẽ có xu hướng tăng do một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường cần tìm việc làm.

Theo ông Trần Anh Tuấn, thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, cải thiện nền kinh tế và đã đạt nhiều mặt tích cực. Tuy nhiên, trong tháng 5/2012, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công - sản xuất, chế biến tiếp tục tồn tại nhiều khó khăn. Vì vậy, thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định và vẫn phát sinh nhiều nghịch lý, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm.

Tùng Nguyên