Nhộn nhịp những phố ông đồ
(Dân trí) - Sài Gòn tết Mậu Tý 2008 chỉ thấy lác đác vài điểm cho chữ và duy có Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM là tổ chức Phố ông đồ. Tết năm nay, những Phố ông đồ mọc lên khắp các con đường…
Mạnh nhất có lẽ vẫn là tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Phố ông đồ ở đây được tổ chức dọc vỉa hè trước mặt và bên hông nhà văn hóa, góc đường Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Thị Minh Khai, kéo dài vào tận trong sân sảnh lớn với mấy chục gian lều tranh cho chữ.
Hoạt động này đã được tổ chức từ ngày 15/1/2009 và kéo dài cho đến ngày 30 tháng Chạp (25/1/2009). Các gian hàng được mở từ 8g sáng cho đến 22h tối. Các “ông đồ” ở đây đều bắt buộc phải mặt áo dài, khăn đóng khi làm việc. Gian hàng cũng được chuẩn bị chu đáo bằng phản gỗ trải thảm nhung đỏ. Bên trong sảnh lớn còn bày nhiều giường tre nhỏ cho khách nghỉ chân.
Tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM năm nay cũng tổ chức một Phố ông đồ dọc vỉa hè hai bên cổng với gần 20 gian hàng. Các “ông đồ” ở đây có người mang áo dài khăn đóng, có người không nhưng hoạt động diễn ra cũng rất sôi nổi vì nó nằm ngay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, một con phố trung tâm của Sài Gòn.
Trên đường Trương Định, góc ngã tư Điện Biên Phủ cũng có một Phố ông đồ tự phát với gần 10 “ông đồ” cho chữ ngày xuân. Các “ông đồ” ở đây ăn mặc rất hiện đại nhưng hầu hết đều là những người đã nhiều năm trong nghề “cho chữ”.
Kiểu dáng thể hiện thư pháp hiện nay cũng rất đa dạng, không chỉ là mực tàu trên giấy đỏ như xưa mà có thể trên cả giấy vàng, giấy xanh và lụa… Mực có thể là nhũ vàng, nhũ đồng kim, màu nước các loại.
Vật liệu thể hiện có thể là tranh thư pháp truyền thống với bức tranh giấy và hai nẹp tre trên dưới, cũng có thể là một bức mành, có khi là lồng trong khung kính, có lúc vẽ chữ trên cả các vật dụng bằng gốm…
Ngoài chữ thư pháp Việt, Hán với nội dung là những lời chúc tụng, những câu danh ngôn thì còn có hình ảnh sông núi, tùng trúc, chim hoa; có khi là cả bức chân dung vẽ bằng bút lông và mực tàu. Cho nên, các “ông đồ” ngày nay không chỉ là một thư pháp gia mà còn phải kiêm luôn nghề họa sĩ.
Phong phú như thế nên giá cả cũng rất đa dạng, có bức giá 20-30 ngàn đồng, có bức lên đến vài trăm ngàn. Tuy đắt nhưng người mua rất đông, nhiều bạn trẻ rất thích những sản phẩm này vì nó rất hợp để tặng cho cha mẹ, ông bà hay sếp trong cơ quan là những người lớn tuổi, hiếu cổ…
Nếu nhà thơ Vũ Đình Liên còn sống, có lẽ ông sẽ rất mừng và không còn than “nhưng mỗi năm mỗi vắng, người thuê viết nay đâu” nữa. Một nét văn hóa cổ truyền đang dần phục sinh trong lòng dân tộc…
Sau đây là vài hình ảnh ông đồ giữa phố thị Sài Thành:
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên
Cung Văn hóa Lao động
Trên đường Trương Định
Giá trị cổ truyền hấp dẫn các bạn trẻ.
Ông đồ già
“Anh đồ” trẻ
Và cả “Bà đồ”
Ông đồ thời hiện đại.
“những người muôn năm cũ” đang ở đây, tiếp sức hồi sinh cho một nét đẹp cổ truyền…
Tùng Nguyên