1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhóm người mẫu chuyển giới và hành trình tìm lại chính mình

Để được sống thật với chính mình, những “cô gái” trong nhóm Pattaya sẵn sàng hy sinh 20 năm tuổi thọ cùng một số tiền không nhỏ sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật chuyển giới.

Trải qua những đau đớn tột cùng, họ đã thoát khỏi “lốt” con trai nhưng phải mất cả năm trời họ mới có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống. Đã có người tìm đến cái chết mong thoát khỏi đớn đau nhưng số phận bắt buộc họ phải sống.

 

Có tới 15 thứ “phụ kiện” trên người

 

Với mong muốn được gặp lại nhóm người mẫu chuyển giới Pattaya, tôi trở lại quán Đêm Vọng và được một nam sinh viên trọ trong con hẻm nhỏ đối diện quán cho số điện thoại của cả 5 “cô gái”.

 

Nhóm người mẫu chuyển giới và hành trình tìm lại chính mình  - 1

5 thành viên của nhóm Pattaya.

 

Liên lạc ngay với Thùy Linh (SN 1990) - trưởng nhóm Pattaya, tôi được tiếp đón bởi một giọng nữ hết sức trong trẻo, lễ phép. Thùy Linh bảo cô đang bị sốt viêm họng không thể gặp được nên bảo tôi gọi cho Ngọc Linh (SN 1991) và Phương Anh (SN 1987) vì đây là 2 thành viên biết khá rõ mọi chuyện của nhóm. Bấm tiếp số máy của hai người này thì cả hai đều vui vẻ nhận lời gặp tôi.

 

Đúng hẹn, 19h tôi có mặt ở một quán cà phê nhỏ cạnh hồ Giảng Võ. Chờ khoảng 10 phút vẫn chưa thấy Ngọc Linh và Phương Anh đến tôi đành phải cầm máy gọi cho Phương Anh. “Anh ơi, bọn em gần đến đó rồi!Anh cố gắng ngồi chờ chút nhé!” - Phương Anh trả lời. Tuy nhiên, phải đợi đúng 1 tiếng 30 phút mới thấy bóng dáng của 2 cô xuất hiện...

 

Vừa thấy tôi, Phương Anh đã lên tiếng giải thích: “Xin lỗi anh vì bọn em đến hơi muộn do phải trang điểm để tí đi sinh nhật bạn luôn. Cứ vừa đi ra khỏi nhà lại thấy thiếu một thứ “phụ kiện” nào đó là phải quay lại để “thêm” vào thành thử ra mất nhiều thời gian. Anh có tin là bọn em lúc nào cũng phải khoác lên người 15 thứ “phụ kiện” khác nhau mới ra được khỏi nhà không?”.

 

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng sự giải thích lý do vì sao nhóm Pattaya lại được biểu diễn ở cà phê Đêm Vọng của Ngọc Linh: “Nhóm Pattaya bọn em gồm 5 “cô gái” đã từng phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan về. Em út của nhóm là Thủy Tiên (SN 1991), còn chị cả của nhóm là Phương Anh (SN 1987), nhưng trưởng nhóm lại là Thùy Linh (SN 1990). Chính Thùy Linh là người đã có công mang show diễn thời trang ở cà phê Đêm Vọng về cho nhóm...”.

  

Phương Anh kể thêm: Những ngày đầu khi bọn em đến đây biểu diễn người ta kéo đến xem nườm nượp. Nhưng anh biết không, đại đa số họ đến vì tò mò và hiếu kỳ chứ ít ai đồng cảm với bọn em lắm. Mà cũng không phải bọn em dễ dàng đến đây biểu diễn như thế này đâu, khi nghe Thùy Linh nói chuyện biểu diễn thời trang ở quán để kiếm thêm thu nhập, em và Ngọc Linh, Phương Linh, Thủy Tiên đã suy nghĩ rất nhiều. Thực sự mà nói thì bọn em vẫn chưa xóa hết mặc cảm và tự ti khi đứng trước đám đông.

 

Theo Ngọc Linh và Phương Anh thì mỗi show thời trang với ba lần biểu diễn và một số tiết mục ca nhạc trong một đêm được chủ quán trả cát sê là 900.000 đồng. Thùy Linh trưởng nhóm trả cho mỗi thành viên 100 nghìn còn lại trang trải chi phí thuê quần áo. “Tiền đối với bọn em không quan trọng bởi nếu có trả cao hơn thì mức thù lao cũng không đủ để bọn em trang trải cuộc sống... Bọn em sống dựa vào nghề chính chứ nghề tay trái này chỉ là để khẳng định mình mà thôi” - Ngọc Linh giải thích, đôi mắt ầng ậng nước.

 

Vì sao có tên Pattaya?

 

Theo Phương Anh thì Pattaya là một cái tên do nhóm đặt ra để nhớ về thành phố Pattaya ở Thái Lan - nơi đã cho họ tìm thấy mình.

 

Ngọc Linh kể, Thùy Linh và Ngọc Linh quen biết nhau trong một lần đi bar, chơi với nhau được một thời gian thì mới biết là ở gần nhà nhau. Phương Linh là “chị em” kết nghĩa với Thùy Linh nên khi được giới thiệu với nhau thì “tam Linh” trở nên khăng khít. Sau khi chuyển đổi giới tính ở Thái Lan trở về “tam Linh” gặp Phương Anh và kết thành một hội. Sau này, khi đang trong thời gian tập luyện thời trang và ca hát thì gặp thêm Thủy Tiên và cả 5 người nhanh chóng kết lại với nhau như một “đại gia đình”.

 

Ngọc Linh vốn là dân Hà Nội gốc, nhà ở Đống Đa, công việc chính bây giờ là làm trang điểm cho một tiệm ảnh viện áo cưới. Linh vốn là anh cả của một gia đình có 3 anh em trai, bố mẹ làm nghề buôn bán. Linh kể: Hồi còn đi học,  em toàn chơi với con gái chứ không chơi với con trai nhưng được cái bạn bè ai cũng biết em như thế nên vẫn chơi với nhau rất hòa đồng. Khi lớn hơn, em vẫn không thể thay đổi cái tính yểu điệu, nữ nhi khác thường của mình. Bố mẹ thấy thế ra sức ngăn cấm và rất buồn.

 

Lúc đầu bố đánh em rất nhiều, đánh đến tứa máu và thâm tím cơ thể, còn mẹ thì dỗ dành không được cũng quay ra dọa nạt, mắng mỏ nhưng em không thể nào làm khác được. Những lần đi chơi em toàn phải mang quần áo con gái sang nhà hàng xóm để thay nhờ, khi về cũng vào đó thay rồi mới về nhà... Nhưng cuối cùng chuyện cũng đến tai bố mẹ, bố lại đánh rồi vứt hết quần áo đi nhưng mãi rồi bố mẹ cũng phải chấp nhận con người thật của em. Bây giờ trong gia đình em vẫn làm những công việc như một người chị cả, đi làm về lại đi chợ, nấu ăn cho cả nhà rồi dọn dẹp linh tinh trong gia đình.

 

Riêng với Phương Anh thì cuộc sống có vẻ bi kịch hơn vì Phương Anh là con trai duy nhất của gia đình. Bố mẹ cũng là dân buôn bán nhưng ở Hải Dương. “Hồi nhỏ em thích son phấn lắm. Mỗi lần thấy dì em trang điểm là em cứ đứng nhìn mê mải và lợi dụng lúc dì đi vắng là ăn trộm son phấn của dì để bôi. Rồi còn ăn trộm quần áo lót của dì để mặc, bị dì phát hiện ra đánh rất đau nhưng em vẫn cứ mặc...

 

Ở Hải Dương quê em, cuộc sống khác hơn ở Hà Nội nhiều lắm. Ở quê người ta không bao giờ chấp nhận một người “ái nam ái nữ” như em, họ nguyền rủa, xỉa xói và làm đủ cách khiến em phải sống dở chết dở. Suốt ngày em ru rú trong nhà không dám đi ra ngoài đường vì sợ phải nhìn thấy những ánh mắt cay nghiệt của người đời. Ở quê, người ta chỉ có thể chấp nhận mấy người trót mang thân đồng cô bóng cậu nên cũng có người khuyên em sắm khăn áo trình đền mở phủ để người ta bớt định kiến về mình nhưng em không thuộc thế giới đó nên em không làm. Quá ngột ngạt với cuộc sống ở quê, em lên Hà Nội”.

 

Nhóm người mẫu chuyển giới và hành trình tìm lại chính mình  - 2
Phương Anh và Ngọc Linh trong buổi nói chuyện với phóng viên.

 

Cố gắng để được là chính mình

 

Nói chuyện được một lúc tôi mới để ý đến vẻ ngoài của 2 “cô gái” này.

 

Theo nguyên tắc, để đến được với cuộc phẫu thuật giới tính một người phải được điều trị hormone trong 2 năm liền. Lúc đó lông tay, chân sẽ rụng đi, da dẻ dần trở nên mịn màng, vùng eo thon nhỏ lại và vùng hông nở ra... Để hoàn thành quá trình điều trị hormone và phẫu thuật chuyển giới tại những bệnh viện có tiếng ở Thái Lan giá thành lên tới 30.000 USD hoặc nhiều hơn. Tuy nhiên, do không có đủ nguồn kinh phí lớn như thế nên “tam Linh” và hai thành viên còn lại của nhóm Pattaya đã phải chấp nhận thực hiện điều này ở một bệnh viện bình dân của Thái Lan. Những khoản tiền ki cóp được của bản thân và nhờ gia đình vay mượn chỉ đủ cho mỗi cô điều trị hormone trong vòng 1 tháng rồi tiến hành phẫu thuật luôn.

 

“Em nhớ như in một loạt đèn trắng dọi thẳng vào mặt, tay trái truyền nước, tay phải truyền máu rồi em dần dần lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy cảm giác đau buốt toàn thân xuyên đến đỉnh óc. Em muốn kêu đau mà chỉ khẽ rung môi thôi là toàn thân lại đau buốt nên đành nằm bất động như một cái xác không hồn. Mọi cố gắng lúc đó của em đều trở nên vô nghĩa. Lúc đó, mà mấp máy được môi chắc là em đã cắn lưỡi tự tử rồi vì không thể chịu nổi sự đau đớn...

 

Nhìn cái đồng hồ treo tường trước mặt em đoán là mình mổ khoảng 17- 18 tiếng gì đó. Lúc đó có một người phụ nữ mặc bộ đồ màu xanh nước biển đến cho em ngậm một ống hút, bóp cho em uống một thứ gì đó. Sau này khi đi chăm Phương Anh em mới biết đó là hộp sữa. Cảm giác đau đớn bây giờ kể lại vẫn thấy sợ... nhưng vẫn tự nhủ với bản thân: Phải sống! Phải cố gắng lên để được là chính mình.
 
Nhóm người mẫu chuyển giới và hành trình tìm lại chính mình  - 3

 

Khoảng 10 ngày sau em được tháo băng, em sụt tới 6kg. Nhìn vào gương em không thể tưởng tượng nổi hình ảnh trong gương chính là mình. Chuỗi thời gian tiếp theo là cả một cực hình mà em phải nếm trải: Từ những lần đi vệ sinh đầu tiên không thể kiểm soát, từ những cử động nhẹ nhàng, những bước tập trong quá trình hồi phục... tất cả đều kèm theo những cảm giác đau đớn khó tả. 4 tuần sau ngày mổ em về nước, 6 tháng sau đó cái cảm giác đau đớn dường như mới nguôi ngoai đi...” - Ngọc Linh kể về hành trình tìm lại chính mình.

 

Chia tay Phương Anh và Ngọc Linh trong tôi dấy lên cảm xúc khó tả. Tôi khâm phục những người dám vượt qua bao khó khăn để được tìm lại chính mình như họ và cũng thương cho những người như họ đang phải sống khổ đau, sống ẩn mình giữa cuộc đời này.

 

Theo Hà Tùng Long

 Gia đình & Xã hội