Cục phòng, chống HIV/AIDS:
Nhóm nghiện tiêm chích ma túy chiếm tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất
(Dân trí) - Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS thì số người nhiễm HIV còn sống tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ với hơn 63.000 người, tiếp đến là các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ…
Báo cáo trên được Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đưa ra tại hội thảo về “phòng, chống HIV/AIDS” tổ chức mới đây tại TP.Cần Thơ.
Tại hội thảo, đại biểu các địa phương cho rằng, công tác phòng, chống sự lây nhiễm của HIV/AIDS rất được các ngành chức năng quan tâm trong thời gian qua. Dù tình trạng lây nhiễm bệnh có xu hướng giảm nhưng vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát mạnh nếu không có sự can thiệp bằng những giải pháp tích cực.
Thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: tính đến cuối năm 2011, cả nước có trên 197.000 người nhiễm HIV/AIDS đang còn sống; trong đó có hơn 48.700 bệnh nhân AIDS. Tổng số người tử vong do nhiễm HIV cho đến nay được ghi nhận là hơn 52.300 người.
Cũng qua thống kê của các ngành chức năng, số người nhiễm HIV còn sống tập trung nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Bộ với hơn 63.000 người, tiếp đến là các khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Miền núi phía Bắc, Tây Nam Bộ…
Thống kê ở cấp địa phương thì TPHCM vẫn là nơi có số người nhiễm HIV cao nhất nước (hơn 46.500 người), sau đó là các tỉnh, thành: Hà Nội (18.000 người), Sơn La (8.000 người), Thái Nguyên (7.000 người), Hải Phòng (6.900 người), Nghệ An (5.300)…
Tại khu vực ĐBSCL, tỉnh An Giang có số người nhiễm HIV còn sống cao nhất (4.450 người) và Trà Vinh là tỉnh có số người nhiễm HIV thấp nhất (hơn 890 người).
Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân cho hay: Qua thống kê, tỷ lệ người nhiễm HIV vẫn chiếm cao ở nhóm nghiện tiêm chích ma túy, tiếp đó là nhóm mại dâm…
Cũng theo lãnh đạo Cục phòng, chống HIV/AIDS: Bệnh HIV/AIDS vẫn chưa có thuốc, vắc xin đặc trị và phòng ngừa; đâu đó người bị nhiễm bệnh vẫn còn bị kỳ thị. Ngoài ra, các dịch vụ chăm lo và nguồn ngân sách để hỗ trợ cho công tác phòng, chống bệnh này vẫn còn rất hạn chế.
Tại hội thảo, Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: Mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS của nước ta đến năm 2020 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,3%; giảm 80% số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy so với năm 2010; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống còn 2%...
Huỳnh Hải