1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhọc nhằn xóm bắp đêm

(Dân trí) - Không biết từ bao giờ, xóm bắp này được khai sinh, những ông bà chủ ở đây chỉ nhớ “lơ mơ” là nó có từ chục năm nay và bây giờ đã trở thành nghề kiếm cơm chính của người dân khu cầu Phước Hòa 1, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương.

Bắp luộc - nồi cơm của cả gia đình!

 

Trời tối như mực, cả một đoạn đường dài không có một bóng người, không một quán cóc; cánh rừng cao su bạt ngàn chạy dài như muốn nuốt chửng con đường. Vừa qua cầu Phước Hòa 1, một ánh đèn pin lấp lóa rọi vào xe.

 

Chủ ánh đèn ấy là một cậu bé, người còm nhom, đôi mắt ráo hoảnh, nhoẻn miệng cười, giọng trơn tru: “5 ngàn 3 cái bắp, mua nhiều giảm giá. Ai mua bắp làm quà đi”. 

 

Tiến về phía rừng cao su, một người phụ nữ đang lúi húi bên bếp lửa mịt mù khói. Bên nồi bắp bốc hơi ngùn ngụt, chị Phượng (mẹ cậu bé) đãi khách món bắp luộc dân dã, và bắt đầu câu chuyện về nghề bán bắp đêm.

 

Chị bảo, bây giờ đang mùa bắp, giá bắp “bèo bọt” lắm, bà con xót của nên đổ xô ra đây tự bán bắp kiếm thêm chút tiền. Chị không có ruộng thì đi “tuyển” bắp rồi về bán lại. Nhà có 3 người huy động cả ra đây. Thằng Huy, đứa con trai mới lên 10 của chị, ngày đi học, đêm về có nhiệm vụ cầm chiếc đèn pin đứng ngay ở lề đường quơ quơ làm tín hiệu để “chào hàng”. Gia đình chị làm nghề này từ khi cu Huy mới 2 tuổi.

 

Nhọc nhằn xóm bắp đêm  - 1

Càng về đêm, xóm bắp càng nhộn nhịp.
 

Khuôn mặt còn nhem nhuốc vì nhọ than, người phụ nữ nghẹn ngào: “Nói thật với các chú! Cái nghề bán bắp này là cực lắm, thức đêm tận 1-2 giờ sáng là chuyện bình thường. Đêm nào “hên” luộc cả ngàn cái cũng bán hết. Còn khi ế ẩm cả nhà ăn bắp thay cơm, rầu thúi ruột. Nhưng phải cố mà làm để cho cu Huy còn được đến trường học lấy cái chữ”.

 

Những câu chuyện mưu sinh

 

Chị Phượng được xếp vào loại làm ăn “cò con” ở khu vực này. Chỉ trên một đoạn đường vài cây số, nhẩm tính cũng hơn chục gia đình làm nghề kinh doanh bắp. Chỉ cần liếc thấy có bảng quảng cáo, có hộp đèn thì biết rằng hộ đó làm ăn khá nhất khu này.

 

Như cửa hàng tên “Thảo” nằm kế bên “quán” của chị Phượng. Chủ cửa hàng là ông Thanh, tuy đã bước qua tuổi “thất thập” nhưng đêm nào ông cũng “trực chiến” bên những nồi bắp cùng 4 đứa con của mình. 

 

Ông kể: “Gia đình có tất cả 2 ha cao su, hết mùa cạo mủ thì buôn bắp, bán ngô chứ biết làm nghề gì ở cái xứ này”. Cửa hàng ông kinh doanh đủ các món: luộc chín, tươi, sống,  thu mua sỉ lẽ, bỏ mối… Khách của ông chủ yếu là người đi đường, dân tài xế và những mối quen từ cái thuở ông còn cùng vợ đánh xe bò đi thu mua bỏ mối.

 

Người thanh niên mồ hôi chảy nhễ nhại đứng bên nồi bắp đang sôi là Cảnh, người con thứ 2 của ông Thanh. Còn hơn chục ngày nữa là Cảnh lấy vợ. Cảnh bảo: “Chưa vợ nên tranh thủ làm thêm”. Ngày anh cùng chiếc ba gác rong ruổi thu mua, đêm thì ra đây phụ giúp ông già kiếm chút tiền cưới vợ. Cảnh cũng đã nhẩm tính cho tương lai, sau này 2 vợ chồng xin “ông già” ít vốn mở một “chi nhánh” riêng.

 

Nhọc nhằn xóm bắp đêm  - 2

Một cửa hàng làm ăn khá nhất xóm.

 

“Buôn có bạn, bán có phường”; chuyện giành giật khách, xích mích nhau ở xóm bắp đêm là chuyện như cơm bữa nhưng cũng chỉ là chuyện vạch vãnh, cãi nhau rồi lại hòa ngay. Điều dân xóm bắp sợ nhất là cảnh mấy “ông” lâu lâu đến tự xưng chức, xưng quyền rồi đòi dẹp xóm.

 

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh một người tự xưng là cán bộ địa phương dọa sẽ đổ nồi bắp của chị Phượng xuống đất nếu chị không chịu chi một ít tiền gọi là “phí buôn bán”. Đổ nồi bắp coi nhà cả nhà mất nồi cơm, thế nên mấy ai dám không rút ví, bỏ tiền!

 

Xóm bắp đêm đêm vẫn rộn rã tiếng cười, làm ấm lòng những vị khách phương xa trong cuộc hành trình dài bằng những trái bắp nóng hổi, thơm ngọt vừa vớt ra từ nồi lửa đang sôi…

 

Đức Nguyễn