1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhọc nhằn phụ nữ mưu sinh xứ người

(Dân trí) - Đó là những người phụ nữ nghèo tha hương, vào Sài Gòn mưu sinh kiếm sống. Chấp nhận xa gia đình, chấp nhận làm những công việc vốn chỉ dành cho đàn ông, họ chỉ mong mỗi tháng để ra được vài đồng gửi về quê cho con đóng học…

Phụ nữ làm việc đàn ông!

 

Trời mưa lất phất, nằm sâu trong con hẻm 126 Lê Văn Thọ, P.11 (Q.Gò Vấp) có một dãy nhà đang xây. Giữa đống cát, đá, sắt thép xi măng ngổn ngang, những người thợ xây, phụ hồ đang làm việc cật lực trong tiếng kêu ầm ĩ phát ra từ chiếc máy trộn vữa.

 

Lẫn trong số những anh thợ nhễ nhại mồ hôi có bóng dáng 2 người phụ nữ. Đó là hai chị em Ngô Thị Hường và Ngô Thị Thúy, quê Nghệ An, vào Sài Gòn mưu sinh.

 

Hường nhác trông già hơn cái tuổi 25 rất nhiều. Chị thở dài: “Ngoài nớ vừa bị bão lụt, mất sạch mùa màng, chẳng còn gì để ăn. Con mới được 10 tháng tuổi, gửi cho người thân nuôi hộ, bắt xe vào đây…”. Chị kể, hồi mới vào Sài Gòn, mọi thứ đều lạ lẫm, chị cứ như “con cóc mù mắt”. Qua người quen, chị kiếm được công việc phụ hồ này với tiền công 55.000đ/ngày.

 

Đây là một nghề rất “thời vụ”, vào ngày mưa bão coi như chị thất nghiệp. Trời thương thì làm được 6 công một tuần, còn không có tuần chỉ được 1 công, vậy là kiếm chả đủ tiêu, còn đâu tiền gửi về quê. “Tui thuê nhà đã hết 150.000đ/tháng, ở chung với 4 người nữa. Ăn uống tằn tiện, mỗi ngày chỉ dám mua ba nghìn rau, thỉnh thoảng mới dám mua vài đồng tép. Rau ở đây đắt quá, không như ở quê. Rứa mà không có dư!”, chị bần thần nhẩm tính. Nhưng thế là vẫn khá hơn ở quê, Hường chỉ kiếm được 20.000 đồng.

 

Cuộc nói chuyện giữa tôi và chị bị ngắt quãng liên tục vì những tiếng hô “chuyển vữa lên!”, “cho thêm gạch!”,… Chị bồi hồi than: “Mong có ít tiền về quê thăm con, nhớ quá rồi!”.

 

Không cởi mở như Hường, Thúy vẫn còn giữ vẻ bẽn lẽn của một cô gái quê. Nhưng nói về sức làm thì Thúy không thua gì đàn ông, có thể bê chồng gạch đi phăm phăm. “Mới làm cũng mệt nhưng giờ quen rồi. Vả lại, ở quê cũng làm việc nặng, chứ có sướng hơn đâu!”, Thúy cười. Thúy mới cưới chồng được 20 ngày, vợ chồng còn chưa quen hơi đã lại phải xa nhau. Hỏi nhớ chồng không, Thúy ngập ngừng: “Nhớ thì có nhớ nhưng ở nhà mãi có mà chết đói!”.

 

Thúy vào đây làm thợ phụ theo lời “rủ rê” của chị Hường nhưng Thúy bảo chỉ làm vài tháng thôi, tới mùa vụ Thúy sẽ về quê làm nông, chứ ở đây dễ kiếm tiền hơn nhưng cái gì cũng đắt đỏ, chẳng dư là bao.

 

Cả hai người phụ nữ này đều tỏ ra khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Đối với họ, việc đổ mồ hôi để kiếm sống nơi xứ người là điều tất yếu của cuộc mưu sinh.

 

Giúp việc dạo!

 

Chị tên Ba, quê Vĩnh Long, năm nay 45 tuổi. Hàng ngày chị rong ruổi trên chiếc xe đạp, chạy “show” khắp thành phố, làm giúp việc cho một số gia đình. Không giống như những ô sin thông thường khác, chị nhận làm cho nhiều gia đình, mỗi gia đình chỉ làm trong vài giờ. Lương của chị được tính theo giờ, với mức 20.000 đồng.

 

Một tuần chị làm cho 3 gia đình, mỗi gia đình 3 buổi, mỗi buổi 1 giờ, như vậy là thu nhập cũng thuộc loại khá so với ở quê. Và chị chủ động trong công việc của mình. Chị bảo, nghề nghe có vẻ thoải mái, nhàn nhã, nhưng “họ “sở hữu” mình trong 1 tiếng đồng hồ thì trong thời gian đó họ bắt mình làm không ngơi tay”.

 

“Lo cho người ta nhà cửa sạch sẽ, chứ phòng trọ của tui bầy hầy lắm”, chị cười nói vui. Chị có 3 người con, đều ở lại quê với bố. Chồng chị ở quê lo việc đồng áng, lo cho mấy đứa con, còn chị bôn ba ở thành phố kiếm tiền, lâu lâu mới về quê một lần. Chị bảo, ở quê gạo không thiếu, chứ tiền thì lúc nào cũng thiếu.

 

Còn nhiều những phần đời phụ nữ khác, kiếm sống bằng nghề thu mua phế liệu, bán hủ tíu gõ, bán trái cây dạo,… Vất vả đấy, cơ cực đấy, nhưng họ hãnh diện vì những đồng tiền mồ hôi nước mắt lương thiện của mình.

 

Dương Cầm